Việc chuẩn bị, tổ chức, thực hiện đều hướng đến kỳ thi tốt nhất (Trong ảnh: Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ động viên thí sinh trong Kỳ thi THPT quốc gia 2018) Điều chỉnh 4 nhóm vấn đề Ông Mai Văn Trinh cho biết: Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trên cơ sở rút kinh nghiệm thời gian qua, năm 2019, Bộ GD&ĐT tiếp tục tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH (GDĐH), giáo dục nghề nghiệp (GDNN) tuyển sinh theo tinh thần của Nghị quyết 29. Kỳ thi này về cơ bản được giữ ổn định về phương thức thi như năm học 2017 - 2018. Các mặt tích cực được giữ lại, đồng thời có một số điều chỉnh để kỳ thi tốt hơn. Những điều chỉnh này nằm ở 4 nhóm vấn đề: Thứ nhất là về đề thi. Như đã công bố, đề thi năm 2019 có nội dung nằm trong chương trình cấp THPT chủ yếu lớp 12, bảo đảm khối lượng cơ bản để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời có độ phân hóa hợp lí để giúp các cơ sở GDĐH, GDNN làm căn cứ tuyển sinh. Thứ hai là tăng cường vai trò của các trường ĐH trong việc tổ chức thi theo nguyên tắc các trường ĐH, CĐ địa phương không tổ chức thi ở địa phương mình. Tăng cường vai trò của cán bộ đến từ các trường ĐH trong các khâu tổ chức thi, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Đặc biệt năm nay, Bộ GD&ĐT sẽ trực tiếp chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm các bài thi trắc nghiệm. Địa phương đóng vai trò quan trọng trong tổ chức và đảm bảo an toàn, công bằng trong kỳ thi Thứ ba là các giải pháp điều chỉnh về kĩ thuật tăng cường ứng dụng công nghệ, thể hiện ở một số mặt: Quy định rõ phần mềm hỗ trợ cho việc sắp xếp các phòng thi, đặc biệt là đối với các thí sinh tự do để ngăn ngừa gian lận trong quá trình tổ chức ở giai đoạn coi thi; Quy định rõ, đồng bộ trong toàn hệ thống việc niêm phong túi đựng bài thi để ngăn ngừa gian lận, tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình lưu trữ; Sử dụng camera giám sát các phòng lưu trữ đề thi, bài thi và các phòng chấm thi 24/24 giờ; Phần mềm chấm thi sẽ được Bộ GD&ĐT hoàn chỉnh theo hướng mã hóa dữ liệu chấm thi và tiến hành đánh phách điện tử các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh. Thứ tư là tăng ý nghĩa và vai trò của kỳ thi. Tỉ lệ điểm thi trong Kỳ thi THPT quốc gia dùng để xét tốt nghiệp sẽ tăng lên, dự kiến chiếm 70%, điểm học tập lớp 12 sẽ là 30%. Đề cao vai trò của địa phương Ông Mai Văn Trinh khẳng định: Việc ứng dụng công nghệ hiện nay, đặc biệt với những giải pháp công nghệ kĩ thuật, công nghệ thông tin và truyền thông…, cho phép chúng ta có thể tổ chức việc chấm thi một cách thuận lợi. Việc giao nhiệm vụ cho các trường ĐH chấm thi trắc nghiệm là giải pháp để hướng tới việc chấm khách quan, tin cậy hơn. Tuy nhiên, không có nghĩa như vậy là hoàn toàn yên tâm. Song song với việc này cần đẩy mạnh các giải pháp, đặc biệt là công tác tổ chức, quy trình, thanh tra, kiểm tra, phát huy vai trò của các địa phương. HS và phụ huynh cũng là một kênh giám sát tất cả các khâu của kì thi này. Bộ GD&ĐT đánh giá cao vai trò của các địa phương vì là đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong việc tổ chức thành công của kỳ thi này. Thành công, thành quả của kỳ thi trước hết thuộc về các địa phương. Nhưng nếu những gian lận xảy ra thì trách nhiệm đầu tiên phải là của các địa phương. Bộ GD&ĐT đề nghị các địa phương ngay từ bây giờ chủ động các điều kiện tốt nhất kể cả về con người, cơ sở vật chất để hướng tới tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019 an toàn, nghiêm túc, có kết quả tin cậy. Đây cũng là sự thể hiện rõ ràng nhất trách nhiệm của các địa phương đối với con em mình, đối với sự phát triển của địa phương mình và đối với sự phát triển của đất nước. Ông Mai Văn Trinh Pháp lí đầy đủ, quy trình chặt chẽ, công nghệ hỗ trợ tối đa mới là điều kiện cần chứ chưa phải điều kiện đủ. Con người vẫn là yếu tố quyết định cho thành công của kì thi. Do đó, công tác cán bộ trong kì thi 2019 sẽ được đẩy lên một bước. Thứ nhất là phải chọn cán bộ có phẩm chất, kinh nghiệm, đặc biệt là có ý thức pháp luật, trách nhiệm cao. Thứ hai là trong quy chế cũng sẽ phân định rõ ràng trách nhiệm của từng khâu đối với từng cán bộ, có hướng dẫn cụ thể. Năm nay sẽ làm tốt hơn nữa khâu tập huấn nghiệp vụ, tổ chức thi. Sẽ phối hợp với các bộ, ngành, trong đó có Bộ Công an ngay từ đầu để các cán bộ làm công tác thi có kĩ năng phòng ngừa tiêu cực, nhất là các tiêu cực có ứng dụng công nghệ cao. Cùng với đó, trong quy chế cũng sẽ ghi rõ các chế tài để có thể xử lí phòng ngừa các gian lận có thể xảy ra trong kì thi này. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .