Chiều 30-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp về triển khai nhiệm vụ sau tết Nguyên đán Canh Tý 2020 và phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra. Quyết liệt chống dịch Ông cho biết Thủ tướng đã ra Chỉ thị 05 đề ra giải pháp cấp bách nhưng tình hình diễn biến vô cùng nghiêm trọng. Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc thường xuyên báo cáo tình hình diễn biến phức tạp. Ngay mùng 1 tết, Thường trực Bộ Chính trị Trung Quốc đã có cuộc họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Tập Cận Bình, thành lập Tổ công tác đặc biệt do Thủ tướng Lý Khắc Cường làm tổ trưởng chỉ đạo. Các bác sĩ tại thành phố Vũ Hán đang chăm sóc cho một bệnh nhân nhiễm virus Corona. Ảnh: REX. “Tinh thần là phải quyết liệt hơn, có giải pháp đồng bộ, chống dịch như chống giặc, chống dịch xuyên quốc gia, cả hệ thống chính trị vào cuộc và có biện pháp mạnh tay để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, không để Việt Nam rơi vào vùng xoáy của cơn dịch này” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh và yêu cầu tất cả các địa phương đều vào cuộc, đừng để tình trạng chủ quan như hiện nay. Theo người đứng đầu Chính phủ, một số biện pháp cũng có thể tính đến như báo cáo Bộ Chính trị thực hiện đóng cửa biên giới, hay toàn dân phải đeo khẩu trang để đề phòng dịch bệnh. “Tất cả giao dịch đối với nguồn dịch được công bố chúng ta phải có giải pháp tích cực, không để tình trạng chủ quan gây chết người ảnh hưởng đến tính mạng người dân…". Thủ tướng nói và nhấn mạnh: "Không được chủ quan, đừng thấy tình hình bình thường mà phải thấy tình hình nóng hơn vì dịch bệnh đang lan truyền với tốc độ rất cao”. Với tinh thần đó, Chính phủ đã quyết định thành lập ban chỉ đạo phòng, chống dịch Corona do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban. Ban chỉ đạo hàng ngày phải báo cáo Thủ tướng, đề xuất các biện pháp kịp thời trong bối cảnh đang bùng nổ dịch này. Tại phiên họp, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng đã có báo cáo tổng hợp nhanh về cập nhật tình hình dịch bệnh Corona. Theo đó, tại Việt Nam, hai trường hợp người Trung Quốc mắc bệnh (một đã khỏi, trường hợp còn lại tiến triển tốt); 32 trường hợp nghi ngờ đang được cách ly theo dõi, điều trị chờ kết quả khẳng định; 65 trường hợp nghi ngờ đã được xét nghiệm loại trừ; 43 trường hợp tiếp xúc đang được theo dõi, giám sát. Ông Mai Tiến Dũng đề nghị Thủ tướng ban hành công điện riêng đôn đốc thực hiện nhiệm vụ sau kỳ nghỉ tết và yêu cầu các bộ, ngành, địa phương quán triệt triển khai ngay từ ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ tết. Xây dựng kịch bản ứng phó với phương án cụ thể Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng tình hình bùng phát dịch do virus Conora gây ra là rất nghiêm trọng, rất nhanh, ở phạm vi toàn cầu. Việt Nam đã chủ động, có chủ trương sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. “Nước ta có biên giới với Trung Quốc, tình hình dịch Corona đang diễn ra hết sức xấu và lan rộng nhưng tất cả chúng ta phải bĩnh tĩnh xử lý, với những biện pháp cần thiết để bảo đảm an toàn cho người dân”- Thủ tướng nói và yêu cầu các cấp, ngành, địa phương có các phương án cụ thể, cương quyết sẵn sàng ứng phó khi có các ca mắc nhiễm xuất hiện. “Tôi thấy các cấp, các ngành, nhất là các địa phương, chưa có một tinh thần sẵn sáng cao”- ông nói. Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Conora do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm trưởng ban, có các cấp, các ngành liên quan tham gia, nêu cao tinh thần trách nhiệm, phát huy quyền hạn của Ban chỉ đạo để xử lý các vấn đề đặt ra. Đồng thời thường xuyên báo cáo với Chính phủ, Thủ tướng để có biện pháp đồng bộ, quyết liệt, ngăn chặn có hiệu quả dịch Conora. Thủ tướng cũng yêu cầu Ban chỉ đạo, Bộ Y tế, Văn phòng Chính phủ tiếp thu, hoàn thiện các ý kiến góp ý, xây dựng kịch bản ứng phó với các phương án cụ thể. Thủ tướng hoan nghênh Ban chỉ đạo đã thành lập 45 đội phản ứng nhanh để xử lý tình hình khi cần thiết, đặc biệt đã khởi động, kết nối 21 bệnh viện được huy động. Thủ tướng cũng đánh giá cao Bộ Quốc phòng sẵn sàng huy động các bệnh viện quân đội sẵn sàng tham gia khi tình huống xấu xảy ra. Tạm dừng giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu Liên quan đến một số vấn đề cụ thể, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo cấm hẳn việc đi lại qua các đường mòn, lối mở; dừng việc người Việt Nam qua Trung Quốc lao động trong lúc có dịch. “Bộ Ngoại giao sớm làm việc với Trung Quốc về việc sơ tán công dân Việt Nam khi cần thiết”- Thủ tướng nhấn mạnh. Cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu theo dõi, giám sát các thành viên ở Trung Quốc về Việt Nam ăn tết và di chuyển. Ông lưu ý việc này xảy ra phổ biến ở vùng biên. “Tạm ngừng các hoạt động đưa tour tuyến du lịch qua lại. Ngành hàng không ngừng đưa đón các chuyển máy từ điểm có dịch ở Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại. Ngừng cấp visa cho khách du lịch, không khuyến khích giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu trong lúc này”- Thủ tướng nói. Ông đề nghị chỉ cấp visa công vụ đồng thời khuyến cáo các đoàn công tác của ta sangTrung Quốc trong dịp này, nếu không thực sự cần thiết thì hoãn, điều chỉnh kế hoạch. Cạnh đó, các cơ quan chức năng Việt Nam cần có biện pháp kiểm soát y tế chặt chẽ tại các cửa khẩu. Lực lượng công an, quân đội, đặc biệt là ngành y tế cần kiểm soát chặt chẽ để hạn chế tối đa khách du lịch qua các cửa khẩu đến Việt Nam, kịp thời cách ly các trường hợp nhiễm bệnh. “Trong lúc dịch đang bùng phát, tạm dừng giao thương buôn bán qua lại cửa khẩu”- Thủ tướng nhấn mạnh. Thủ tướng cũng đồng ý để các địa phương cũng thành lập Ban phòng, chống dịch tại địa phương do Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng ban, trên tinh thần chủ động, “4 tại chỗ”. Học sinh chưa nghỉ học nhưng khuyến nghị đeo khẩu trang Về một số vấn đề cụ thể khác, trên tinh thần hạn chế tụ tập đông người, Thủ tướng yêu cầu “rất hạn chế” các lễ hội đông người. Học sinh chưa nghỉ học nhưng khuyến nghị đeo khẩu trang. Việc đeo khẩu trang trên cả nước chưa thực hiện ngay nhưng Chính phủ khuyến nghị đeo khẩu trang tại các địa điểm đông người. Các cơ quan truyền thông phải coi đây là nhiệm vụ chính trị, tập trung làm tốt và hiệu quả hơn. Việc tuyên truyền không để người dân hoang mang nhưng phải giúp người dân nhận thức đầy đủ về nguy cơ để tự phòng ngừa. Đáng chú ý, Thủ tướng giao Bộ Y tế phối hợp Bộ Tư pháp chuẩn bị cơ sở pháp lý, sẵn sàng tuyên bố tình trạng khẩn cấp khi WHO công bố tình trạng khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu. Phát hiện ba trường hợp người Việt nhiễm virus Corona Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết tính đến 15 giờ 20 hôm nay, theo kết quả Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phát hiện ba trường hợp người Việt Nam nhiễm virus Corona. Một ở Thanh Hóa đang điều trịnh ở BV tỉnh Thanh Hóa, hai trường hợp ở BV Bệnh nhiệt đới quận Đông Anh, Hà Nội. Ba trường hợp này kết quả xét nghiệm đều dương tính với virus Corona. Như vậy đến nay có năm trường hợp, trong đó có hai trường hợp là người Trung Quốc đã chữa trị tại BV Chợ Rẫy (người con đã âm tính, người bố đã ổn định, đang theo dõi điều trị). WHO có thể công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu Tại cuộc họp, ông Mai Tiến Dũng cho biết tại Trung Quốc, dịch đã lan ra 31/31 tỉnh, thành phố. Đến 7 giờ sáng 30-1 đã công bố 170 trường hợp tử vong, 7.711 trường hợp nhiễm bệnh và hơn 12.000 ca nghi nhiễm. Số ca nhiễm và tử vong tăng vọt trong 24 giờ, tăng 38 người so với ngày 29-1. Dự báo con số này còn tăng cao trong 24 giờ tới. Trên thế giới, ngoài Trung Quốc, dịch bệnh đã xuất hiện ở 17 quốc gia (Nepal, Ma Cao, Úc, Thổ Nhĩ Kỳ, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Pháp, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam, Phần Lan, Ý, Canada. Tổng số mắc trên thế giới là 7.719 người, 170 người tử vong đều ở Trung Quốc. Nhận định của WHO: Ngày 26-1, WHO đã phải điều chỉnh mức độ nguy cơ của dịch bệnh từ “mức vừa phải” lên “mức cao” ở khu vực và toàn cầu; “mức rất cao” ở Trung Quốc. Dự kiến trong ngày 30-1, WHO sẽ công bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .