Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định vai trò lớn lao của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp GD tại buổi tiếp Nhiều hoạt động tri ân nhà giáo Những hoạt động tri ân nhà giáo diễn ra trên khắp mọi miền đất nước, trong đó đáng chú ý là buổi gặp mặt của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiêu biểu toàn quốc. Theo Thủ tướng, trong bất kỳ thời điểm lịch sử nào, nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Hình ảnh người thầy giáo, cô giáo không chỉ gắn với sự truyền bá tri thức mà còn thể hiện lòng nhân ái, đạo đức trong sáng, mẫu mực. Nhấn mạnh một trong những yếu tố then chốt quyết định chất lượng giáo dục chính là chất lượng của đội ngũ nhà giáo, Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến. Thủ tướng đề nghị khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ và phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương. Nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm; Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên; chú trọng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục các cấp, nhất là công tác tham mưu, xây dựng chính sách. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông hơn nữa để cả xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và đồng hành trong sự nghiệp đổi mới GD-ĐT… Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi gặp mặt của Thủ tướng Chính phủ với các nhà giáo tiêu biểu Phát biểu tại buổi gặp mặt của Thủ tướng với đại diện cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu, xuất sắc của ngành Giáo dục, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng nhấn mạnh vai trò đặc biệt quan trọng của lực lượng này và gọi đây là những con người đảm đương sứ mệnh tiên phong và là lực lượng quyết định thành công trong sự nghiệp đổi mới giáo dục. Bộ trưởng nhận định, dù còn muôn vàn gian khó nhưng nhìn chung đội ngũ nhà giáo trên cả nước đã thấm nhuần tinh thần đổi mới, kiên định vượt qua khó khăn, nêu cao tinh thần trách nhiệm, say mê nghề nghiệp, thực sự là “tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo”, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà. Cùng ngày, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã gửi thư chúc mừng cán bộ, giáo viên, nhân viên đã và đang công tác trong ngành Giáo dục. Trước đó, trong khuôn khổ chương trình tôn vinh nhà giáo tiêu biểu, chương trình “Thay lời tri ân” do Bộ GD&ĐT, Công đoàn Giáo dục Việt Nam phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức đã diễn ra rất xúc động với những câu chuyện về sự hy sinh, mất mát thầm lặng của các thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các đại biểu Quốc hội bấm nút thông qua dự án Luật. Ảnh: Quochoi.vn Thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã chính thức được Quốc hội thông qua vào chiều 19/11, với số phiếu tán thành 84,12%, có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2019. Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5. Tại kỳ họp này, Dự án Luật được Quốc hội thảo luận, thông qua, trong đó có một số nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý như sau: Về hệ thống cơ sở giáo dục đại học dự kiến gồm trường Đại học và Đại học, Học viện và các cơ sở giáo dục đại học có tên gọi khác phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó trường Đại học được coi là hạt nhân cơ bản, nền tảng của hệ thống; Về đẩy mạnh tự chủ đại học, Luật quy định cơ chế bảo đảm thực hiện tự chủ thông qua việc xác định rõ về thiết chế hội đồng trường, phân định mối quan hệ giữa hội đồng trường với Hiệu trưởng; quy định cơ chế quản trị phù hợp với tính chất của từng loại hình cơ sở giáo dục đại học; bổ sung nhiều nội dung theo hướng tăng cường quyền tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học về chuyên môn học thuật, tổ chức và nhân sự, tài chính, tài sản. Đại biểu Quốc hội và lãnh đạo các trường ĐH đều cho rằng, việc Luật được thông qua sẽ có tác động tích cực đến hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Khẳng định của đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi (đoàn Thanh Hóa), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học chắc chắn có tác động tích cực, tạo chuyển biến trong hệ thống giáo dục đại học và cũng là nền tảng để chúng ta sắp xếp lại các cơ sở giáo dục đại học, nâng cao chất lượng giáo dục đại học; quan trọng là gắn giáo dục đào tạo đại học với nhu cầu sử dụng và gắn với thị trường lao động. Đại diện cơ sở giáo dục ĐH, NGƯT.PGS.TS Nguyễn Văn Đệ - Bí thư Đảng ủy, Hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Tháp - đánh giá Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH vừa thông qua đã được xây dựng rất chặt chẽ và được gửi lấy ý kiến góp ý rộng rãi trong xã hội, những nội dung sửa đổi đã đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới và phát triển của Giáo dục ĐH Việt Nam. Để Luật nhanh chóng đi vào cuộc sống, các chuyên gia đều cho rằng, cần nhanh chóng hoàn thiện các nghị định hướng dẫn; tổ chức tuyên truyền, triển khai ngay trong các cơ sở GDĐH và trong nhân dân; đồng thời chuẩn bị các điều kiện khi thay đổi các cơ cấu thiết chế trong nhà trường... Thầy Kiều tặng xe cho các học sinh vùng khó Những tấm gương bình dị mà cao quý Tuần qua, rất nhiều tấm gương nhà giáo hết lòng vì sự nghiệp giáo dục được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông. Tiết kiệm tiền lương hàng tháng, đồng thời vận động sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, thầy giáo Hoàng Hữu Kiều (giáo viên Trường Tiểu học và THCS Linh Thượng, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã thu gom được nhiều chiếc xe đạp cũ để tặng các học sinh, nâng bước các em đến trường. Theo Giáo dục và Thời đại, để có tiền mua xe cho học trò, mỗi tháng ngoài đồng lương giáo viên và dạy thêm vài suất trang trải cuộc sống, thầy luôn dành hẳn một suất dạy gọi là “Cua xe đạp” để dành tiền mua xe tặng học sinh. Tấm lòng thương trò của thầy Kiều lâu dần lan tỏa đến nhiều các nhà hảo tâm khác. Từ đó có thêm nhiều người chung tay cùng thầy tặng xe đạp, học bổng cho các học trò nghèo. Đến nay, thầy Kiều cùng các Mạnh Thường Quân đã trao hơn 50 chiếc xe đạp cũ và mới cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn ở các trường trên địa bàn huyện; quyên góp hơn 50 triệu đồng tặng các học sinh nghèo cùng nhiều phần quà là sách vở, áo ấm cho các em học sinh với trị giá gần 100 triệu đồng. Cô Đinh Thị Chung trong một tiết dạy Hay câu chuyện về những người thầy, cô giáo Trường PTDTBT Tiểu học An Lương (huyện Văn Chấn, Yên Bái) đi bộ vượt gần 20 km đường rừng để đến trường khắc phục hậu quả mưa lũ, đưa trẻ đến trường đúng ngày khai giảng là những tấm gương làm cho phụ huynh học sinh cảm phục. Cô giáo Đinh Thị Chung - Phó Hiệu trưởng, trong quá trình mang thai đã không giữ được thai nhi trên đường đến trường. Trong hoàn cảnh ấy, vượt qua những cung đường hiểm trở, các đồng nghiệp đã cáng cô bằng đường bộ gần một ngày mới ra được chỗ xe đón. Nhưng khi đến viện, các bác sĩ cũng không cứu được cái thai trong bụng cô giáo. Chiều 20/11, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng Phụ trách Vụ Giáo dục Chính trị & Công tác học sinh, sinh viên làm Trưởng đoàn đã đến thăm hỏi, động viên thân nhân, gia đình có người tử vong trong đợt sạt lở đất tại thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ông Bùi Văn Linh đã trao số tiền hỗ trợ 10.000.000 đồng đến người thân gia đình thầy giáo Phong. Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã đến thăm gia đình học sinh Phạm Thị Ngọc Thảo. Mẹ Thảo bị nước cuốn, thương nặng và điều trị tại Bệnh viện. Tại đây, đoàn công tác đã trao 3.000.000 đồng đến người nhà em Thảo và đề nghị cán bộ nhà trường thường xuyên đến động viên để giúp gia đình sớm vượt qua khó khăn. Đến thôn Phước Sơn (xã Phước Đồng), đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đã chia sẻ đau thương, mất mát với gia đình em Nguyễn Hữu Hoàng Bách - học sinh lớp 5 đã mất do trận sạt lở đất vừa qua. Ông Bùi Văn Linh đã động viên gia đình em Bách, mong gia đình cố gắng vượt qua nỗi đau, ổn định lại cuộc sống. Đoàn công tác của Bộ GD&ĐT cũng đã trao 3.000.000 đồng hỗ trợ gia đình. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .