21h tối, 58 kỹ sư, công nhân chia làm các tốp chuẩn bị sẵn sàng cho việc đổ bêtông sàn ray đêm 16-9 - Ảnh: VĂN BÌNH Mỗi đêm, gần 60 kỹ sư, công nhân túc trực bên trong ga Nhà hát TP để tiến hành đổ bêtông đường ray. Họ tất bật hoàn thành toàn bộ công tác đổ bêtông đường ray vào tháng 11-2020, chuẩn bị chờ đón đoàn tàu metro vận hành giữa lòng TP. 21h tối 16-9, chúng tôi có mặt ở ga ngầm Nhà hát TP ngay thời điểm chuẩn bị đổ bêtông mặt đường ray. Tại công trường lúc này có khoảng 58 kỹ sư, công nhân chia làm các tốp hỗ trợ lẫn nhau. Trong đó có một tốp đang hò nhau kéo ống, thông bêtông, một tốp khác thì sẵn sàng để san bêtông ra các rãnh đường ray… Đồng hồ điểm 21h30, một công nhân ra hiệu ống bêtông đã thông, lập tức các nhóm công nhân vào vị trí. Ai nấy đều tập trung cao độ để việc đổ bêtông được đảm bảo nhanh chóng, chính xác. Đường ống bêtông bắt đầu hoạt động, công nhân trên công trường ai về vị trí nấy để bắt đầu đổ mẻ bêtông đầu tiên - Ảnh: VĂN BÌNH Ống bêtông dài mấy chục mét, nặng trĩu phải cả 7-8 công nhân điều khiển mới được. Bêtông tràn ra tới đâu, một số công nhân theo sát dùng dụng cụ chuyên dụng sục khí trong bêtông và các rãnh khung ra giúp bêtông đặc, không bị rỗ kết cấu bên trong. Phía bên trên sàn nhà ga, tư vấn giám sát, nhà thầu phụ, nhà thầu chính có mặt giám sát kỹ lưỡng. Ống bêtông lớn phải 7-8 công nhân mới điều khiển việc đổ bêtông sàn đường ray chính xác khối lượng - Ảnh: VĂN BÌNH Sau khi bêtông được đổ tràn ra sàn đường ray, sẽ có một tốp công nhân khác cân bằng bêtông, làm phẳng mặt sàn - Ảnh: VĂN BÌNH Có mặt tại công trường lúc này, anh Lê Thành Danh - kỹ sư hiện trường của nhà thầu chính Hitachi - cho biết do đặc trưng việc đổ bêtông trong hầm có nhiều hạn chế, chậm hơn đổ ở các phần hở, cho nên các đơn vị chỉ đổ bêtông trong hầm từ 21h đêm cho đến 5h sáng hôm sau. Bữa ăn nhẹ bổ sung dinh dưỡng cho kỹ sư, công nhân phải làm việc trong hầm kín được nhà thầu chuẩn bị và trao tận tay công nhân - Ảnh: THU DUNG Bên cạnh đó, bêtông đổ cũng phải đảm bảo một số yêu cầu về kỹ thuật như phải dày, bệ bêtông luôn đảm bảo lớn hơn 150mm. Mọi thứ phải đảm bảo chính xác tuyệt đối để không ảnh hưởng đến vận hành tàu sau này. Cũng theo anh Danh, cứ mỗi đêm thì sẽ đổ được khoảng 110m-120m bêtông đường ray, hiện nay các đơn vị đã hoàn thiện đoạn ray dài 400m/3km. Việc đổ bêtông ray trong hầm sẽ kết thúc vào tháng 11-2020. Cho đến ngày 16-9, các đơn vị đang rất nỗ lực làm việc cả ngày lẫn đêm để triển khai đổ bêtông đường ray, hoàn thiện đường ray, chuẩn bị các khâu khác để hoàn thành nhà ga này đúng tiến độ. Đồng thời đảm bảo quá trình thi công chuẩn xác, an toàn, chất lượng các hạng mục luôn luôn đạt chỉ tiêu thiết kế đưa ra. Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, tiến độ thực hiện tuyến metro số 1 đến nay đã đạt khối lượng tổng thể là 76%. Trong đó gói thầu CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát Thành phố) đạt 75,3%, gói thầu CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát Thành phố đến ga Ba Son) đạt 87,1%. Gói thầu CP2 (đoạn trên cao và depot) đạt 85,6%... Kế hoạch lắp ray từ ga Nhà hát TP đến ga Ba Son lắp đặt khung đường ray từ 6-7 đến 14-8 và đổ bêtông nền đường ray từ 10-8 đến 21-9. Ga Nhà hát TP được thiết kế ngầm dài 190m, rộng 26m, độ sâu khoảng 33m, gồm bốn tầng và hiện nay đã hoàn thiện tầng B1 gồm các trang thiết bị phục vụ hành khách như: sảnh đợi, máy bán vé, cổng thu phí tự động, phòng hướng dẫn thông tin cho hành khách. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .