Quốc hội bàn về tính chuyên nghiệp của đại biểu Dù đã hết giờ họp buổi sáng 26-5, vẫn còn 25 đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chưa được phát biểu về dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức QH. Cũng dễ hiểu vì đó là những sửa đổi liên quan trực tiếp đến chính các ĐBQH và tổ chức, cách thức vận hành của QH. Chuyên trách hay chuyên nghiệp? 18 ý kiến phát biểu và ba ý kiến tranh luận đa số đều đồng tình với điểm mới trong dự luật là nâng tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên 40%, trong đó có 5% dành cho các chuyên gia, cán bộ, công chức sắp hoặc đã về hưu có kinh nghiệm, trình độ. Thậm chí có ĐB còn đề nghị nâng hẳn tỉ lệ ĐBQH chuyên trách lên 50%. Việc sửa đổi này, từ hai năm nay, được kỳ vọng sẽ nâng chất lượng lập pháp của QH lên, từ đó QH sẽ có thể cho ra đời những đạo luật có chất lượng, sát thực tiễn trong thời gian tới. Đặc biệt, nhiều ĐB kỳ vọng quy định dành tỉ lệ 5% ĐBQH chuyên trách cho các chuyên gia sẽ là một động lực thúc đẩy QH đổi mới hơn nữa. ĐB Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) cho rằng các cán bộ, công chức, viên chức có kinh nghiệm, công tác lâu năm, có năng lực, trí tuệ sắp đến tuổi nghỉ hưu, còn khỏe thì nên thu hút vào QH. Ông Hận nói kinh nghiệm, trí tuệ ấy cần phải được sử dụng hiệu quả. Theo ĐB này, các cán bộ này chín chắn hơn, không ngại va chạm, dám nói thẳng, nói thật. “Với những đặc điểm nổi trội nêu trên, theo tôi thì việc thu hút các cán bộ này là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta cũng nên có giới hạn số lượng, có cơ cấu lựa chọn minh bạch, khoa học để hạn chế thấp nhất mặt trái của vấn đề” - ĐB Quốc Hận nói. Còn ĐB Phan Thái Bình (Quảng Nam) đề nghị: “Đề án bầu cử QH sắp tới và trong hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH cần phải quy định đảm bảo tối thiểu phải được 40% ĐBQH chuyên trách. Còn nếu cao hơn đến 45%, 50%, thậm chí trên 50% thì càng tốt”. Ông Bình cũng đề nghị phải rút kinh nghiệm nhiều nhiệm kỳ QH vừa qua, tuy luật quy định ĐBQH chuyên trách phải tối thiểu 35% nhưng không đạt được. “QH thực hiện luật do mình ban hành ra chưa nghiêm thì cũng cần phải đánh giá lại” - ông Bình đề nghị. Nhưng theo ĐB Lê Thanh Vân (Cà Mau), việc tăng tỉ lệ ĐBQH là chuyên gia là không đúng. Ông lý giải: “ĐBQH là chính trị gia, phải nắm chắc được nguyên lý vận hành của các thiết chế quyền lực nhà nước, các nguyên lý vận hành của các thể chế kinh tế, chính trị, xã hội để khởi xướng chính sách và thuyết phục chính sách. Nếu ĐBQH là chuyên gia am hiểu sâu vào từng lĩnh vực cụ thể thì không đúng nguyên lý tổ chức, vận hành của thiết chế quyền lực cao nhất đó là QH”. Còn về mặt thực tiễn, ĐB Bình nêu: Hội đồng Dân tộc, các ủy ban của QH quá đông thành viên. Thậm chí có ủy ban hơn 40 ĐB nhưng họp lúc nào cũng trên 20 là nhiều, không bao giờ đủ 100%. Ông Bình còn đề nghị phải chế tài các ĐBQH nếu không thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ của mình. Có lẽ vì vậy mà ĐB Lê Thanh Vân nói: “Cho dù 100% ĐBQH là chuyên trách mà không chuyên nghiệp thì hoạt động của QH cũng sẽ không đảm bảo được thực chất, thực quyền”. Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân cho rằng tính chuyên nghiệp của đại biểu là yếu tố quan trọng nhất để Quốc hội hoạt động thực chất, thực quyền. Ảnh: Quochoi.vn Nhiều đại biểu còn rất ngại… phát biểu ĐB Nguyễn Thanh Thủy nêu rằng: “Qua hai nhiệm kỳ QH khóa XIII và khóa XIV, tôi thấy từng ĐBQH, nhất là ĐB nữ, ĐBQH chuyên trách rất tâm huyết, trách nhiệm, thể hiện rõ bản lĩnh, kỹ năng cần có của người ĐBQH, được cử tri và nhân dân tin tưởng gửi gắm tâm tư, nguyện vọng”. Tuy nhiên, theo bà Thủy, 500 ĐBQH chủ yếu vẫn là ĐB kiêm nhiệm, chọn theo cơ cấu đại diện. Do vậy, vai trò của QH, chất lượng của từng ĐBQH vẫn chưa thực sự đảm bảo, chưa phát huy đúng tầm, đúng trọng trách của QH, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. “Thực tế cho thấy vẫn còn không ít ĐBQH trúng cử nhưng suốt trong quá trình hoạt động nhiệm kỳ QH vẫn còn ngán ngại phát biểu thảo luận tại tổ và nghị trường. Hoặc có ĐB phát biểu nhưng nội dung chuẩn bị chưa chu đáo, phát biểu chưa đúng trọng tâm, chưa đúng tầm của một ĐBQH, chưa thể hiện đúng tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và nhân dân” - bà Thủy nói. Theo ĐB Lê Thanh Vân, hạt nhân hoạt động của QH chính là ĐBQH. “Để QH hoạt động thực chất, thực quyền thì phải tăng cường năng lực cho ĐBQH. Trước hết là năng lực pháp lý, thứ hai là các điều kiện đảm bảo cho hoạt động của ĐBQH” - ông Vân nói. Theo ông Vân, năng lực lập pháp của ĐBQH là đáng chú ý nhất. Năng lực đó bao gồm quyền trình dự án luật, quyền sáng kiến pháp luật. Nếu hai quyền này không được đảm bảo thì quyền khởi xướng chính sách chắc chắn chỉ có thiên về duy nhất Chính phủ. “Lúc đó QH sẽ không còn nắm giữ được vai trò chủ đạo, đó là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp” - ông Vân phát biểu. Hạn chế tối đa việc chuyển ĐBQH đi nơi khác trong nhiệm kỳ Mỗi ĐB ứng cử ở một địa bàn và cử tri bầu ra ĐB đó. Nhưng sau này vì công tác cán bộ thì ĐB đó không còn làm ở đó nữa. Cử tri nói tôi bầu ra ĐB đó vì lý do này, vì lý do khác. Vì niềm tin cử tri tín nhiệm bầu một ĐB nhưng ĐB đó lại chuyển sang một địa bàn mới, mà địa bàn mới thì cử tri ở đó không bầu ra ĐB đó. Tôi nghĩ nên chăng phải có quy định ĐBQH khi đã được bầu rồi thì làm ở đâu cũng được. Tôi thấy công tác cán bộ là một công việc cần thiết, tuy nhiên đã bầu rồi thì nên hạn chế tối đa việc chuyển ĐB đi chỗ khác trong nhiệm kỳ của QH. ĐB NGUYỄN SỸ CƯƠNG (Ninh Thuận) ĐBQH chuyên trách phải đáp ứng rất nhiều tiêu chuẩn ĐBQH chuyên trách ngoài những tiêu chuẩn chung thì còn phải đáp ứng các điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng chức danh và các chức danh này được quy định rất cụ thể trong các văn bản chỉ đạo của Đảng và hướng dẫn của Ủy ban Thường vụ QH. Xin phép QH cho tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể vấn đề này trong các văn bản dưới luật vì đây là những vấn đề rất chi tiết, rất khó để có thể quy định cụ thể trong luật. Ông HOÀNG THANH TÙNG, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .