Từ ngày 1-3, Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định các cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Các cơ sở y tế có 12 giờ để cập nhật hồ sơ bệnh án điện tử cho bệnh nhân kể từ khi có y lệnh khám bệnh, chữa bệnh. Trước ngày 31-12-2030, tất cả cơ sở KCB trên toàn quốc phải hoàn thành việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử. Ghi nhận tại TP.HCM, trước khi có quy định về lộ trình áp dụng bệnh án điện tử, một số bệnh viện (BV) đã “đi tắt đón đầu” triển khai bệnh án điện tử và mang lại sự hài lòng cho người dân. Không phải kè kè sổ khám bệnh “Bây giờ thì mỗi lần vào BV khám hoặc tái khám, tôi chỉ cần mang thẻ bảo hiểm y tế và chứng minh nhân dân. Khi vào khám thì bác sĩ mở bệnh án điện tử ra, trong đó có hết thông tin ở các lần khám trước nên bác sĩ chỉ hỏi những thông tin mới hoặc điều chỉnh thuốc cho phù hợp, đỡ mất thời gian nhiều. Tôi cảm thấy các BV đều áp dụng bệnh án điện tử và có sự liên thông, đồng bộ thì sẽ rất đỡ phiền hà cho người dân” - chị Nguyễn Thị Kim Dung (32 tuổi, ngụ quận 9) cho biết. chị thường xuyên đi khám và đưa con khám bệnh ở BV quận Thủ Đức (TP.HCM). Không chờ khi có lộ trình về bệnh án điện tử ra đời, BV quận Thủ Đức được biết đến là BV đầu tiên ở Việt Nam thí điểm sử dụng bệnh án điện tử trong KCB và thực hiện cuốn chiếu từ năm 2008. Từ khi có quy định về bệnh án điện tử, BV cho biết sẽ xin thẩm định không in bệnh án giấy nữa. BS Trần Nguyễn Ái Thanh, Trưởng khoa Nội tổng quát của BV, cho hay trong thời gian đầu thực hiện, BV gặp rất nhiều khó khăn, các y, bác sĩ, nhân viên khoa thường xuyên phải làm gấp đôi công việc vì triển khai bệnh án giấy và bệnh án điện tử song song. “Việc không lưu được dữ liệu hoặc mất dữ liệu thường xuyên xảy ra. Có nhiều trường hợp khi đã làm xong hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân nhưng ký chữ ký điện tử không sử dụng được, dữ liệu bị mất, nhân viên y tế phải sao chép lại từ bệnh án giấy. Sau khi thực hiện tại một số khoa thành công thì chúng tôi mới lan ra các khoa khác” - BS Thanh chia sẻ. Bổ sung thêm, ThS Huỳnh Mỹ Thư, Trưởng phòng Quản lý chất lượng của BV, cho biết: “BV luôn có phương án dự phòng là trong trường hợp trục trặc mạng thì BV sẽ chuyển sang phương án thực hiện offline như thế nào và giải quyết cho bệnh nhân ra sao. BV đã diễn tập để đảm bảo nhân viên khi gặp sự cố này có thể biết để xử lý vấn đề”. Người dân đi khám bệnh tại BV quận Thủ Đức, TP.HCM không cần mang theo sổ khám bệnh. Ảnh: HL Tiến đến bỏ lưu trữ hồ sơ giấy khổng lồ Bắt đầu triển khai bệnh án điện tử từ năm 2017, BS Âu Thanh Tùng, Trưởng khoa Khám bệnh BV ĐH Y Dược TP.HCM, cho hay việc áp dụng bệnh án điện tử giúp bác sĩ gần như dành hết thời gian để khám bệnh và tư vấn cho bệnh nhân. Tại BV, tất cả việc liên quan đến hành chính như chuẩn bị giấy tờ, hồ sơ nhập liệu lên bệnh án điện tử đều do nhân viên hành chính làm. Ngoài ra, BV cũng xây dựng bệnh án điện tử có các tiện ích cho phép cảnh báo các trường hợp dị ứng thuốc, tương tác thuốc, phụ nữ có thai, đánh giá tình trạng dinh dưỡng, chủ động liên kết thông tin người bệnh đến tổng kết xuất viện trong bệnh án, liên kết các thông tin tường trình phẫu thuật, tìm kiếm kết quả xét nghiệm dễ dàng… “Bệnh án điện tử tại BV là phần mềm giúp việc hiệu quả khi hỗ trợ bác sĩ kê toa, nhận biết các thuốc trong danh mục bảo hiểm y tế cho bệnh nhân, tương tác các loại thuốc như thế nào vì mỗi bác sĩ chỉ học và nhớ số lượng thuốc, tương tác thuốc có hạn trong khi tương tác thuốc rất nhiều. Sau đó, tất cả y lệnh, thuốc men sẽ đi thẳng vào hệ thống và đưa xuống bộ phận dược, bộ phận này soạn ra và phát lên không cần qua trung gian như trước kia” - BS Tùng cho hay. Tại BV Nhân dân Gia Định (TP.HCM), BS Nguyễn Ánh Tuyết, Phó Giám đốc BV, cho hay trước đó, để chuẩn bị cho bệnh án điện tử, BV đã tiến hành quản lý và lưu trữ hầu như toàn bộ thông tin điều trị của bệnh nhân trên hệ thống phần mềm của BV. Ngoài ra, tại BV đã triển khai hệ thống lưu trữ truyền tải hình ảnh y khoa, xét nghiệm thay cho việc in phim là điều kiện thuận lợi cho việc hoàn thiện bệnh án điện tử. BV sẽ tiếp tục nâng cấp phần mềm, bổ sung hoàn chỉnh bệnh án điện tử. Tuy nhiên, BS Tuyết cũng cho hay hiện mỗi đơn vị tự mày mò, liên hệ các đơn vị cung cấp viết phần mềm bệnh án điện tử nên gặp nhiều khó khăn. BS Tuyết mong muốn trong lộ trình xây dựng bệnh án điện tử cần có đầu tư xây dựng hệ thống bệnh án điện tử chung toàn TP, giúp kết nối dữ liệu giữa các cơ sở y tế, giúp bệnh nhân ở đâu cũng có thể tra cứu được thông tin bệnh án của mình. Đánh giá về lộ trình thực hiện bệnh án điện tử, PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho hay lộ trình là cơ sở pháp lý thuận lợi cho các BV triển khai bệnh án điện tử. Đây cũng là động lực thúc đẩy các BV sớm hoàn thành lộ trình. 66 trạm y tế xã chưa thể bỏ sổ khám bệnh giấy Hiện nay có 66 cơ sở y tế chưa thể bỏ sổ khám bệnh bằng giấy, trong đó là những xã chưa có điện. Việc liên thông dữ liệu giữa các cơ sở y tế trong cả nước cũng chưa được thực hiện vì các đơn vị đang sử dụng phần mềm riêng. Trong khi đó, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) vẫn đang trong quá trình làm một phần mềm để thống nhất trên toàn quốc. Còn nhiều vấn đề cần thống nhất để liên thông Việc lưu trữ hồ sơ giấy gặp nhiều khó khăn khi quy định mới lưu trữ hồ sơ 15-20 năm thì số lượng hồ sơ giấy lưu trữ sẽ rất khổng lồ, lục tìm rất mất thời gian. Việc thực hiện bệnh án điện tử trước mắt được thực hiện tại mỗi BV, còn tính đến chuyện liên thông thì sẽ còn nhiều vấn đề cần thống nhất. PGS-TS TĂNG CHÍ THƯỢNG, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .