Thủ tướng: Thực hiện nghiêm, tránh vận dụng sai Chỉ thị 16 Chiều 3-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ nghe báo cáo của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, trong đó có việc thực hiện Chỉ thị 16 về cách ly trong xã hội. Tránh lây nhiễm cộng đồng, ra ngoài với “trường hợp cần thiết” Ngay trong lời phát biểu khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Không để tác động của tình hình kinh tế làm thay đổi tinh thần của Chỉ thị 16 mà cần thực hiện nghiêm hơn, quyết liệt, không được chần chừ. Tuy nhiên, theo người đứng đầu Chính phủ, một số địa phương vận dụng Chỉ thị 16 còn máy móc, có điểm sai. “Chúng ta thực hiện nghiêm nhưng không vận dụng sai, hiểu không đúng nghĩa cụm từ cách ly xã hội” - Thủ tướng nói. Ông nêu kinh nghiệm được rút ra từ nhiều nước trong nhiều thời kỳ, đó là nơi nào chống dịch kiên quyết thì sau đó kinh tế phát triển. Ngược lại, nếu để dịch tràn lan, gây hại rất lớn, kinh tế sẽ khó phục hồi. Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang diễn biến phức tạp với số ca nhiễm, tử vong tăng nhanh, Thủ tướng nhấn mạnh phải có biện pháp mạnh mẽ hơn để thực hiện các chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban bí thư và các Chỉ thị gần đây của Thủ tướng. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu tổ chức thực hiện nghiêm Chỉ thị 16, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội… nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cộng đồng. Theo đó, người dân nên ở nhà, hạn chế tối đa ra ngoài, trừ các trường hợp thật sự cần thiết. Theo văn bản phát đi tối 4-3 của Văn phòng Chính phủ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng, “các trường hợp cần thiết” được liệt kê gồm: Mua lương thực, thực phẩm, dược phẩm và hàng hóa, dịch vụ thiết yếu khác; các trường hợp khẩn cấp như cấp cứu, khám chữa bệnh; thiên tai, hỏa hoạn...; làm việc tại các cơ quan, đơn vị nhà nước, lực lượng vũ trang, cơ quan ngoại giao và tại các cơ sở khác nêu tại văn bản này. “Trường hợp ra khỏi nhà phải đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; không tập trung quá hai người trở lên tại nơi công cộng, ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m” - văn bản này nêu. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại phiên họp Thường trực Chính phủ chiều 3-4. Ảnh: VGP Công chứng, luật sư, đăng kiểm… vẫn được hoạt động Cũng theo hướng dẫn trên nhà máy, cơ sở sản xuất; công trình giao thông, xây dựng; cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu (như lương thực, thực phẩm, dược phẩm, xăng dầu, điện, nước, nhiên liệu...) được tiếp tục hoạt động. Trong diện này còn có các cơ sở giáo dục, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp (như công chứng, luật sư, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm...), chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất nhập khẩu hàng hóa, khám bệnh, chữa bệnh, tang lễ... Người đứng đầu các cơ sở trên chịu trách nhiệm bảo đảm an toàn tuyệt đối và thực hiện đầy đủ các biện pháp chống dịch. Trong đó có các biện pháp như thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang, bố trí đầy đủ phương tiện, vật tư phòng, chống dịch theo quy định, khuyến cáo của cơ quan y tế. Cùng đó là yêu cầu người lao động khai báo y tế, tuân thủ các biện pháp hạn chế di chuyển, tiếp xúc, giao tiếp. Đồng thời tạm dừng các hoạt động không cấp bách, giảm mức độ tập trung người lao động; tổ chức, quản lý chặt chẽ việc đưa đón người lao động (nếu có) đến nơi làm việc bảo đảm ngăn ngừa rủi ro lây nhiễm dịch bệnh. Trường hợp không bảo đảm các yêu cầu nêu trên thì phải dừng hoạt động. Cơ quan y tế địa phương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc phòng, chống dịch tại các cơ sở nêu trên. Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định và công bố công khai loại hình cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình phải tạm đình chỉ hoạt động. “Khóa chặt từ bên ngoài dập dịch từ bên trong” Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá các cấp, các ngành đã triển khai quyết liệt việc phòng, chống dịch, nhất là việc khoanh tìm, xử lý ổ dịch tại quán Buddha và Công ty Trường Sinh. Đến nay, có trên 200 ca dương tính nhưng hiện có 85 ca bình phục, chưa có ca tử vong. Cạnh đó, nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho người dân được bảo đảm. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đây là giai đoạn cần huy động tổng lực, cần phối hợp nhuần nhuyễn, nghiêm túc, “khóa chặt từ bên ngoài, dập dịch từ bên trong, nhất là các ổ dịch, tìm cho được các trường hợp lây nhiễm”. Phải bãi bỏ ngay việc dừng, ngăn cấm qua lại không đúng Hướng dẫn trên từ Văn phòng Chính phủ cũng cho hay cơ bản dừng hoạt động vận chuyển hành khách công cộng, trừ các trường hợp vì lý do công vụ, xe đưa đón công nhân, chuyên gia, người cách ly, xe chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa; hạn chế tối đa hoạt động của các phương tiện cá nhân. Hướng dẫn nêu rõ phải bảo đảm vận hành thông suốt việc vận chuyển hàng hóa, nguyên vật liệu sản xuất. “Các địa phương bãi bỏ ngay các biện pháp dừng, ngăn cấm người và phương tiện qua lại địa phương mình không đúng với Chỉ thị 16” - hướng dẫn này lưu ý. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp chịu trách nhiệm tổ chức làm việc tại nhà phù hợp với điều kiện cụ thể của mình, không để đình trệ công việc, nhất là các công việc có thời hạn, thời hiệu theo quy định của pháp luật, các dịch vụ công phục vụ người dân và doanh nghiệp. Xử lý hình sự cá nhân cố tình vi phạm Thủ tướng cũng yêu cầu quan tâm sớm hơn, kịp thời hơn đối với người nghèo, không để ai bị đói kém. Bảo đảm cuộc sống tối thiểu cho người dân như điện, nước, gạo, thực phẩm, rau, thuốc chữa bệnh… là vấn đề đặt ra đối với các cấp, các ngành. Đồng thời, xử lý nghiêm vi phạm, đầu cơ, hàng giả, kém chất lượng, trong đó có việc xử lý hình sự một số cá nhân cố tình vi phạm để răn đe, giáo dục trong bối cảnh dịch bệnh. Bộ Y tế sớm hoàn thành công tác chuẩn bị cho các tình huống phức tạp; đẩy nhanh hơn nữa việc tự chủ sản xuất trang thiết bị phòng hộ. Có chương trình phát triển máy thở ở Việt Nam một cách căn cơ, chặt chẽ, có sự hỗ trợ về cơ chế của Nhà nước. Thủ tướng hoan nghênh các đơn vị có phương án sản xuất máy thở tại Việt Nam. “Xã hội chậm lại nhưng những người làm công tác phòng, chống dịch, lực lượng, chính quyền các cấp, đặc biệt là ngành y tế phải tăng tốc hơn, tiếp tục quyết liệt hơn nữa, khẩn trương hơn nữa” - Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế đẩy nhanh tốc độ tập huấn, chăm sóc, điều trị; chuẩn bị kỹ lưỡng phương án bệnh viện dã chiến. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .