Đó là báo cáo của BS CK2 Trần Đình Thanh, Trưởng khoa Ung bướu BV Hoàn Mỹ Sài Gòn, tại hội thảo “Cập nhật các phương pháp điều trị ung thư phổi (UTP)” diễn ra tại TP.HCM vào ngày 31-8 với sự tham gia, chia sẻ kinh nghiệm của các chuyên gia trong nước và quốc tế. Theo BS Thanh, tại TP.HCM, từ 2010-2014, ghi nhận của BV Ung bướu trong hơn 39.000 bệnh nhân ung thư có trên 5.200 bệnh nhân UTP, trong đó 82,6% bệnh nhân từ 50 tuổi trở lên. Ghi nhận tại BV Phạm Ngọc Thạch trong hai năm (2005-2007), có 1.005 bệnh nhân UTP được hóa trị, trong đó chỉ có 18 trường hợp phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe cả thảy đều ở giai đoạn sớm (1,8%). UTP chia làm hai dạng chính là ung thư phổi tế bào nhỏ (15%) và ung thư phổi không tế bào nhỏ (UTPKTBN) (85%). BS Trần Đình Thanh báo cáo tại buổi hội thảo. Ảnh: HL Các bệnh nhân UTPKTBN ở giai đoạn sớm có tỉ lệ khỏi bệnh cao, 92% sống năm năm nếu khối u kích thước dưới 1 cm. Khi bệnh đã di căn xa đến các cơ khác như gan, tuyến thượng thận, xương, não hay phổi đối bên thì chỉ có khoảng 1% sống còn năm năm sau điều trị, do vậy làm sao cần phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm thì điều trị sẽ triệt để và hiệu quả hơn. Ngày nay người ta đã chứng minh bệnh UTP có liên quan mật thiết với thói quen hút thuốc lá. Điếu thuốc lá là một nhà máy hóa học tổng hợp, trong khói thuốc có hơn 40 chất là tác nhân sinh ung. Ngoài ra một số bệnh mạn tính ở phổi cũng có liên quan tới ung thư phổi như bệnh lao phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, bệnh xơ hóa phổi vô căn… Các nghề nghiệp liên quan mỏ quặng, hít phải khí radon (sinh ra từ sự phân rã phóng xạ của Urani), bụi amiang hay tiền căn xa trị vào phổi cũng có nguy cơ gây UTP. Người ta thấy có yếu tố di truyền trong UTP, ở những gia đình có nhiều người mắc ung thư phổi thì cũng có nguy cơ bị UTP. Trong các yếu tố nguy cơ trên, hút thuốc và hút thuốc thụ động là quan trọng nhất. Theo BS Thanh, bệnh nhân UTP ở giai đoạn sớm thường không có triệu chứng gì. Để phát hiện sớm cần phải tầm soát những người có nguy cơ UTP chưa có triệu chứng gì. Các nhóm có nguy cơ bị UTP đã được xác định, các phương tiện tầm soát UTP cũng đã có sẵn, do vậy việc phát hiện sớm là khả thi. Hiện nay, tầm soát UTP đã được thực hiện ở các nước tiên tiến. Đã có nhiều khuyến cáo tầm soát ở người có nguy cơ đồng thời cũng có rất nhiều công trình nghiên cứu đã tiến hành xác định những lợi ích và những bất lợi của việc tầm soát. Trong đó, ba loại xét nghiệm được đề cập nhiều nhất cho việc tầm soát là: chụp X-quang phổi; xét nghiệm tìm tế bào ung thư từ chất đàm; chụp cắt lớp điện toán ngực (CT scan). Tuy nhiên, việc tầm soát cũng chỉ nhắm vào các đối tượng có nguy cơ, theo hướng dẫn của Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ và Hiệp hội UTP châu Âu, khuyến cáo nên chụp cắt lớp điện toán ngực (CT scan) hàng năm cho các đối tượng như: tuổi từ 55-74 tuổi, hút thuốc trên 30 gói/năm, hoặc đang hút thuốc hay đã ngưng hút thuốc trong vòng 15 năm trở lại. Người nguy cơ cao nên chụp CT ngực liều thấp mỗi năm, người nguy cơ trung bình chụp CT ngực liều thấp hai năm liên tiếp và mỗi 3-5 năm. Bên cạnh những lợi ích thì tầm soát UTP cũng có những bất lợi như các nghiên cứu cho thấy những tổn thương bất thường khi phát hiện được cần phải có những bước để đánh giá tiếp theo như: soi phế quản, chọc hút vào khối bướu, hay đôi khi phải phẫu thuật để có được chẩn đoán chính xác. Điều đó có thể gây ra tai biến không mong muốn trong khi phần lớn các bướu đó lại là lành tính. Chụp X-quang nhiều làm tăng nguy cơ phơi nhiễm chất phóng xạ dẫn đến ung thư, đặc biệt là UTP, mặt khác, khi kéo dài thời gian theo dõi các tổn thương ở phổi sẽ gây nên tâm trạng lo lắng cho người bệnh. Phòng ngừa ung thư phổi - Bỏ thuốc lá: Độ tuổi bắt đầu hút thuốc, thời gian hút thuốc, số lượng điếu thuốc hút mỗi ngày, chủng loại thuốc lá... đều có mối liên quan chặt chẽ đến UTP. Tỉ lệ mắc UTP của người hút thuốc lá so với những người không hút cao hơn gấp 10 lần, do đó việc cần nhấn mạnh đầu tiên để phòng tránh UTP là bỏ thuốc lá, không hút thuốc chủ động và cũng tránh xa những làn khói thuốc xung quanh. - Tập thể dục: Tập luyện thường xuyên có thể hữu ích trong phòng ngừa ung thư nói chung. Kể cả các hoạt động đơn giản như làm vườn, đi bộ… có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc UTP. - Chế độ ăn giàu rau xanh và hoa quả: Phòng tránh UTP nên bổ sung nhiều rau xanh, hoa quả tươi, các loại rau đa dạng nhiều màu sắc khác nhau như súp lơ, rau chân vịt, hành, táo, cà chua, cam... Những thực phẩm này không chỉ có thể phòng bệnh hiệu quả mà còn rất tốt cho những bệnh mạn tính như cao huyết áp, tiểu đường, bệnh tim mạch vành… - Tránh tiếp xúc với phóng xạ và kim loại nặng: Đối với những công nhân làm việc trong môi trường rò rỉ hóa chất phải áp dụng những biện pháp bảo hộ hiệu quả, tránh hoặc giảm tối thiểu việc tiếp xúc với những yếu tố độc hại gây ung thư. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .