Thủ tướng: Nhiều tín hiệu tích cực về kinh tế trong tháng qua Sáng 4-9, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên thường kỳ của Chính phủ đánh giá về tình hình thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch bệnh COVID-19, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng đầu năm 2020. Số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng gần 30% Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng mặc dù dịch bệnh COVID-19 đã xuất hiện trên 15 tỉnh/thành trong cả nước nhưng các địa phương, các ngành các cấp đã có nhiều giải pháp kiên quyết, kịp thời ngăn chặn và phòng ngừa hiệu quả dịch. Từ đó, nhịp độ phát triển chung của đất nước được giữ vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Cũng tại phiên họp, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan với dịch bệnh, song song đó phải chú trọng phát triển kinh tế. “Theo đánh giá mới đây của tạp chí The Economist, Việt Nam đứng trong tốp 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới, nhiều triển vọng thu hẹp khoảng cách với các nước phát triển trong dịch COVID-19. Theo nhận định của một số định chế tài chính lớn, nếu phấn đấu tốt, Việt Nam có thể tăng trưởng 2-3%”- Thủ tướng nói. Theo Thủ tướng, tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 và tám tháng vừa qua có nhiều dấu hiệu tăng trưởng tốt, kinh tế duy trì ổn định mặc dù không phải phục hồi nhanh. Kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tiền tệ được điều hành tương đối tốt. Trong đó, đáng chú ý là dự trữ ngoại hối đã lên mức 92 tỉ USD, phấn đấu đạt 100 tỉ USD trong năm 2020. Chỉ số CPI tháng 8 tăng 0,07% so với tháng trước. Tỉ giá thị trường ngoại tệ ổn định, lãi suất tiếp tục xu hướng giảm. Nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế và phấn đấu đạt mức tăng trưởng 2,6-2,8% trong năm nay. Đặc biệt là nông nghiệp được mùa, được giá, kim ngạch xuất khẩu sẽ vẫn giữ được mục tiêu khoảng 41 tỉ USD. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, tám tháng đầu năm đạt trên 174 tỉ USD (tăng 1,6%). Xuất siêu đạt trên 11,9 tỉ USD. Về giải ngân vốn đầu tư công, Thủ tướng cho rằng được cải thiện rõ nét, tăng so với cùng kỳ gần 31%, mức tăng cao nhất từ trước đến nay. Chính phủ đã tổ chức bảy đoàn kiểm tra thường xuyên đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ này. Nhiều địa phương quyết tâm giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay. Hoạt động phát triển doanh nghiệp tích cực, số doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng gần 30%. Vốn FDI trong bối cảnh khó khăn nhưng tổng giá trị các dự án đầu tư được cấp phép vẫn lên tới 19,5 tỉ USD. Đặc biệt, theo Thủ tướng, đời sống người dân ổn định, số hộ thiếu đói giảm 75,3%. Tai nạn giao thông giảm trên cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Các lĩnh vực văn hóa, quốc phòng - an ninh, đối ngoại tiếp tục được chú trọng, trong đó đã tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại, khẳng định uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Từ những kết quả đó, Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ, các địa phương cần tập trung khắc phục những tồn tại như sản xuất công nghiệp, một trong những lĩnh vực sản xuất trọng yếu của nền kinh tế đang tăng trưởng thấp. Hoạt động thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch, tiêu dùng có xu hướng giảm. Sản xuất kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí cả doanh nghiệp lớn. Nguy cơ suy giảm việc làm diễn ra, nhất là ở các khu vực đô thị... Thủ tướng cũng đề nghị thảo luận về chính sách tiếp tục thu hút đầu tư, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, cần giải pháp, chính sách đủ mạnh, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để huy động các nguồn lực xã hội, góp phần tạo động lực phát triển. Thủ tướng cũng yêu cầu cần có các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ cả cung và cầu. Chính sách tiền tệ, tài khóa cần phát huy hiệu quả hơn nữa đối với tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, áp dụng những mô hình, phương thức mới đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong trạng thái “bình thường mới”. Tận dụng thị trường tiêu thụ gần 100 triệu dân Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng, cho biết kinh tế nước ta tiếp tục chứng kiến những diễn biến khó kiểm soát của dịch COVID-19 khi bùng phát trở lại và những tác động nặng nề ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội ngày càng rõ nét hơn. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: VGP/Quang Hiếu Dịch đang làm suy giảm đáng kể những động lực tăng trưởng chủ yếu của Việt Nam như xuất khẩu và tiêu dùng trong nước. Ngành du lịch và nhiều ngành xuất khẩu đang bị mất đi lượng lớn khách hàng tiềm năng. Do đó, để vượt qua khó khăn, ông Dũng cho rằng nước ta cần thúc đẩy nội lực của chính nền kinh tế, trong đó cần chủ động nguồn cung đối với những mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu nhằm bảo đảm an ninh lương thực. Đồng thời duy trì được nguồn thu từ xuất khẩu nông sản tới những quốc gia đang đối mặt với nguy cơ mất an ninh lương thực, mở rộng thị trường xuất khẩu và tìm kiếm khách hàng mới. “Giữ dư địa tài khóa để triển khai các gói hỗ trợ và kích thích kinh tế ở thời điểm phù hợp. Tận dụng thị trường tiêu thụ trong nước với gần 100 triệu dân và tâm thế vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp trong nước”- ông Dũng nói. Để tăng trưởng năm 2020 ở mức dương và đạt kết quả cao nhất có thể, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần tiếp tục triển khai thực hiện kết hợp với xây dựng thêm những giải pháp mạnh, quyết liệt hơn nữa nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội người dân và thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Ông Dũng cũng đề nghị cần quyết liệt hơn nữa việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Dũng cũng đề nghị tập trung đầu tư công vào các dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, ngoài việc có tác động lan tỏa còn giúp nước ta tạo nền tảng tăng trưởng bền vững trong tương lai, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Năm 2020 không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn (PL)- Trước một số ý kiến đề nghị đặt mục tiêu phấn đấu đạt tăng trưởng 2% trong năm 2020, Thủ tướng cho rằng không để đứt gãy nền kinh tế, không tăng trưởng âm là một cố gắng rất lớn. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .