Công nhân Công ty PouYuen bức xúc vì bị mất việc nhưng tiền do công ty hỗ trợ vẫn bị thu thuế TNCN 10% - Ảnh: HOÀNG AN Thu thuế khoản trợ cấp là "thiếu tình" Số tiền do công ty hỗ trợ sẽ dao động từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, tùy thuộc vào thâm niên làm việc. Đối với các công nhân là số tiền rất lớn, nhưng nhận số tiền này họ đối diện với tương lai mịt mù vì trong hoàn cảnh hiện nay không biết bao giờ mới tìm được việc làm mới. Làm việc ở Công ty PouYuen VN hơn 18 năm, có mức lương bình quân 6 tháng liền kề là 10,5 triệu đồng/tháng, bà M. (giấu tên) được nhận trợ cấp thôi việc hơn 194 triệu đồng, trong đó có 39 triệu đồng là tiền trợ cấp thôi việc do Nhà nước chi trả và 154 triệu do công ty trả. Tuy nhiên, bà M. chỉ thực nhận hơn 178,5 triệu đồng do số tiền hơn 154 triệu do công ty trả bị khấu trừ thuế TNCN 10%. Cũng như bà M., sau khi nhận "Bảng lương trợ cấp thôi việc", nhiều công nhân Công ty PouYuen Việt Nam bị mất việc đợt này đều cho biết rất bất ngờ khi bị khấu trừ thuế TNCN 10% với phần thu nhập chênh lệch do công ty hỗ trợ thêm. Phía công ty giải thích là làm theo quy định của cơ quan thuế. Cuối năm nếu thu nhập sau khi tính giảm trừ cho bản thân và người phụ thuộc chưa đến mức nộp thuế, họ có thể làm thủ tục quyết toán để nhận lại số tiền thừa đã nộp. Mặt khác, những khoản thu nhập này cũng chưa chi trả mà phải đợi đến tháng 8 khi kết thúc hợp đồng lao động mới chi trả, còn hiện nay công ty mới chỉ thông báo cho người lao động. Tuy nhiên, các công nhân vẫn phản ứng vì cho rằng sau khi nhận khoản thu nhập này, họ đối mặt với tương lai bất định vì không biết đến khi nào mới tìm được việc. Do vậy họ cần khoản tiền này để chi xài trong thời gian tìm việc làm mới chứ không thể chờ đến tháng 3-2021 rồi đi làm hồ sơ hoàn xin hoàn thuế TNCN. "Thời gian qua Chính phủ đã có hàng loạt gói hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi COVID-19. Sao cơ quan thuế không linh động hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do dịch COVID mà cứ nói "làm theo luật""?, bà B. - một công nhân mất việc - bức xúc. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Đỗ Đình Thiện - phó chủ tịch UBND quận Bình Tân - cho biết quận đã có văn bản báo cáo UBND TP.HCM trong đó kiến nghị phía cơ quan thuế xem xét ý kiến của các công nhân về việc không thu 10% thuế TNCN đối với khoản trợ cấp do Công ty PouYuen chi trả hoặc có chính sách giảm thuế. "Việc trừ thuế TNCN là làm theo luật nhưng cũng phải xét đến hoàn cảnh của các công nhân vì họ mất việc làm, do vậy nên có chính sách miễn giảm thuế cho họ. Chính phủ đã có gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng cho người lao động gặp khó khăn do dịch COVID-19, trong khi khoản thuế TNCN từ các công nhân Công ty PouYuen đâu là bao nếu so với gói này, do vậy nên có chính sách hỗ trợ họ. Nếu chỉ căn cứ vào luật thì chưa ổn vì thời điểm ban hành luật đâu ai lường trước có dịch COVID-19", ông Thiện nói. Theo các công nhân, nhận được số tiền hỗ trợ nhưng họ đối diện với tương lai bất định, không biết khi nào mới có việc mới - Ảnh: HOÀNG AN Cần có giải pháp linh động Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Văn Được - tổng giám đốc Công ty TNHH kế toán và tư vấn thuế Trọng Tín - cho biết khoản tiền hỗ trợ được chi trả cùng tháng hoặc cùng quý mà người lao động còn làm việc có thể được xử lý linh động bằng cách tính theo biểu thuế lũy tiến từng phần hoặc cho người lao động làm cam kết nếu thu nhập sau khi trừ các khoản giảm trừ gia cảnh không đến mức phải nộp thuế TNCN. Theo ông Được, nếu cứ tạm khấu trừ, cơ quan thuế "chắc ăn" do đã tạm thu trước, sau đó hoàn thuế nếu các khoản thu nhập của những lao động này tổng hợp vào cuối năm chưa đến mức nộp thuế. Nhưng như vậy, cơ quan chi trả phải cấp gần 3.000 chứng từ khấu trừ, cơ quan thuế phải ký vài chục ngàn chữ ký để thực hiện theo quy trình hoàn thuế, tốn kém công sức, tiền bạc của cả người nộp thuế lẫn cơ quan thuế. "Chưa kể những lao động này bị chiếm dụng thuế suốt 8 tháng, từ tháng 8-2020 (thời điểm dự kiến khoản hỗ trợ được chi trả) đến tháng 3-2021 trong khi họ rất cần tiền để trang trải cuộc sống trong hoàn cảnh thất nghiệp. Theo tôi, nên có giải pháp xử lý linh hoạt không chỉ cho các công nhân PouYuen mà cả những công nhân tại công ty khác bị lâm vào cảnh thất nghiệp", ông Được đề xuất. Ông Lê Duy Minh - cục trưởng Cục Thuế TP.HCM - cho biết sau khi chỉ đạo các phòng kiểm tra lại các số liệu khấu trừ thuế của Công ty PouYuen Việt Nam, Cục Thuế TP đã có báo cáo lên Tổng cục Thuế để Tổng cục Thuế và Bộ Tài chính xem xét, cân nhắc về vấn đề này. Trong khi đó, TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia tài chính, đề nghị không thu thuế khoản trợ cấp này của người lao động, bởi đây là khoản trợ cấp thất nghiệp chứ không phải thu nhập thường xuyên. Hơn nữa, đây là bối cảnh đặc biệt, do ảnh hưởng bởi đại dịch mà doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất dẫn đến người lao động bị mất việc. Không phải nộp thuế? Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo ngành thuế cho biết theo quy định của Luật thuế TNCN và Bộ luật Lao động, khoản trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp thôi việc tương ứng một năm tối đa không quá 1 tháng lương sẽ không bị tính thuế TNCN. Chẳng hạn, người lao động có thâm niên 10 năm làm việc tại doanh nghiệp, nay bị mất việc và được trợ cấp 10 tháng lương và khoản trợ cấp này không phải tính thuế TNCN. Trường hợp người lao động được trợ cấp cao hơn mức tối đa 1 tháng lương/năm sẽ phải tạm tính thuế phần vượt này. Tuy nhiên, chỉ tạm tính thuế đối với phần cao hơn mỗi năm 1 tháng lương. Đến thời điểm quyết toán thuế năm, cơ quan thuế sẽ hoàn lại cho người lao động nếu tiền tạm nộp nhiều hơn số thuế phải nộp và thu thêm nếu chưa nộp đủ. Về mức thuế, Tổng cục Thuế cho hay nếu trợ cấp khi còn hợp đồng lao động, mức tính thuế tạm tính sẽ theo biểu thuế lũy tiến từng phần. Giả sử thời gian trả trợ cấp là 24-6 và chấm dứt là ngày 6-8 thì tiền thuế sẽ được tạm tính theo biểu thuế lũy tiến. Còn trường hợp trả trợ cấp sau khi chấm dứt hợp đồng, mức thuế tạm tính là 10% thu nhập. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .