Rào cản ngôn ngữ “O tròn như quả trứng gà, ô thì đội mũ, ơ thời thêm râu”, việc học thuộc mặt 29 chữ cái, 10 chữ số được coi là rất nhẹ nhàng, đơn giản đối với trẻ em vùng đồng bằng, thành thị. Ngay từ trước khi bước vào lớp 1, nhiều em đã đọc thông, viết thạo tiếng Việt, biết làm tính cộng trừ chính xác. Thế nhưng, với nhiều trẻ em dân tộc thiểu số, chỉ riêng học “cái chữ” theo nghĩa đen thôi đã không phải việc dễ dàng, khi các em được sinh ra và lớn lên trong môi trường tiếng mẹ đẻ là chủ yếu, dẫn đến hạn chế về khả năng giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Trong khi đó, để nắm bắt được kiến thức do giáo viên truyền thụ, nhất là ở bậc tiểu học, các em bắt buộc phải biết nói và sử dụng tiếng Việt thành thạo bởi học sinh sẽ phải tiếp nhận một chương trình học mang tính quốc gia. Khi vào học lớp 1, do không nói được tiếng phổ thông, nhiều học sinh trở nên e dè, nhút nhát, thiếu tự tin. Trong khi đó, đa số giáo viên công tác ở các trường miền núi, nhất là giáo viên trẻ mới ra trường thường không biết hoặc biết rất ít tiếng dân tộc. Huyện miền núi Tây Giang của tỉnh Quảng Nam là một trong những địa bàn phải đối mặt với tình trạng này, khi có tới 95% dân cư là đồng bào thiểu số Cơ Tu... Bạn đồng hành tin cậy của trẻ em Tây Giang Đường đến huyện Tây Giang (Quảng Nam) Năm 2015 - 2017, cùng với huyện Văn Chấn (Yên Bái), Tây Giang bắt đầu được hưởng lợi từ dự án thí điểm bộ công cụ hỗ trợ trẻ mầm non làm quen với đọc viết, toán và tiếng Việt (ELM) do Tổ chức cứu trợ trẻ em (Save the children – SC) phối hợp với Phòng Giáo dục Huyện Tây Giang thực hiện. Việc triển khai bộ công cụ đã giúp giáo viên mầm non ở Tây Giang biết lồng ghép hoạt động phát triển kỹ năng làm quen với toán và đọc, viết cho trẻ và văn hóa đồng bào Cơ Tu vào việc tạo ra đồ dùng dạy học cho trẻ. Sau đó, SC tiếp tục triển khai dự án “Nâng cao khả năng sẵn sàng đi học và kết quả học tập cho trẻ em dân tộc thiểu số tại Việt Nam” (trị giá 42 tỉ đồng) do Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ trong thời gian 2018-2020. Dự án bao gồm nhiều hoạt động thiết thực nhằm chuẩn bị hành trang tốt nhất cho trẻ em Tây Giang vào lớp 1, không chỉ thông qua những tiết học, trò chơi trên lớp mẫu giáo, mà còn tạo không gian học tập tại nhà, lồng ghép vào những sinh hoạt đời sống thường nhật. Để thực hiện được điều này, SC đã tổ chức những chương trình tập huấn, bổ trợ kỹ năng bổ ích cho phụ huynh. Một trong số đó là Câu lạc bộ (CLB) Làm cha mẹ, với sự hướng dẫn của cán bộ SC và các thầy cô giáo giàu kinh nghiệm. Tham gia CLB, phụ huynh được học hỏi kỹ năng trò chuyện, lắng nghe con, đọc sách truyện cùng con, cho con thể hiện ý kiến cũng như tương tác với con thông qua các hoạt động hàng ngày… Cha tập làm thầy Giáo viên và phụ huynh dạy học cho trẻ Ở thôn Aung Agiốc, xã Bhalee cũng có một CLB như vậy với 25 thành viên là các phụ huynh người Cơ Tu. Anh Avô Mưng, cha của một bé gái đang học lớp 2 và một bé trai lứa tuổi mầm non là thành viên tích cực của nhóm từ năm 2018. Trong các buổi sinh hoạt, anh thường xuyên xung phong tham gia thực hành, làm mẫu và chia sẻ những điều học được với phụ huynh khác. Từ buổi đầu bỡ ngỡ, anh đã dần trở thành thầy giáo tại nhà cho các con mình, đơn giản như việc khuyến khích con mượn truyện đem về để bố đọc cho nghe, đọc truyện cùng con mỗi tối, đặt câu hỏi để con tương tác về câu chuyện đã đọc cảm thấy thế nào, con thích điều gì nhất, và không thích điều gì trong nội dung câu chuyện Việc tăng cường tiếng Việt và kỹ năng toán cho con cũng được anh Avô Mưng lồng ghép hiệu quả trong các hoạt động thường ngày. “Như khi nấu ăn thì tôi cho con đong, đếm, so sánh, mô tả, gọi tên các loại nguyên liệu dùng để nấu ăn và nhận biết các đồ dùng trong nhà bếp. Lúc đi dạo cùng con thì tôi nói chuyện với con về cây cối, con vật, màu sắc,…mà tôi và con nhìn thấy” anh kể. Anh cũng sáng tạo nhiều câu chuyện gần gũi với thực tế kể cho con nghe, đố các con về các con vật, câu chuyện, cây cối gắn với các âm, vần, chữ cái. Anh vui mừng chia sẻ, nhờ tích cực học cùng con, năm học vừa qua, con anh đã được tặng giấy khen đạt thành tích trong học tập môn tiếng Việt. Không chỉ tích cực trong việc giáo dục con mình, anh Avô Mưng còn là một tấm gương trong việc lan tỏa mô hình rèn kĩ năng tiếng Việt cho con ở cộng đồng. Anh là hạt nhân tích cực của CLB trại đọc, giúp các em học sinh dân tộc mình yêu thích đọc sách, học chữ, số, thêm tự tin, bạo dạn. Anh cũng chia sẻ kinh nghiệm của mình với các bậc cha mẹ khác trong thôn, thuyết phục họ áp dụng mô hình dạy con tại nhà, đến các gia đình giúp xây dựng góc đọc, góc học tập thân thiện... Giữa tháng 6, anh Avô Mưng có dịp ra thủ đô Hà Nội tham gia Ngày hội đọc sách do SC tổ chức. Ở một nơi cách xa thôn bản mình cả nghìn cây số, giữa những cô bé, cậu bé thuộc nhiều dân tộc khác nhau, anh đã tự tin trong vai trò người thầy, người cha của các em, kể những câu chuyện tương tác sống động, tươi vui. Những câu chuyện hấp dẫn anh kể là món quà cho trẻ, trong khi những ánh mắt trẻ thơ hân hoan, nụ cười trong trẻo, những cánh tay giơ lên sôi nổi để trả lời câu hỏi lại chính là “món quà” dành cho anh, cho những người thực hiện dự án. Và hơn hết, chứng minh triển vọng tích cực dự án sẽ đem lại. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .