BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, nhấn mạnh thông tin trên tại “Hội nghị tổng kết công tác tiêm chủng năm 2019” được tổ chức vào ngày 24-12. “Bên cạnh đó, cần hạn chế thấp nhất những trường hợp trẻ tiêm sót. Để làm được vậy, tôi đề nghị trung tâm y tế quận, huyện phối hợp cơ quan chức năng rà soát chặt những trẻ sinh sống trên địa bàn để đưa vào danh sách tiêm chủng” - BS Hưng nói. Một trẻ đang được tiêm chủng bắt buộc. Ảnh: TRẦN NGỌC Theo BS Hưng, vai trò của phụ huynh rất quan trọng trong việc tiêm chủng cho con. Do vậy phụ huynh phải có trách nhiệm với con em mình. “Nhiều nước áp dụng hình thức phạt tiền khi phụ huynh không thực hiện tiêm chủng bắt buộc cho con. Việt Nam hiện chưa có quy định chế tài nhưng tôi nghĩ dần dần tính toán, đề xuất chế tài đối với phụ huynh không thực hiện tiêm chủng bắt buộc cho con. Chúng ta hiện vẫn thực hiện chính sách vận động và thuyết phục là chính. Khi vận động và thuyết phục thì một số bộ phận chấp hành tốt, trong khi vẫn còn bộ phận chưa thực hiện vì chưa thấy lợi ích việc tiêm chủng cho con” - BS Hưng nói thêm. ThS-BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, cho biết khảo sát từ đầu năm 2019 đến nay ghi nhận tám quận, huyện và gần 90 phường, xã, thị trấn TP.HCM có tỉ lệ tiêm chủng còn thấp. “Hiện có khoảng 113.000 trẻ sinh sống trên địa bàn TP.HCM nằm trong độ tuổi tiêm chủng mở rộng. Tuy nhiên, chỉ hơn 87% trẻ được tiêm chủng trong 11 tháng đầu năm 2019. Tỉ lệ tiêm chủng còn thấp một phần do các bậc phụ huynh quên hoặc không cho con tiêm chủng” - BS Nga nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .