Những yêu cầu cơ bản SGK phải thỏa mãn - Nhiều ý kiến nhận xét: “Cùng học để phát triển năng lực” là bộ sách giống Mô hình Trường tiểu học mới (VNEN), điều này có đúng, thưa ông? - Nếu xét về góc độ tiếp cận lấy hoạt động học của HS làm trung tâm thì hai bộ sách có cùng quan điểm. Mô hình Trường học mới và một số mô hình giáo dục của các nước tiên tiến đều lấy hoạt động học của HS làm trung tâm trong việc dạy học. Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” cùng chung cách tiếp cận đó. Nhưng với lợi thế đi sau, nên bộ sách này chỉ kế thừa những ưu điểm của cách tổ chức dạy học tích cực của Mô hình Trường học mới cũng như các phương pháp dạy học tích cực khác, có những điều chỉnh cần thiết để khắc phục các hạn chế, đảm bảo phù hợp với điều kiện dạy học ở Việt Nam. Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” chú trọng việc dạy - học tích cực. Trong đó, SGK thể hiện nội dung qua hệ thống các hoạt động học, sách giáo viên (SGV) hướng dẫn tổ chức các hoạt động học, với cách thiết kế bài học phù hợp cho việc tự học, gắn liền với các tình huống thực tế, nhằm phát triển phẩm chất và các năng lực chung, đặc biệt là năng lực giải quyết vấn đề của HS. PGS Phan Doãn Thoại - Ông có thể chia sẻ những điểm mới? Điều gì đảm bảo đây là bộ sách tốt, phù hợp với yêu cầu của CT giáo dục phổ thông mới? - Bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” có ba ưu điểm nổi bật, là: Mức độ tiếp cận kiến thức hợp lý, vừa đáp ứng yêu cầu của CT, vừa phù hợp với sức học của đại đa số học sinh ở tất cả các vùng miền, bảo đảm sự thân thiện, gần gũi với từng lứa tuổi HS, đáp ứng yêu cầu chuyên môn của giáo viên. Sách dễ sử dụng, phù hợp cho việc tự học của học sinh, giảng dạy linh hoạt của giáo viên và thuận lợi cho việc theo dõi, phối hợp của phụ huynh học sinh. Sách có độ mở thích hợp, thuận tiện cho quá trình cập nhật thông tin và bổ sung kiến thức theo vùng miền, theo định hướng nghề nghiệp của học sinh. Trong quá trình nghiên cứu và biên soạn, chúng tôi đặt ra các yêu cầu cơ bản, chú trọng những điểm mới riêng biệt theo tư tưởng, triết lý của bộ sách. Cụ thể, bộ SGK phải thỏa mãn các yêu cầu cơ bản: Là phát triển từ CT môn học, đặt trọng tâm vào việc phát triển năng lực, phẩm chất, phát triển những kỹ năng môn học cơ bản và phụ trợ giúp cho mọi học sinh thành công trong học tập. Là một bộ SGK trình bày một cách tường minh toàn bộ chuẩn kiến thức kỹ năng môn học theo CT giáo dục phổ thông mới. Là một CT thích hợp với mọi trình độ, trong đó các vấn đề được tích hợp hoàn hảo, dễ cho việc quản lý dạy học, có thể điều chỉnh bổ sung cho phù hợp. Là một kế hoạch học tập có hướng dẫn từng bước, có tính hệ thống cao, dễ cho việc tự học của HS, dễ cho việc tổ chức dạy học của GV; dễ dàng thực hiện một cách có hiệu quả ở bất kỳ lớp nào. Bộ sách có một thiết kế tổng thể khoa học và thống nhất. Mỗi cuốn SGK phải là một tác phẩm đẹp, thiết kế mĩ thuật hiện đại, hấp dẫn, thân thiện với học sinh. Bộ sách là một bộ tài liệu dạy học hoàn chỉnh, bao gồm: Sách giấy (SGK, sách bài tập, SGV); thiết bị, đồ dùng dạy học; sách mềm (sách điện tử): Việc dạy học được hỗ trợ bởi hệ thống phần mềm và học liệu điện tử dành cho HS và GV (hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả dạy học, đáp ứng kỳ vọng của GV, HS và phụ huynh). Ảnh minh họa/ INT Sự khác biệt rõ nét nhất được thể hiện qua cấu trúc từng bài học - Bộ sách nói chung và SGK mỗi môn học nói riêng đều xác định nhóm đối tượng sử dụng chính hoặc một khu vực để phát hành. Với bộ sách này, Ban soạn thảo hướng đến đối tượng nào, mô hình giáo dục nào, địa phương, vùng miền nào là chủ yếu? - Vì bộ sách “Cùng học để phát triển năng lực” bám sát mục tiêu, yêu cầu của CT giáo dục phổ thông mới do Bộ GD&ĐT ban hành, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về nội dung kiến thức, về phát triển phẩm chất và năng lực, đồng thời đảm bảo tính kế thừa, tính hiện đại và có độ mở thích hợp. Vậy nên, bộ sách này có thể phát hành rộng rãi trên toàn quốc, không phân biệt vùng, miền. - Cấu trúc bộ sách này có gì khác nhau giữa các cấp học, thưa ông? - Sự khác biệt rõ nét nhất được thể hiện qua cấu trúc từng bài học. Theo đó, nội dung mỗi bài học được thể hiện qua các hoạt động học. Sự khác biệt thể hiện cụ thể ở các mặt sau: Thứ nhất: SGK mới được xây dựng trên quan điểm tích hợp. Ở mỗi lớp, nội dung CT được phân chia thành những chủ đề. Mỗi chủ đề (gồm một số bài) tích hợp những kiến thức, kỹ năng, phương pháp, hướng tới hình thành và phát triển một số năng lực cốt yếu. Thứ hai: Mô hình cấu trúc SGK “Cùng học để phát triển năng lực” là mô hình hoạt động. Cấu trúc SGK của từng môn học bao gồm các phần (mỗi phần gồm một số chủ đề và bài ôn tập cuối phần); mỗi chủ đề gồm một số bài học, bài ôn tập cuối chủ đề (gồm Tóm tắt tổng hợp kiến thức, kỹ năng đã học và Hệ thống câu hỏi/bài tập ôn tập). Để xây dựng mô hình cấu trúc các bài học, trước hết cần xác định xem cuốn sách có bao nhiêu dạng bài; sau đó xác dịnh cấu trúc của mỗi dạng bài đó. Về cơ bản, thường có các dạng bài sau: Bài hình thành kiến thức/kỹ năng/phương pháp mới; bài thực hành/luyện tập/ôn tập; dự án; hoạt động trải nghiệm; bài đọc thêm; bài ôn tập chủ đề… Nội dung kiến thức trong mỗi bài học được thể hiện qua 4 bước, phù hợp với quá trình nhận thức: Bắt đầu từ một tình huống điển hình - mô hình hóa để hình thành kiến thức/kỹ năng mới - thực hành, vận dụng kiến thức/kỹ năng mới với những tình huống tương tự trong thực tế. Mỗi bước được thiết kế dưới dạng những hoạt động học tập. Tùy theo đặc điểm môn học, cấp học mà có những loại hình hoạt động học tập khác nhau. Các tác giả SGK đã nghiên cứu xác định các loại hình hoạt động thích hợp. Sử dụng loại hình hoạt động này, có thể diễn đạt nội dung cho phù hợp. Thứ ba, có thiết kế mĩ thuật tổng thể của bộ sách cho từng cấp học. Bảo đảm sự nhất quán về cấu trúc bộ sách từ lớp 1 - 12, nhằm giúp học sinh sử dụng bộ sách một cách dễ dàng, nhất là khi học sinh tự học hoặc tự ôn tập; giúp giáo viên tổ chức dạy học tích cực và hiệu quả. Đây cũng là sự khác biệt đáng chú ý của bộ sách mới so với bộ sách trước đây. - Xin cảm ơn ông! Hải Bình Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .