Trong vai người cần tìm mua các loại thuốc giải rượu bia, chúng tôi (PV) tìm đến một số nhà thuốc ở TP.HCM. Hầu hết các nhà thuốc này đều có bán thuốc giải đủ loại, giá từ vài ngàn đồng tới vài chục ngàn đồng. Mua ở đâu cũng có Các loại thuốc này được người bán giới thiệu giúp nâng cao tửu lượng, hỗ trợ đào thải rượu bia, bảo vệ gan trước tác hại của bia rượu. “Nhậu nhiều chỉ cần uống bốn viên là nhậu được tới sáng, đảm bảo không say. Lần đầu uống hai viên, khi nhậu nửa chừng uống thêm hai viên nữa. Còn khi “đi độ” lớn, uống vài ba ly đã xỉn thì cái này sẽ giúp mình tỉnh...” - một người bán thuốc trên đường Lê Văn Sỹ, quận Tân Bình, tư vấn. Còn trên mạng Internet, chỉ cần gõ “thuốc giải rượu” sẽ tìm thấy đủ loại viên kẹo ngậm, thuốc giải rượu được quảng cáo có xuất xứ từ Nhật Bản, Hàn Quốc. Anh Lê Văn M. (quận 3) cho biết qua bạn bè giới thiệu, trong một lần cảm thấy rất mệt sau khi uống nhiều rượu bia, anh vào một tiệm thuốc Tây tìm mua loại thuốc này. “Người bán giới thiệu uống vào sẽ giảm say, giảm cảm giác khó chịu, đau đầu, mệt mỏi. Nhưng sau khi uống tôi lại cảm thấy mệt hơn. Không cảm thấy lượng rượu bia trong người được giải ra như người bán nói. Nếu tin tưởng uống thuốc này sau khi nhậu rồi chạy xe sẽ khá nguy hiểm” - anh M. chia sẻ. Một loại thuốc giải rượu được bán nhiều tại các tiệm thuốc Tây ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG LAN Coi chừng tiền mất tật mang Trước tình trạng thị trường tràn lan các loại viên ngậm, thuốc giải rượu bia như hiện nay, TS-BS Võ Hồng Minh Công, Trưởng Khoa nội tiêu hóa, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM, cho biết: “Những loại thuốc được nhiều người cho là giải rượu thực tế là thực phẩm chức năng. Hiện chưa có loại thuốc giải rượu nào chính thống được công nhận, người dân nên cẩn trọng tìm hiểu để không bị ngộ nhận”. Theo các nghiên cứu, liều lượng cho phép đối với bia là 300 ml/ngày, với rượu mạnh là 50 ml/ngày và rượu vang là 150 ml/ngày. Cũng theo BS Công, bình thường khi uống rượu vào, alcohol sẽ chuyển hóa thành andehit nhưng theo cơ chế của các loại thuốc này thì rượu sẽ chuyển thành chất giống như giấm. Trong khi đó, giấm là chất chua, uống nhiều sẽ tổn thương đến dạ dày. “Trong thành phần của thuốc giải rượu chứa các khoáng chất như vitamin B1, B12, acid folic... Thường người uống rượu bia lâu ngày sẽ bị thiếu những chất này, khi đó thuốc sẽ giúp họ bổ sung khoáng chất chứ không có tác dụng giải rượu. Tuy nhiên, không nên lạm dụng thuốc để tránh tác dụng phụ” - BS Công giải thích. Khi uống quá liều lượng cho phép, rượu bia sẽ gây ra những tác hại cho cơ thể. Nếu người sử dụng rượu bia chủ quan cho rằng cứ uống “vô tư” vì đã có thuốc giải hậu quả sẽ khôn lường. “Uống rượu thời gian dài sẽ dẫn đến gan nhiễm mỡ, viêm gan, xơ gan và cuối cùng là ung thư gan. Triệu chứng của ung thư gan giai đoạn đầu rất kín đáo, hầu như không phát hiện được. Đến khi phát hiện ra là đã ở giai đoạn muộn. Lúc này, dù có ngưng rượu bia thì gan cũng không trở lại bình thường được nữa” - BS Công khuyến cáo. Uống rượu bia với liều lượng cho phép tốt cho hệ tiêu hóa và tim mạch. Khi lỡ uống nhiều rượu bia, cách đào thải chúng ra khỏi cơ thể nhanh nhất, an toàn nhất là uống nhiều nước. Khi đó, độ lọc cầu thận sẽ tăng lên, đẩy được cồn trong rượu bia ra ngoài nhanh hơn. TS-BS VÕ HỒNG MINH CÔNG, Trưởng Khoa nội tiêu hóa, BV Nhân dân Gia Định TP.HCM Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .