Quốc hội: Giảm thời gian làm việc hình thức, tăng chất lượng Thực hiện chương trình phiên họp thứ 40, sáng 18-12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến về việc tổng kết kỳ họp thứ 8 và cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của QH. Tài liệu công khai nhưng đóng dấu mật Trình bày báo cáo tổng kết kỳ họp thứ 8, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc cho biết sau 28 ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, trí tuệ, đổi mới, lắng nghe và cầu thị, kỳ họp thứ 8, QH khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp. Theo đó, QH đã thông qua 11 luật, bộ luật, 17 nghị quyết và cho ý kiến về 10 dự án luật khác. Đồng thời QH đã giám sát một chuyên đề, xem xét nhiều báo cáo và tiến hành chất vấn, trả lời chất vấn; quyết định các vấn đề quan trọng về kinh tế - xã hội (KTXH), ngân sách nhà nước (NSNN), nhân sự và một số vấn đề quan trọng khác. “Có thể nói kỳ họp 8 đã để lại những dấu ấn, đáp ứng một phần nào đó những yêu cầu của cử tri… Với khối lượng lớn công việc nhưng không để xảy ra nội dung nào sai sót, sơ suất” - Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá. Hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp tiếp tục được cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi, đánh giá cao. Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã thể hiện thái độ nghiêm túc, cầu thị, không né tránh những vấn đề khó, bức xúc, thẳng thắn nhận trách nhiệm và đưa ra nhiều cam kết để khắc phục các hạn chế, bất cập… Tuy nhiên, theo Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc, tại kỳ họp thứ 8 vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục được lưu ý rút kinh nghiệm. Đó là một số nội dung trình QH có chất lượng chuẩn bị chưa cao, chậm gửi hồ sơ tài liệu. Chính phủ đề nghị bổ sung gấp nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nội dung đã được lưu ý từ rất sớm, gây khó khăn cho công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp. Vẫn còn tình trạng nội dung được trình bày, thảo luận công khai tại hội trường nhưng tài liệu lại đóng dấu mật, gây khó khăn, lúng túng trong sử dụng thông tin của đại biểu QH cũng như cơ quan thông tấn báo chí. Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tại buổi họp sáng 18-12 của Ủy ban Thường vụ QH. Ảnh: TTXVN Kỳ họp 9: Tập trung làm luật Trình bày dự kiến nội dung kỳ họp 9 của QH (sẽ diễn ra vào tháng 5-2020), Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc thông tin: Kỳ họp dự kiến sẽ kéo dài 20,5 ngày, trong đó dành 11 ngày cho công tác lập pháp (thông qua 10 dự án luật, một dự thảo nghị quyết, cho ý kiến bảy dự luật) và 9,5 ngày để xem xét các vấn đề KTXH, NSNN, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Cho ý kiến về nội dung này, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị nên rút ngắn thời gian thảo luận về KTXH tại kỳ họp giữa năm để dành thời gian cho các vấn đề khác vì nội dung KTXH đã được bàn rất kỹ tại kỳ họp cuối năm trước. “Tôi thấy các vấn đề thảo luận tại kỳ họp tháng 5 về cơ bản đã được thảo luận kỹ, nói rõ ràng tại kỳ họp cuối năm rồi. Nên chăng chỉ thảo luận bổ sung những vấn đề mới...” - ông Hiển nói. Theo đó, ông Phùng Quốc Hiển đề nghị nên quy định kỳ họp giữa năm là kỳ họp dành nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật, còn kỳ họp cuối năm thì dành nhiều thời gian cho vấn đề KTXH. Đồng tình với ý kiến này, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho rằng kỳ họp 9 của QH cần tiếp tục đổi mới để giảm bớt các thời gian làm việc hình thức, tăng cao chất lượng làm việc của QH. “Chẳng hạn kỳ họp giữa năm thì QH chỉ xem lại báo cáo KTXH có gì mới, vượt hơn thì thảo luận. Chứ không dành cả ngày thảo luận những cái cũ sẽ trùng, mất thời gian, hình thức” - Chủ tịch QH nói. Bà cũng đề nghị bộ phận chức năng gửi tài liệu cho đại biểu nghiên cứu thay vì thảo luận tại hội trường về những nội dung đã được bàn kỹ. “Kỳ họp thứ 9 cần làm ngắn gọn, hiệu quả, đổi mới thảo luận về KTXH, tập trung nhiều thời gian cho công tác xây dựng luật” - Chủ tịch QH chốt lại. Các bộ trưởng nói nhanh, dân khó nghe kịp Tại buổi họp, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại QH Nguyễn Văn Giàu nhắc nhở việc nói nhanh của các bộ trưởng khi trả lời chất vấn, giải trình trước QH. “Một số đồng chí ăn nói hoạt bát nhưng nói nhanh như tên lửa, dân không nghe được. Đây không chỉ nói trong QH mà còn truyền hình trực tiếp cho toàn dân nghe. Việc này đã nhắc nhiều nhưng chưa được khắc phục” - ông Giàu nói. Tổng Thư ký QH Nguyễn Hạnh Phúc lại cho rằng do thói quen, do tính chất ngôn ngữ của mỗi vùng, miền khác nhau nên khó khắc phục. “Bản thân tôi khi nghe các đại biểu miền Nam nói nhanh cũng chỉ nghe được 60%-70%, ngược lại khi người miền Nam nghe người miền Bắc nói nhanh cũng khó nghe lắm. Trả lời nhanh cũng thế thôi” - ông Phúc nói và khẳng định các nội dung thảo luận tại hội trường đều được bóc băng đầy đủ, rõ ràng, chính xác… Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .