'Tháo dỡ' hay 'phá dỡ' công trình vi phạm? Chiều 26-2, tại buổi làm việc của Đoàn ĐBQH TP.HCM với UBND quận 12 về tình hình thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính trên địa bàn giai đoạn 2013-2019, ông Võ Tấn Khoa, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, nêu khó khăn khi tháo dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng. Ông Võ Tấn Khoa, Chủ tịch UBND phường An Phú Đông, quận 12, nêu khó khăn khi tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh: LÊ THOA Theo ông Khoa, trong quyết định cưỡng chế công trình vi phạm trật tự xây dựng thì ghi là tháo dỡ công trình. Tuy nhiên, phải dùng phương tiện cơ giới để tháo dỡ khiến người dân có phản ứng. “Công trình của tôi thành một đống xà bần, anh tháo kiểu gì mà nhà tôi thành ra như này?” - ông Khoa kể lại lời phản ứng gay gắt của người dân và cho biết việc giải thích cho họ cũng rất khó khăn, trong khi nếu tháo từng phần thì không biết đến khi nào xong. Phân tích thêm về vấn đề này, ông Khoa cho rằng Luật Xử lý vi phạm hành chính không trùng khớp với Luật Xây dựng. Bởi Điều 118 Luật Xây dựng cho phép phá dỡ công trình, còn Luật Xử lý vi phạm hành chính lại là tháo dỡ. Vậy phải chăng nên nghiên cứu sửa luật? Ông Võ Tấn Khoa cũng nêu bức xúc về việc cưỡng chế các doanh nghiệp vi phạm về môi trường. Ông nêu: Có trường hợp công ty về mút xốp vi phạm, bị phạt 350 triệu đồng và đình chỉ 9 tháng. Tuy nhiên, doanh nghiệp không thực hiện, vẫn hoạt động như chưa có chuyện gì xảy ra. Phường không tìm được quy định nào để cưỡng chế doanh nghiệp thực hiện quyết định xử phạt. “Nhẽ ra khi đình chỉ, ngoài niêm phong toàn bộ máy móc thì ngừng cung cấp dịch vụ điện nước là cách hiệu quả nhất” - ông nêu ý kiến. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cũng kể một trường hợp doanh nghiệp vi phạm môi trường ở khu phố 4 và 5, phường Đông Hưng Thuận được phản ánh nhiều năm, đưa ra cả HĐND TP nhưng vẫn không cưỡng chế việc thực hiện quyết định xử phạt được. “Thậm chí, chúng tôi phải cho lực lượng chốt trực 24/7 để doanh nghiệp không đưa vật liệu vào. Đến cả việc niêm phong mà họ cũng gỡ ra để hoạt động tiếp. Trong khi chúng ta không có cách nào xử phạt” - ông Hiếu nói. Ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, nêu khó khăn khi cưỡng chế doanh nghiệp vi phạm. Ảnh: LÊ THOA Ông Đoàn Văn Lý, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận 12, thì nói hình thức cưỡng chế các doanh nghiệp vi phạm bằng cách khấu trừ vào tài khoản ngân hàng rất khó thực hiện. Bởi ngân hàng vì mục đích kinh doanh, bảo vệ khách hàng nên không phối hợp với cơ quan chức năng; một số ngân hàng cho kiểm tra thì số dư trong tài khoản là bằng 0. “Vừa rồi chúng tôi tham mưu UBND quận gửi văn bản cho ngân hàng về vấn đề này thì ngân hàng trả lời rằng UBND quận không phải là cấp, mà ngân hàng phải cung cấp tài khoản của cá nhân đó nên thành ra bí luôn” - ông Lý than. Người nghiện ma túy dưới 18 tuổi bị bỏ rơi? Thượng tá Nguyễn Quốc Hải, Phó Trưởng Công an quận 12, cho biết đối tượng nghiện ma túy dưới 18 tuổi hiện không biết đưa vào đâu vì trung tâm bảo trợ xã hội không tiếp nhận, cơ sở cai nghiện ở Nhị Xuân, Hóc Môn cũng không nhận người dưới 18 tuổi. “Vậy những trường hợp này bị bỏ rơi ngoài xã hội? Như vậy sẽ kinh khủng hơn, vì ai đảm bảo họ sẽ không vi phạm pháp luật?” - Thượng tá Hải đặt câu hỏi. Theo ông, cần phải có nơi tập trung riêng đối với các trường hợp này, chứ không để “bơ vơ” như thế này được. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .