Thủ tướng: 'Cùng bàn, cùng xốc tới đưa TP.HCM phát triển' Sáng 12-1, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và Thường trực Quốc hội làm việc với Đảng bộ và chính quyền TP.HCM về kết quả thực hiện Nghị quyết 54/2017 của Quốc hội và Kết luận 21 của Bộ Chính trị. Tham dự hội nghị có Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, ông Trần Quốc Vượng - Thường trực Ban Bí thư, ông Võ Văn Thưởng - Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, ông Trương Hòa Bình - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, ông Nguyễn Thiện Nhân - Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong – Chủ tịch UBND TP.HCM cùng lãnh đạo các bộ, ngành, ủy ban của Quốc hội... "Trên dưới một lòng" cùng hỗ trợ TP.HCM Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao những báo cáo đầy đủ của TP.HCM về kinh tế - xã hội, việc thực hiện các kết luận, chỉ thị, nghị quyết của Quốc hội, Bộ Chính trị. Đồng thời cũng đánh giá cao những kiến nghị, đề xuất của TP để các cơ quan Trung ương cùng thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ. Thủ tướng phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, năm 2018, dù trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn, đặc biệt tình hình khiếu kiện kéo dài, xử lý một số vị phạm trong quá trình triển khai nhiệm vụ trước đây nhưng TP.HCM vẫn có những nỗ lực vượt qua khó khăn và đạt được nhiều kết quả nổi bật ở các chỉ tiêu quan trọng. Một trong những kết quả đó là tăng trưởng GRDP đạt 8,3%, thu ngân sách được giao ở mức cao nhưng cơ bản hoàn thành nhiệm vụ. Thủ tướng cho rằng, TP.HCM đông dân nhất cả nước này đã có nhiều cố gắng trong giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội và nhiều vụ việc kéo dài nhiều năm được tập trung xử lý, giải quyết đạt kết quả đáng mừng. Triển khai một số biện pháp sáng tạo, giải pháp đặc thù để thúc đẩy phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu. Tuy nhiên, theo Thủ tướng, trong quá trình thực hiện biện pháp của Trung ương, của Quốc hội thì có nhiều vấn đề cơ chế, chính sách chưa được làm rõ, gây khó khăn cho TP, nên cần các cơ quan chức năng thảo luận cùng với TP để tháo gỡ. Cũng theo Thủ tướng, buổi làm việc nhằm thảo luận, góp ý một số phương hướng, nhiệm vụ nhằm cùng TP.HCM tháo gỡ các vướng mắc với tinh thần là “cùng bàn, cùng xốc tới, cùng tiến bước mạnh mẽ, đưa TP.HCM phát triển”. Do đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan Trung ương cùng thảo luận, giải quyết các kiến nghị của TP với tinh thần phân cấp, giao quyền mạnh mẽ hơn cho TP.HCM đóng góp tới gần 30% ngân sách nhà nước này, để làm sao TP.HCM phát triển, không chỉ so sánh trong khu vực Đông Nam Á mà ở khu vực châu Á. Muốn như vậy, cần “trên dưới một lòng”, cùng nhau hỗ trợ TP.HCM. Cơ chế đặc thù đã nâng cao tính chủ động Báo cáo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết TP đánh giá việc ban hành hai văn bản Nghị quyết 54 và Kết luận 21 là thời cơ cách mạng hết sức quan trọng, là sự đột phá về thể chế đối với sự phát triển của TP. Toàn cảnh buổi làm việc. Ảnh: TÁ LÂM Ông Nguyễn Thiện Nhân cho biết, triển khai thực hiện cơ chế chính sách đặc thù trong một năm qua, TP.HCM đánh giá đã nâng cao tính chủ động, tự chịu trách nhiệm của TP trong một số công việc, làm cho các quyết định này nhanh hơn, sát thực hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả hơn. Trong đó, việc ủy quyền của Chủ tịch UBND TP cho Chủ tịch UBND cấp huyện, giám đốc các sở làm cho các quyết định được thực hiện gần cơ sở hơn, nhanh hơn, vì vậy có hiệu quả thực tế cao hơn. Đặc biệt, việc thực hiện thu nhập tăng thêm cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan quản lý nhà nước TP đã khuyến khích, tạo thêm động lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong năm 2019, UBND TP sẽ tiếp tục trình HĐND TP các đề án khảo sát, đánh giá hiệu quả hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên tất cả các lĩnh vực… Đáng chú ý, TP sẽ đề xuất tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia ngân sách hợp lý, tạo điều kiện cho TP.HCM có nguồn lực để phát triển nhanh và bền vững. Đề xuất ứng vốn ngân sách TP thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng quan trọng trên địa bàn thành phố thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương. Nhưng truớc mắt, TP sẽ đề xuất phương án triển khai đường Vành đai 3 bằng chuyển đổi vốn và hợp tác công tư. Theo báo cáo của UBND TP.HCM, trong năm 2018 hầu hết các ngành đều tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm GRDP đạt hơn 1,3 triệu tỷ đồng, ước tăng 8,3% (cùng kỳ tăng 8,25%). Chất lượng tăng trưởng ngày càng được cải thiện, mô hình tăng trưởng dần dịch chuyển theo chiều sâu, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng 62,4%, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm tỷ trọng 22,9%, khu vực nông nghiệp chiếm tỷ trọng 0,7%. Khách du lịch quốc tế đến TP đạt 7,5 triệu lượt, tăng 17,3% (chiếm 50% lượng khách quốc tế đến Việt Nam). Tổng vốn đầu tư xã hội ước đạt 35% so GRDP. Cấp phép thành lập mới hơn 44.000 doanh nghiệp (chiếm hơn 33% cả nước). Vị trí đầu tàu kinh tế của TP được giữ vững và có bước phát triển. Tỷ trọng quy mô kinh tế TP so với cả nước năm 2018 là 23,97%, cao hơn năm 2017 và 2016 (23,4%). Năng suất lao động đạt 293 triệu đồng/lao động, gấp 2,92 lần năng suất lao động bình quân cả nước (100,3 triệu đồng/lao động), cao hơn bình quân giai đoạn 2011 -2015 (gấp 2,88 lần). Thu ngân sách vượt dự toán được giao, đạt 378.543 tỷ đồng, đạt 100,47% dự toán, tăng 8,65% so cùng kỳ, chiếm 27,8% cả nước. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2018 đạt hơn 7,3 tỷ USD, tổng cộng 3 năm 2016 - 2018 là hơn 17 tỷ USD, đứng đầu cả nước. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .