Quay phim phải xin phép cán bộ tiếp dân: Cục Kiểm tra văn bản nói gì? Thứ Năm, ngày 10/01/2019 16:01 PM (GMT+7) Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản cho rằng, trụ sở tiếp công dân có đặc điểm khác với công sở và việc thi hành nhiệm vụ ở nơi công cộng. Công dân phải xin phép nếu muốn ghi hình cán bộ tiếp dân. (Ảnh minh họa) Vừa qua, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội đã ban hành Quyết định số 12/QĐ-UBND quy định Nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân Thành phố (sau đây gọi là Quyết định số 12). Trong đó nội dung “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp công dân” thu hút sự quan tâm của dư luận và ý kiến trái chiều. Có ý kiến cho rằng, nội quy TP.Hà Nội là cần thiết nhằm đảm bảo sự tôn nghiêm tại nơi tiếp dân, ngăn chặn việc được ghi âm, quay phim rồi cắt ghép nhằm mục đích bôi nhọ, xuyên tạc, vu khống với dụng ý xấu đối với cán bộ, công chức… Nhưng có ý kiến lo lắng, người dân sẽ gặp khó trong việc giám sát cán bộ tiếp dân có thực thi đúng nhiệm vụ hay không? Cán bộ có tác phong chuẩn mực thì việc công dân ghi hình càng tốt Trao đổi với PV về Quyết định số 12 , TS Lê Hồng Sơn - nguyên Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng: Bản chất của Quyết định số 12 là văn bản hành chính cá biệt. Theo quy định, Văn bản hành chính cá biệt phải đảm bảo các quy định trong Văn phản quy phạm pháp luật, cụ thể là Luật tiếp công dân do Quốc hội ban hành. Tức là nội quy tiếp công dân tại trụ sở tiếp công dân thành phố phải dựa trên các quy định trong Luật Tiếp công dân, từ đó áp dụng, tổ chức tiếp công dân cho tốt, đảm bảo an ninh trật tự, văn hóa giao tiếp ở nơi tiếp công dân. Theo TS Lê Hồng Sơn, Luật Tiếp công dân quy định rõ các quyền và nghĩa vụ của người dân khi đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong đó, có quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với cả công dân lẫn cán bộ, công chức; những trường hợp cán bộ được từ chối tiếp công dân tại bộ phận tiếp dân. Tuy nhiên, luật không cấm người dân quay phim, ghi âm khi làm việc với cán bộ tiếp dân. “Nội quy (trong Quyết định số 12/QĐ-UBND của UBND TP.Hà Nội - PV) đã đưa ra các quy định mới liên quan đến quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân, đặc biệt là quy định “Không quay phim, chụp ảnh, ghi âm khi chưa có sự đồng ý của người tiếp dân”. Tức là người dân chỉ được quay phim, chụp ảnh khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân. Đây là một loại quy phạm pháp luật xác định quyền của người dân có điều kiện. Người dân chỉ được thực hiện hành vi, thực hiện quyền quay phim, chụp ảnh, ghi âm của mình khi được sự đồng ý của cán bộ tiếp dân.” - ông Sơn phân tích. TS Lê Hồng Sơn cho rằng, theo quy định của Hiến pháp 2013 cũng như Luật ban hành văn bản Quy phạm pháp luật 2015, việc ban hành quy định người dân quay phim, ghi âm, chụp ảnh phải xin phép cán bộ trên thuộc thẩm quyền của Quốc hội, cấp chính quyền địa phương như TP.Hà Nội không có quyền này vì đây là quy định mang tính quy phạm pháp luật. “Trường hợp cho rằng quy định này (người dân quay phim, ghi âm, chụp ảnh phải xin phép cán bộ) là cần thiết, thì cần phải báo cáo Quốc hội xem xét quyết định. Nếu văn bản này có chứa các quy phạm pháp luật như các nội dung mà tôi đã dẫn ở trên thì buộc phải kiểm tra, xử lý cho đúng”, TS Lê Hồng Sơn kiến nghị và cho biết thẩm quyền kiểm tra xử lý các văn bản này thuộc trách nhiệm của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp. TS Lê Hồng Sơn cho biết, nội dung buộc công dân phải được phép mới được quay phim, chụp ảnh, ghi âm cán bộ tiếp dân làm ông liên tưởng đến việc công dân quay phim, ghi hình phải xin phép CSGT gây xôn xao hồi năm 2013 và sau đó phải hủy bỏ. Theo TS Sơn, việc một số ý kiến cho rằng đối tượng xấu có thể lợi dụng việc công dân ghi âm, ghi hình tự do từ đó chỉnh sửa cắt ghép tung lên mạng xã hội nhằm mục đích bôi nhọ, kích động, là một lối suy diễn quá đà. Ông Sơn cho rằng, cần phải tách bạch 2 vấn đề, thứ nhất việc người dân ghi hình, ghi âm cái kiến nghị là việc làm bình thường và quyền họ. Thứ hai là việc sử dụng tư liệu đó như thế nào, công dân lưu trữ nó làm tư liệu ghi nhận ý kiến của mình. Còn trường hợp, công dân sử dụng tư liệu ghi hình ghi âm để cắt ghép, chỉnh sửa đưa lên mạng nhằm vu khống, bôi nhọ, xúi giục thì đã có Luật An ninh mạng xử lý. “Nếu cán bộ công chức tiếp dân có tác phong chuẩn mực, nghiêm chỉnh thì việc người dân ghi âm, ghi hình càng tốt. Giống như việc CSGT trong khi thi hành nhiệm vụ mà xử lý, hướng dẫn giao thông tốt được người dân ghi hình, đó là việc làm tốt của người dân giúp tuyên truyền hình ảnh, tấm gương tốt về chiến sĩ CSGT”, TS Sơn nói. Cục Kiểm tra văn bản vào cuộc Liên quan tới Quyết định số 12 của UBND TP.Hà Nội, trao đổi với PV, ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản, Bộ Tư pháp cho biết, cơ quan này đã tiếp nhận những ý kiến khác nhau xung quanh nội quy tiếp công dân của UBND TP.Hà Nội và đang kiểm tra theo thẩm quyền. Ông Đồng Ngọc Ba - Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Ảnh: Bộ Tư pháp) Theo ông Ba, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố, người đứng đầu cơ quan hành chính có thẩm quyền ban hành nội quy làm việc của cơ quan, đơn vị trong địa bàn phụ trách. Tuy nhiên, phạm vi, mức độ điều chỉnh của nội quy thế nào để phù hợp với hiến pháp luật và đảm bảo quyền của người dân, đảm bảo chuẩn mực ứng xử giữa cán bộ và công dân. Việc quay phim, chụp ảnh cũng phải đảm bảo các nội quy để hoạt động tiếp công dân được diễn ra bình thường. Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản cũng cho rằng, trụ sở tiếp công dân có đặc điểm khác với công sở và việc thi hành nhiệm vụ ở nơi công cộng. Đặc thù công việc ở đó cũng đòi hỏi các yêu cầu về văn hóa, chuẩn mực ứng xử của cả người dân và cán bộ tiếp dân, bao gồm cả hành vi quay phim, chụp ảnh, ghi âm. “Chúng tôi bắt đầu nghiên cứu để đối chiếu, so sánh quy định này với hiến pháp, các luật, nghị định có liên quan, các quy định của Hà Nội. Chúng tôi cũng sẽ trao đổi với các cơ quan chuyyên môn, Thanh tra Chính phủ, các chuyên gia sau đó sẽ có ý kiến chính thức”, ông Đồng Ngọc Ba nói. Ông Lê Đình Cung - Phó Trưởng ban thường trực Ban Tiếp công dân TP Hà Nội tiết lộ thực tế việc người dân ghi hình khi... Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .