Chính phủ sẽ mua hơn 200.000 tấn gạo để giảm giá lúa tại Đồng bằng sông Cửu Long - Ảnh: Tư liệu Cụ thể, chiều 19-2, Thủ tướng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và đầu tư, Bộ Công thương, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực VN, Tổng công ty Lương thực miền Bắc và Tổng công ty Lương thực miền Nam về tình trạng giá lúa gạo giảm mạnh tại Đồng bằng sông Cửu Long. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, từ cuối năm 2018 giá lúa tươi tại ruộng có dấu hiệu sụt giảm, đầu tháng 2-2019 sụt xuống 4.200-4.400 đồng/kg; loại thóc hạt dài giảm còn 4.500 đồng/kg, khối lượng gạo xuất khẩu tháng 1-2019 giảm cả về lượng và giá trị. Nguyên nhân là do một số thị trường vẫn còn lượng gạo dư của 2018 nên chưa có nhu cầu nhập khẩu trong đầu năm. Sau Tết Kỷ Hợi 2019, các doanh nghiệp đã giao hàng vào tháng 12-2018 chưa chủ động giao hàng theo hợp đồng, hệ thống thương lái chưa vào cuộc mạnh mẽ. Đặc biệt, thị trường lớn nhất xuất khẩu gạo của Việt Nam là Trung Quốc đã xuất hiện thách thức mới. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đề nghị Bộ Tài chính tăng mua, đưa vào dự trữ quốc gia năm 2019 khoảng 80.000 tấn thóc và 200.000 tấn gạo. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẵn sàng mua thêm 100.000 tấn để thực hiện cơ chế, chính sách bảo vệ và phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020 và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước theo quy định hiện hành. Để giải quyết vấn đề giá lúa thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và các bộ, ngành liên quan, yêu cầu Bộ Tài chính chỉ đạo mua đủ lượng gạo và lúa dự trữ mà kế hoạch Nhà nước đã giao, "phải mua sớm", bao gồm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn thóc. Các tổng công ty lương thực nhà nước thực hiện đúng nghị định 157, mua dự trữ 5% theo quy định, khẩn trương thực hiện sớm các kế hoạch xuất khẩu gạo. Thủ tướng cũng giao Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn chủ trì, ngay đầu tuần tới họp với UBND các tỉnh, các doanh nghiệp có liên quan khác, và Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy xử lý vấn đề mua lúa mua thóc của nông dân. Các bộ, địa phương giám sát việc thu mua để đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân. "Lúa gạo chỉ có con đường phát triển duy nhất là nâng cao chất lượng, gia tăng giá trị và cơ cấu lại sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường toàn cầu", Thủ tướng nêu rõ. Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, các địa phương phải triển khai mạnh mẽ hiệu quả đề án tái cơ cấu ngành lúa gạo để gạo chất lượng cao, các loại gạo dược liệu, gạo chữa bệnh, gạo có thương hiệu của VN ngày càng phổ cập. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .