Phát biểu kết luận hội thảo - tập huấn triển khai thực hiện Quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX), cơ chế phối hợp các bên liên quan trong BDTX thuộc chương trình ETEP và triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông 2020, 5 nội dung quan trọng được Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh để cùng thống nhất triển khai thực hiện, cụ thể: Thứ nhất: nghiên cứu kỹ Quy chế BDTX giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên, đặc biệt là nội dung và phương thức BDTX. Ưu tiên cho bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm học, đó là triển khai chương trình GDPT mới. Thứ 2: Lựa chọn phương thức để bồi dưỡng tập huấn chương trình GDPT mới. Quy chế về BDTX giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên nêu rõ có 3 loại hình tổ chức BDTX, gồm tập trung, từ xa và bán tập trung. Văn bản số 1201/BGDĐT-GDTrH ban hành ngày 8/4/2020 về bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở GDPT triển khai Chương trình GDPT 2018 cũng nêu rõ: Việc bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý được thực hiện theo hình thức tự bồi dưỡng qua mạng kết hợp với tổ chức sinh hoạt tổ/nhóm chuyên môn trong trường hoặc cụm trường. Các đại biểu phát biểu tại hội thảo-tập huấn. Thứ 3: Xây dựng mô hình BDTX, chính là mô hình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương trình GDPT 2018 thông qua sinh hoạt chuyên môn. Tổng hợp từ văn bản số 1201/BGDĐT-GDTrH và thực tiễn triển khai, Thứ trưởng đưa ra 7 bước thực hiện tập huấn qua mạng, đó là: lập danh sách đối tượng tham gia bồi dưỡng; cấp mã tài khoản; phân công giáo viên cốt cán; phân công giảng viên sư phạm chủ chốt tham gia hỗ trợ giáo viên; tổ chức cho giáo viên tự nghiên cứu qua mạng trong 5 ngày với sự hỗ trợ của giáo viên cốt cán, giảng viên sư phạm chủ chốt; tổ chức sinh hoạt chuyên môn (nên theo hình thức tập trung); giáo viên tự nghiên cứu và thực hiện bài kiểm tra; cấp chứng chỉ cho giáo viên nếu hoàn thành việc bồi dưỡng. Thứ 4: Thống nhất các điều kiện để triển khai bồi dưỡng đại trà. Hiện nay, đã có đầy đủ các văn bản pháp lý để địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai. Cuối cùng, Thứ trưởng nhấn mạnh: 100% giáo viên dạy lớp 1 năm học 2020-2021 phải được bồi dưỡng hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 trước 30/7. Hết 31/12, toàn bộ giáo viên cấp tiểu học phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT 2018 và bồi dưỡng phương pháp dạy học-giáo dục. Đối với cấp THCS, THPT, hết năm 2020, tất cả giáo viên phải được bồi dưỡng về hướng dẫn thực hiện chương trình GDPT mới. “Chỉ khi cán bộ quản lý, giáo viên hiểu kỹ, nắm chắc chương trình tổng thể, chương trình các môn học và hoạt động giáo dục; thì triển khai dạy học mới có thể thành công” - Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh. Tại hội thảo – tập huấn, 3 nội dung lớn được trao đổi, thống nhất, đó là: Triển khai thực hiện Quy chế BDTX giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên; mô hình tổ chức tập huấn chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) thông qua sinh hoạt chuyên môn, kết hợp giữa bồi dưỡng trực tuyến và trực tiếp; cơ chế phối hợp các bên liên quan trong BDTX thuộc chương trình ETEP và triển khai kế hoạch bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông 2020. Những ý kiến còn băn khoăn của các sở GD&ĐT, các cơ sở giáo dục ĐH thuộc Chương trình ETEP đều được Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, đại diện lãnh đạo các cục vụ liên quan thuộc Bộ GD&ĐT giải đáp. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .