- Thưa đại biểu, báo chí có thông tin rằng, bị can trong vụ gian lận thi cử trong Kỳ thi THPT quốc gia ở Sơn La khai mỗi trường hợp nâng điểm có “giá” 1 tỷ đồng, ông đánh giá thế nào về việc này? - Mục tiêu của bất cứ kỳ thi nào, nhất là đối với Kỳ thi THPT quốc gia đều phải bảo đảm công bằng, chính xác và khách quan. Còn việc có thể dùng yếu tố tác động như: Quan hệ, tiền bạc để làm sai lệch, thay đổi kết quả là việc không được phép diễn ra và không thể chấp nhận được. Chúng ta cần bảo đảm được niềm tin của dư luận xã hội, của người dân đối với sự công bằng, chính xác, khách quan của Kỳ thi này. - Vậy đại biểu đánh giá như thế nào về vai trò của chính quyền địa phương trong việc tổ chức thi, coi thi trong Kỳ thi THPT quốc gia? - Ở đây, đúng là cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý Nhà nước là Bộ GD&ĐT và chính quyền địa phương. Bởi việc tổ chức thực hiện Kỳ thi là do ngành GD địa phương, dưới sự chỉ đạo của chính quyền địa phương. Do đó cần có sự tăng cường trong công tác thanh, kiểm tra ở các khâu của quá trình thi. Về mặt kỹ thuật, làm sao để các khâu và các công đoạn của quá trình tổ chức thi càng độc lập, khách quan càng tốt và không để một người tác động quá nhiều vào các khâu của Kỳ thi. Càng tăng cường công tác thanh kiểm tra thì càng giúp cho kỳ thi diễn ra khách quan. - Kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến gần, vậy theo đại biểu, việc cần làm là gì để tiêu cực không xảy ra như trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương? - Kỳ thi năm 2018 có những sự cố mà báo chí và dư luận xã hội đã phản ánh rất nhiều. Những bất cập đó đã được Bộ GD&ĐT và các địa phương nhận diện, tìm hướng giải quyết. Mặc dù Bộ GD&ĐT đã chủ động đưa ra các giải pháp về kỹ thuật nhưng tôi cho rằng, yếu tố con người vẫn là quan trọng nhất. Cùng với đó là sự chỉ đạo quyết liệt từ cơ quan quản lý Nhà nước, sự phối hợp chặt chẽ của các địa phương, đặc biệt tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp của những người trực tiếp làm công tác thi cần phải được nâng cao và quán triệt sâu sắc. Tôi cho rằng, sự cố và hậu quả của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 là bài học hết sức đắt giá cho chính người làm công tác thi, cũng như các địa phương. Tôi mong rằng, Kỳ thi tới sẽ diễn ra công bằng, chính xác, khách quan, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân cả nước. - Đại biểu vừa nói đến yếu tố con người, vậy cần có những hoạch định như thế nào về yếu tố này? - Về yếu tố con người kể cả bình diện xã hội nói chung và ngành GD nói riêng đều có những yêu cầu riêng. Yêu cầu chung trong toàn hệ thống là, tất cả cán bộ công chức, viên chức phải thực thi tốt đạo đức công vụ, phải làm đúng chức trách, nhiệm vụ của mình, trong đó có đề cao yếu tố đạo đức, phẩm chất… Trở lại Kỳ thi THPT quốc gia, ở đây là yếu tố cá nhân và có liên quan đến môi trường xã hội. Xã hội đa dạng, có mặt tốt và xấu. Vấn đề của cơ quan quản lý Nhà nước là, đề xuất cơ chế tuyển dụng để có thể tuyển được người phù hợp nhất với công việc, cả về yếu tố chuyên môn lẫn đạo đức nghề nghiệp. Đồng thời, cần có chức năng giám sát, kiểm tra để kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm từ lúc còn là biểu hiện, từ đó có hình thức xử lý thỏa đáng. Khi những vụ việc đã xảy ra ngoài ý muốn thì cần điều tra và có biện pháp xử lý nghiêm khắc theo quy định của pháp luật. Theo tôi, GD là một bộ phận của xã hội, ngành GD có yếu tố đặc thù, đòi hỏi mỗi người trong ngành phải đề cao đạo đức nghề nghiệp. Trách nhiệm của họ là đào tạo ra những thế hệ công dân, lực lượng lao động của đất nước. Do đó xã hội có những yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ thầy, cô giáo là điều dễ hiểu. - Xin cảm ơn đại biểu! Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .