Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp thường trực Chính phủ chống dịch virus corona ngày 4-2 - Ảnh: VIỆT DŨNG Mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh khi dịch bệnh diễn ra, các cấp, ngành đã thực hiện hiệu quả các chỉ thị, chỉ đạo của Ban bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiệu quả bước đầu là tốt, khắc phục tình trạng lây lan, cơ sở vật chất chuẩn bị, triển khai mạnh mẽ ở các bệnh viện, địa phương, các ngành; huy động đội ngũ cán bộ, chuyên gia tham gia tích cực, các bệnh viện Chợ Rẫy và Đa khoa tỉnh Thanh Hoá đã điều trị bệnh nhân mắc bệnh thành công, xuất viện. Các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an, Công thương… thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Ban chỉ đạo quốc gia. Một số ngành sản xuất cũng đã chỉ đạo kịp thời như ngành nông nghiệp, công thương, tái cơ cấu và tìm hướng đi mới để đảm bảo sản xuất. Nhiều ngành kinh tế như hàng không, chứng khoán, du lịch giảm… nhưng đã có cố gắng nỗ lực rất lớn. Các tỉnh biên giới thực hiện có hiệu quả chủ trương của Thủ tướng trong việc kiểm soát người, có giải pháp ngăn chặn những người đi từ vùng dịch, nhiễm bệnh vào Việt Nam… Tuy vậy, theo Thủ tướng, dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp nên không được chủ quan mà cần phải đề cao, cảnh giác. Dự báo cuối tuần này và tuần sau là thời điểm dịch bùng phát, nhiều ý kiến cho rằng dịch có thể kéo dài nhiều tháng, số lượng người chết ở Trung Quốc tăng lên nhanh, nên việc có giải pháp quyết liệt và đồng bộ hơn là cần thiết. Cuộc họp này, Thủ tướng yêu cầu các thành viên Chính phủ, cấp ngành trao đổi với nhau để tháo gỡ vướng mắc, để có quyết sách và thông điệp mạnh mẽ hơn, rõ ràng hơn với thông điệp cụ thể trong phòng chống dịch bệnh virus corona. “Kiên quyết không được đưa những người trong vùng dịch về Việt Nam và đến Việt Nam phải cách ly. Song cũng phải giải quyết các mối quan hệ khác, nên cần nêu những vướng mắc cụ thể chứ không phải nêu các thành quả”, Thủ tướng lưu ý. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì họp thường trực Chính phủ chống dịch virus corona - Ảnh: VIỆT DŨNG 2-6 tuần nữa dịch mới hạ nhiệt Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, có ý kiến cho rằng 2 tuần nữa dịch hạ nhiệt, có ý kiến cho rằng 6 tuần. Nhưng thông tin quốc tế cho thấy đã có những trường hợp lây bệnh ngoài Trung Quốc, cho thấy dịch còn diễn biến phức tạp. Ông Đam cho biết Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc và Văn phòng Tổ chức y tế thế giới khu vực Tây Thái Bình Dương đã và sẽ có văn bản cho biết họ đồng thuận với phương pháp điều trị mà Việt Nam đang áp dụng. Đến ngày 4-2 đã tổng cộng 3/10 bệnh nhân được ra viện. Ông Đam cũng khuyến cáo cần bàn biện pháp để khi học sinh trở lại trường học thì có biện pháp phòng chống dịch. Phó thủ tướng cũng cho biết việc thiếu khẩu trang hiện đang được tháo gỡ khó khăn về nguyên liệu, nhưng cần hướng dẫn để người dân hiểu các biện pháp cụ thể phòng bệnh bên cạnh đeo khẩu trang. Dịch ở Trung Quốc đạt đỉnh trong 7-10 ngày nữa Theo ông Nguyễn Thanh Long - phó trưởng Ban Tuyên giáo trung ương kiêm thứ trưởng Bộ Y tế, các tính toán khoa học cho thấy dịch tại Trung Quốc sẽ đạt đỉnh trong 7-10 ngày tới, số mắc bệnh gia tăng mạnh trong những ngày vừa qua là số mắc bệnh từ trước mà chưa phát hiện ra. Tại Việt Nam, với 10 bệnh nhân đã ghi nhận cho đến nay, ông Long cho rằng dịch đã ở “nấc 2”, tức là có bệnh nhân F2 - người không đi lại ở Trung Quốc mà lây bệnh tại Việt Nam. Đặc biệt, bệnh nhân dương tính mới nhất ở Vĩnh Phúc không sống cùng bệnh nhân nguồn lây, mà dịp tết có ăn tết, tụ họp cùng nhau và lây bệnh. Tự tin kiểm soát được dịch Ông Long cũng cho biết đang thực hiện chặt chẽ các biện pháp để khống chế dịch vào Việt Nam. Trước thông tin vẫn còn người Trung Quốc nhập cảnh Việt Nam, ông Long cho biết trong số 194 người nhập cảnh biên giới Việt - Trung ngày 3 và 4-2 không có người Trung Quốc nào. Trong khi xuất cảnh qua biên giới Việt - Trung là 1.303 trường hợp đều là người Trung Quốc. "Nên ta yên tâm là ngăn chặn triệt để không có chuyện người Trung Quốc vào Việt Nam", ông Long nói. Về hàng không, có 3 chuyến từ Trung QUốc về đỗ tại Vân Đồn với lượng người rất ít. Những người về Việt Nam đều được cách ly 14 ngày, Quảng Ninh đã chuẩn bị đủ điều kiện sinh hoạt và cơ sở vật chất. Quan trọng nhất hiện nay theo ông Long là cách ly, có 3 vòng gồm: tất cả những người bệnh, nghi nhiễm bệnh thì đều coi là bệnh, cách ly tuyệt đối tại bệnh viện (bởi có 8 người đi từ Vũ Hán về đã 5 người nhiễm); vòng hai là cách ly những trường hợp công dân Việt Nam và Trung Quốc đi qua Trung Quốc về Việt Nam thì cách ly tại gia đình và cơ sở lưu trú; vòng ba là những người tiếp xúc xung quanh là cách ly hạn chế. Ngành y tế xác định mỗi người từ vùng dịch là một ổ dịch nên khi xác định phải kiểm soát ngay, bởi lây lan ra thì rất là khó kiểm soát. Với các biện pháp tổng thể như thế này, ông Long cho rằng sẽ kiểm soát được dịch. Thử nghiệm dùng thuốc điều trị HIV giai đoạn 2 cho virus corona Ông Nguyễn Trường Sơn - thứ trưởng Bộ Y tế: Đến nay hệ thống khám chữa bệnh tiếp nhận 10 trường hợp dương tính, cách ly đặc biệt và đang cách ly 80 trường hợp theo dõi chờ kết quả xét nghiệm. Ngày 4-2, Bộ Y tế đang tập huấn điều trị trực tuyến toàn quốc về quy trình điều trị, chia sẻ kinh nghiệm cho cơ sở y tế các tuyến. Cơ bản quy trình điều trị không khác các nước khác, thực hiện sát khuẩn liên tục, cách ly... Tới đây dự báo việc lây lan sẽ tăng thêm người nhiễm dương tính, nên qua các kết quả nghiên cứu thế giới, ngành y tế chuẩn bị phác đồ và đề nghị Bộ Khoa học Công nghệ, các nhà khoa học lấy ý kiến, xây dựng thử nghiệm nhanh chóng để áp dụng một số loại thuốc đang dùng điều trị HIV giai đoạn 2, nếu có kết quả thì sẽ giúp điều trị bệnh nhân bị nhiễm virus corona. Bộ Y tế cũng chỉ đạo các đơn vị trong bộ, địa phương chủ động tập trung mua sắm các trang thiết bị, xây dựng các cơ sở vật chất, thành lập các đội phản ứng nhanh, phối hợp với quân đội để sẵn sàng dập dịch. Bộ cũng đề nghị xin mua sắm từ ngân sách quốc gia trang thiết bị cần thiết như máy thở, xe cấp cứu... Tháo gỡ cho hàng hóa xuất khẩu Theo ông Mai Tiến Dũng - bộ trưởng, chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Đại sứ quán Hàn Quốc đã đề nghị tháo gỡ cho những lô hàng của Samsung chờ xuất khẩu ở biên giới. Việc xuất khẩu của nhiều doanh nghiệp khác cũng khó khăn. Ông Dũng cho biết sẽ tháo gỡ cho hàng hoá sang Trung Quốc nhưng không đi sâu vào nội địa mà xe chỉ đến các điểm trung chuyển sát biên giới. Về đề nghị thời điểm hiện nay nên cấm xuất khẩu các lô hàng khẩu trang, ông Dũng cho rằng như vậy là không hợp với các quy định và thông lệ hiện hành. 59 tỉnh cho học sinh nghỉ học Theo đại diện Bộ GD-ĐT, tính đến 4-2 có 59 tỉnh thành cho học sinh - sinh viên nghỉ học phòng dịch, trong số này có 58 địa phương cho nghỉ đến hết tuần này. Hầu hết các địa phương đã tiến hành tẩy trùng trường học. Tại Vũ Hán, Trung Quốc hiện có 302 du học sinh Việt theo học, trong đó có 281 học sinh đã về ăn Tết, còn 21 sinh viên đang bị kẹt lại. Trong số các em đã về nước, có 7 em đã xét nghiệm, 3 có kết quả âm tính và 4 người đang chờ kết quả. Để xét nghiệm cho cả 281 em này thì kinh phí khó khăn, Bộ đang đề xuất cho cơ chế xét nghiệm cho trường hợp sinh viên đi học ở Vũ Hán. Có 29.000 lao động Trung Quốc làm việc tại Việt Nam Bộ Lao động, thương binh và xã hội cho biết có 29.000 lao động người Trung Quốc làm việc tại Việt Nam, trong số này có trên 27.000 người về quê ăn tết, số đã trở lại làm việc là trên 12.000 người, 64 người đã được cách ly khi trở lại. Trước tình hình dịch bệnh lây lan, Bộ đề nghị dừng tiếp nhận người lao động Trung Quốc quay trở lại làm việc tại Việt Nam. * Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .