Công ty Thiết kế web

Sách Tiếng Việt lớp 1 mới: Làm nhẹ bớt “lao động” dạy học

Thảo luận trong 'Giáo dục' bắt đầu bởi mccadword, 21/12/19.

  1. mccadword

    mccadword Member

    Mới từ nội dung… tới hình thức

    Nói về những điểm mới, sự thú vị của SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” (NXB Giáo dục xuất bản) vừa được Bộ GD&ĐT phê duyệt sử dụng so với SGK Tiếng Việt 1 hiện hành, GS.TS, giảng viên cao cấp Lê Phương Nga – Trường ĐH Sư phạm Hà Nội chủ biên SGK Tiếng Việt 1, cho biết:

    Ngoài việc đảm bảo yêu cầu về phẩm chất và năng lực nhằm hiện thực hoá mục tiêu chung của chương trình Ngữ văn thì SGK Tiếng Việt 1 nói chung và SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” nói riêng còn chú ý hình thành năng lực đọc hiểu và viết sáng tạo bằng cách đưa nội dung đọc hiểu dạy ngay từ giai đoạn học vần, có nội dung viết sáng tạo (viết câu, đoạn) chứ không chỉ viết kĩ thuật như SGK theo chương trình hiện hành.

    SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách “Vì sự bình đẳng và dân chủ trong giáo dục” đã chú trọng sử dụng nhiều biện pháp và kĩ thuật biên soạn để hiện thực hoá các nguyên tắc tích hợp, giao tiếp, tích cực hoá hoạt động và kích thích hứng thú của học sinh. Đặc biệt, các tác giả không chỉ trình bày nội dung học tập mà cố gắng tối đa thể hiện cách học của học sinh trên từng trang sách. Phương châm biên soạn là dễ hóa và thú vị hóa, bảo đảm sự thành công của học sinh ngay từ những ngày đầu đến trường.

    Mặt khác, theo GS.TS Lê Phương Nga, SGK Tiếng Việt 1 của bộ sách này còn có những điểm mới như: Sách có giai đoạn làm quen cho HS ghi nhớ đúng hình dạng chữ cái bằng cách huy động kinh nghiệm bản thân, khám phá từ các đồ vật quanh mình và tạo hình cơ thể.

    Sách lựa chọn trật tự dạy vần theo nguyên tắc đưa từ nghi vấn vào sớm, tạo cơ hội cho HS nhanh chóng tự đọc được câu hỏi, bài tập, phát huy khả năng tự học. Sách đưa hết các vần có âm chính a và âm cuối trong tuần học vần đầu tiên để HS sớm đọc được các từ nghi vấn (ai, sao, cái gì, làm gì, tại sao, thế nào, bao giờ, khi nào) là những từ công cụ để điều hành dạy học bằng câu hỏi.

    Sách xây dựng được một hệ thống bài tập có tính “mở” để trên một vật liệu tối thiểu đạt được kết quả tối đa.

    Sách có tính tích hợp cao trong các bài. Tích hợp các hoạt động hình thành các kĩ năng đọc, viết, nói và nghe, đọc thành tiếng với đọc hiểu; tích hợp đọc hiểu và viết câu, đoạn... Việc cung cấp kiến thức tiếng Việt và hình thành kĩ năng nói và nghe, viết sẽ dạy gắn chặt với kĩ năng đọc hiểu chứ không rời theo từng mạch. Phần nói và nghe không theo hệ thống âm mà theo các chủ đề giao tiếp gắn với tình huống trong bài đọc. Vì thế, số lượng bài tập không nhiều nhưng vẫn đảm bảo phát triển đầy đủ các kĩ năng.

    Sách sử dụng nhiều tranh vẽ liên hoàn, phản ánh được nội dung bài học. Do đó, có thể dùng hình ảnh để dạy đọc, dạy học đa phương thức, tạo cơ hội cho học sinh dựa vào hình ảnh để thực hiện các hoạt động.

    Cùng đó, sách xây dựng được đường phát triển năng lực ở nhiều mức, phù hợp với nhiều vùng miền và đưa ra được các cách thức, kĩ thuật dạy học đặc thù để tạo ra sự phát triển năng lực này một cách chắc chắn.

    Giáo viên được sử dụng tối đa các phương tiện dạy học. Các trang sách được trình bày cân đối, hài hòa giữa kênh chữ và kênh hình, giữa tuyến cung cấp thông tin và tuyến tổ chức hoạt động của học sinh. Các hình ảnh tươi sáng, ngộ nghĩnh và phù hợp với tâm lí lứa tuổi HS lớp 1.

    [​IMG]

    Ảnh minh họa/ INT

    Để giảng dạy thành công

    Giúp GV giảng dạy thành công môn Tiếng Việt 1 từ những ngày đầu HS đến trường, GS.TS Lê Phương Nga lưu ý một số vấn đề.

    Theo bà, trước hết cần tương tác thân thiện, xây dựng văn hoá giữa thầy – trò, trò – trò. Điều đặc biệt phải được nhấn mạnh là giáo dục phẩm chất và những năng lực chung cho HS qua môn Tiếng Việt không chỉ ở nội dung dạy học mà còn thông qua phương pháp dạy học.

    [​IMG]


    Tư tưởng cơ bản là: Thay vì là người ban phát kiến thức, chân lí, thầy giáo sẽ là người đồng hành cùng HS đi tìm kiến thức, chân lí; thay vì là người đứng ngoài cuộc giao tiếp để phán xét, thầy giáo cũng giữ một vai trong chính cuộc giao tiếp lớn – dạy học tiếng Việt. Bởi vậy, thay vì thuyết giảng về những quy tắc ứng xử, giao tiếp văn hoá, thầy giáo phải xây dựng được hình ảnh của bản thân là một nhân vật giao tiếp mẫu mực, thân thiện, hợp tác.

    Cùng đó, GV cần điều hành quá trình dạy học như là người trực tiếp tham gia những tình huống giao tiếp giả định.


    Trong dạy học Tiếng Việt 1 theo hướng đổi mới, GV sẽ tạo điều kiện, hướng dẫn, gợi ý, hỗ trợ. GV sẽ là người tham gia, tổ chức, phân tích và tư vấn... GV cần hướng dẫn “kín đáo”, để HS không nhận thấy sự can thiệp của thầy như một người ngoài, mà như một người tham gia vào cuộc giao tiếp…

    Mặt khác, GV chỉ điều hành quá trình dạy học khi đã kết nối được với HS. GV cần có những cách thức khác nhau để thu hút HS, cần có một hiệu lệnh báo rằng, đã đến lúc phải tập trung làm việc. Lúc HS làm ồn, GV không cố để nói to hơn, át tiếng HS mà phải làm điều ngược lại: Đứng lặng và ra hiệu “suỵt”.

    Hãy dùng tất cả ngôn ngữ cơ thể để HS nhận thấy: “Tôi đang hướng về các em” và nhớ rằng chỉ giao nhiệm vụ, nêu yêu cầu của hoạt động khi mắt đã kết nối với HS. Lúc giao nhiệm vụ, luôn nhìn vào mắt HS với ánh mắt thân thiện, khích lệ.

    Nguyên tắc này không cho phép thầy giáo vừa quay lưng vào HS vừa giao nhiệm vụ, không cho phép thầy giáo lên lớp chỉ cốt nói điều thầy định nói mà không chú ý gì đến phản ứng của HS. Điều này cũng không cho phép thầy giáo vội vàng giao nhiệm vụ khi HS chưa chuẩn bị được tâm thế đi vào cuộc giao tiếp.

    Điều này cũng đòi hỏi thầy giáo không chỉ dùng lời mà dùng tất cả các phương tiện ngôn ngữ phi lời: Một cái nháy mắt, một ngón cái giơ lên tán thưởng, vài ba cái vỗ tay nhắc nhở phải tập trung, một bàn tay đặt nhẹ lên vai động viên... Những việc làm này cũng được chuyển giao để HS giao tiếp với nhau trong hoạt động nhóm.

    Đặc biệt, GV cần dạy học lạc quan – chú trọng vào thành công của HS. Để giúp HS vượt qua “cửa ải” lớp 1, tạo được động cơ và hứng thú học tập cho các em, ngay từ những ngày đầu các em đến trường, thầy giáo phải biết tổ chức quá trình dạy học theo một chiến lược lạc quan: Chú trọng vào mặt thành công của HS.

    Khi HS lần đầu đến trường, điều quan trọng chưa phải là dạy cho các em kiến thức gì mà phải làm cho các em yêu thích việc học. GV cần phải tạo động cơ, hứng thú học tập Tiếng Việt bằng cách cho HS thấy lợi ích của việc học tập, của việc học chữ…

    GV cũng cần tổ chức cuộc sống ở trường thật hấp dẫn, tạo nhiều niềm vui. Mỗi HS mong muốn và phải là người hạnh phúc ngay hôm nay, còn chúng ta sẽ là người kém cỏi nếu mỗi giây phút tiếp xúc với chúng ta, các em không được vui sướng, hạnh phúc. Bởi vậy, thầy giáo phải thường xuyên tìm hiểu HS muốn việc học diễn ra như thế nào, cái gì làm các em thích, cái gì làm các em không thích.

    Thầy cô lớp 1 cần tập cho mình có một cách nhìn: HS nào cũng ngoan, giỏi, cố gắng. Chỉ có em này ngoan, giỏi, cố gắng nhiều hơn; em kia ngoan, giỏi, cố gắng ít hơn mà thôi. Thầy cô lớp 1 phải có một phẩm chất đặc biệt, biết cách cư xử đặc biệt với HS. Đó là thái độ nâng đỡ, khích lệ, thông cảm, chú trọng vào mặt thành công của các em. Đó là khả năng biết tự kiềm chế, đồng cảm với học sinh, làm việc kiên trì, tỉ mỉ. Đó là khả năng biết tổ chức quá trình dạy học một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, không gây căng thẳng với HS…

    Thay vì chỉ ra thật nhiều lỗi ở HS, GV cần chú trọng vào những kết quả thành công đã đạt được, đề cao sáng tạo của HS. GV cần biết tỏ ra ngạc nhiên, vui sướng, phải tôn trọng những sáng tạo của HS dù rất nhỏ. Đừng tỏ ra thầy luôn luôn đúng, chỉ có thầy là người nắm chân lí. Thầy giáo cũng cần làm cho HS hiểu rằng, thầy có thể sai lầm và cần được HS giúp đỡ. Lúc này, lỗi của thầy sẽ kéo theo sự chuyển động tư duy của HS. Các em sẽ sung sướng vì được làm người đầu tiên tìm ra chân lí…

    Đức Trí (lược ghi)

    Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .
     

trang này