Quy trách nhiệm cụ thể cho cán bộ giải trình không đúng Sáng 9-7, Viện Khoa học môi trường và xã hội đã phối hợp với ĐH quốc tế Sài Gòn tổ chức hội thảo “Công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan hành chính nhà nước đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”. Tại đây, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho biết dự thảo văn kiện Đại hội 13 của Đảng có xác định tiếp tục xây dựng nền quản trị hành chính quốc gia hiện đại, hiệu lực, hiệu quả. Mà muốn có nền hành chính này thì phải đảm bảo tính công khai, minh bạch. “Đảng đã nói dân chủ cơ sở là dân biết, dân bàn, dân làm. Vì vậy, có công khai, minh bạch thì dân mới biết, mới làm…” - bà Thu Ba khẳng định. Theo bà Thu Ba, phải xác định rõ cách thức, hình thức công khai, minh bạch và giải trình, tránh mỗi người hiểu một cách. “Lĩnh vực nào cũng cần công khai, minh bạch. Lĩnh vực nào có sử dụng ngân sách, tài nguyên… của nhân dân, thực hiện một số quyền hành mà người dân trao thì phải có trách nhiệm công khai với dân” - bà Thu Ba nhấn mạnh. Bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: LÊ THOA Bà Thu Ba dẫn chứng trong lĩnh vực nhà đất, có tình trạng cán bộ nhận hồ sơ xong, canh gần tới ngày trả hồ sơ mới báo cho dân biết thiếu cái này, cái kia khiến người dân bức xúc. “Nhũng nhiễu cũng từ việc không công khai, minh bạch mà ra, đã gây hệ lụy lớn. Trong đó vừa thiệt hại đến quyền lợi của nhân dân, vừa thiệt hại quyền lợi của Nhà nước… Từ đó người dân cũng thấy rất mệt mỏi, vì làm cái gì cũng tốn tiền…” - bà nói thêm. PGS-TS Nguyễn Tất Viễn, nguyên Vụ trưởng Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật, Chủ nhiệm Bộ môn luật, Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn, cho biết: Trong công tác cán bộ, do chưa hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực nên có tình trạng người đứng đầu lợi dụng quy chế, quy trình, lợi dụng tập thể để bố trí cán bộ, phục vụ lợi ích cá nhân. Chẳng hạn vụ việc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hải Dương từng có 43 lãnh đạo mà chỉ có hai chuyên viên. Theo PGS-TS Viễn, ít người đứng đầu có động thái xin từ chức. Trong khi đó có cán bộ thấy sắp bị kỷ luật thì mới xin nghỉ việc. Thậm chí có trường hợp đã bị cách chức nhưng vẫn cố gắng bám lấy vị trí nào đó. Có cả hình thức xử lý không ra kỷ luật, cũng không có quy định trong pháp luật, đó là “rút kinh nghiệm nghiêm túc” mà rất nhiều cơ quan áp dụng. PGS-TS Nguyễn Tất Viễn đề nghị nên xác định cụ thể phạm vi trách nhiệm của người đứng đầu và kiểm soát chặt quyền lực. PGS-TS Nguyễn Văn Trình, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, đề nghị việc công khai, minh bạch, giải trình phải gắn với chính quyền địa phương, xuống tận quận/huyện, phường/xã. Bởi có những vấn đề theo quy định công khai, minh bạch nhưng chính quyền địa phương lại thực hiện một cách… bí mật. Về việc giải trình, PGS-TS Nguyễn Văn Trình cho rằng giải trình xong rồi thì phải gắn trách nhiệm, xử lý ra sao, chứ hứa rồi kiểm điểm rút kinh nghiệm sâu sắc là xong thì không được. Đồng tình, TS Chu Hải Thanh, Chủ nhiệm khoa luật, ĐH Nguyễn Tất Thành, nêu ý kiến phải quy trách nhiệm cho người giải trình. “Có ông nào bị mất chức sau khi giải trình xong đâu. Nếu anh giải trình không đúng, số liệu sai, cố tình che giấu, đưa thông tin giả, trốn tránh trách nhiệm thì có thể quy trách nhiệm hình sự” - TS Thanh đề nghị. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .