TP.HCM chuẩn bị mở lại hoạt động kinh doanh sau dịch COVID Chiều 20-4, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ ngành, địa phương để nghe báo cáo tình hình và tiếp tục triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong thời gian tới. Ông Nguyễn Thành Phong - Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết TP.HCM đang chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế khi hết cách ly xã hội. Ảnh: TTBC Một bộ phận người dân còn chủ quan, lơ là Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, cho biết hiện nay TP đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. TP có 54 trường hợp nhiễm COVID-19 trong đó đã có 51 trường hợp được điều trị khỏi và còn 3 trường hợp đang được tiếp tục điều trị. Ông Phong cho biết, trải qua 20 ngày cách ly xã hội nhưng TP đã có 17 ngày không phát hiện ca bệnh mới. Điều này một lần nữa khẳng định việc thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng là yếu tố mang đến thành công trong công tác phòng chống dịch. Cũng trong thời gian cách ly xã hội, tình hình mua sắm tại các chợ, cửa hàng, siêu thị giữ ở mức ổn định, hàng hóa cung ứng dồi dào, đa dạng. Chưa phát hiện người dân thu gom tích trữ hàng hóa và tăng giá đột biến. Theo ông Phong, phần lớn người dân tuân thủ giãn cách xã hội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ phận người dân chủ quan lơ là đối với công tác phòng chống dịch như một số quán cafe nhỏ đã bắt đầu bán lại, có 3-5 người dân tụ tập ngồi uống cafe; xuất hiện các nhóm nhậu tự phát trên đường; các siêu thị, chợ truyền thống còn tập trung đông người; nhiều người dân tập thể dục không mang khẩu trang… Trước tình trạng đó, ông Phong cho biết TP.HCM đã chấn chỉnh, tăng cường lực lượng tuần tra nhắc nhở xử phạt những trường hợp có biểu hiện lơ là cũng như kiểm tra việc giãn cách xã hội ở các siêu thị, chợ truyền thống, chợ đầu mối. Cụ thể như lực lượng chức năng đã giải tán 153 trường hợp tụ tập đông người ở nơi công cộng, nhắc nhở 325 cơ sở kinh doanh dịch vụ và 15 cơ sở sinh hoạt công giáo; yêu cầu thực hiện tốt chủ trương giãn cách xã hội. “Tính từ lúc phát hiện ca nhiễm đầu tiên ngày 23-1, TP.HCM đã trải qua 100 ngày đêm chiến đấu với dịch bệnh với nhiều khó khăn và thử thách. Đây là dịch bệnh mới, chưa có thuốc điều trị, lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, mọi thứ mới mẻ, lạ lẫm và chưa có tiền lệ, chỉ cần sai lệch một bước sẽ phải trả giá rất đắt và không thể làm lại”- ông Phong nói. Theo ông Phong, để đạt được kết quả tốt cho đến thời điểm này là cả một quá trình nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng với sự đồng tình, ủng hộ của người dân TP. TP.HCM cũng đặt ra nguyên tắc luôn phải cảnh giác cao, không được chủ quan lơ là, kiên định 6 nguyên tắc chống dịch và phương châm 5 tại chỗ, có biện pháp thận trọng, phù hợp để từng bước đưa nhịp sống trở lại bình thường. Để bảo vệ những thành quả dày công thực hiện trong suốt thời gian qua, ông Phong kiến nghị Thủ tướng tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 và kết thúc vào ngày 22-4, sau đó chuyển sang địa phương thuộc nhóm "có nguy cơ" thực hiện Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Ông cũng kiến nghị Thủ tướng ban hành một chỉ thị mới với tinh thần mọi hoạt động phải có quy định an toàn phòng chống dịch. Ví dụ quy chế doanh nghiệp an toàn dịch; trường học an toàn dịch; đeo khẩu trang, rửa tay, khoảng cách, quy mô hoạt động của người dân và những cam kết hoạt động đi lại. Đồng thời, cần tái lập lại tình trạng bình thường mới. Tổ chức lực lượng phản ứng nhanh Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho rằng tuy không còn ổ dịch cộng đồng nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Bên cạnh việc chuẩn bị kỹ các phương án, biện pháp tái khởi động lại các hoạt động kinh tế, TP sẽ tiếp tục tập trung vào các nội dung trọng tâm phòng chống dịch, như: tổ chức lực lượng đội phản ứng nhanh cấp TP, 24 đội phản ứng nhanh cấp quận - huyện, 322 đội phản ứng nhanh các xã - phường - thị trấn để kiểm tra việc tuân thủ giãn cách xã hội. Ngoài ra, TP sẽ bố trí lực lượng chức năng túc trực tại các chợ truyền thống, chợ đầu mối để kiểm tra việc giãn cách xã hội, xử phạt và từ chối cho vào chợ nếu người dân không mang khẩu trang. TP cũng tiến hành xử phạt hành vi không mang khẩu trang, thông qua hệ thống camera trên toàn địa bàn TP, qua đường dây nóng. Trung tâm chỉ huy khẩn cấp của TP sẽ tiếp nhận ý kiến của người dân và chuyển qua đội phản ứng nhanh những phản ánh của người dân trong vấn đề thực hiện giãn cách xã hội. TP cũng sẽ triển khai những hoạt động đảm bảo an toàn chính trị, an ninh trật tự xã hội; đồng loạt triển khai lực lượng cảnh sát giao thông tại 24 quận huyện để tuần tra việc chấp hành an toàn giao thông trong thời gian giãn cách xã hội; kéo dài đợt cao điểm tấn công tội phạm cho tới khi Chính phủ công bố hết dịch. “TP.HCM đang chuẩn bị sẵn mọi điều kiện để đẩy mạnh việc phát triển kinh tế khi hết cách ly xã hội nhằm thực hiện mục tiêu kép. TP đang nghiên cứu mở dần một số hoạt động thiết yếu, ít nguy cơ lây nhiễm gắn với bộ tiêu chí kiểm soát dịch bệnh trong từng ngành, lĩnh vực trên cơ sở hết sức thận trọng, cân nhắc nhiều mặt; thí điểm, đánh giá đa chiều và triển khai từng bước sau đó mới nhân rộng” – ông Phong nói. Cụ thể, tổ chức thí điểm đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ, có quy mô nhỏ, sau đó sẽ tổng kết, đánh giá và nhân rộng. Đối với các ngành kinh doanh ít nguy cơ nhưng có quy mô lớn thì tổ chức thí điểm 30 ngày, sau đó tổng kết đánh giá, nhân rộng. Ngoài ra, tùy tình hình diễn biến của dịch bệnh, TP sẽ điều chỉnh thời gian thí điểm, nhân rộng và cho phép mở rộng các cơ sở kinh doanh trên địa bàn. Về việc chuẩn bị cho học sinh đi học trở lại, ông Phong cho biết TP đang triển khai Bộ tiêu chí an toàn trong trường học, gắn với trách nhiệm của phụ huynh, nhà trường và học sinh cũng như chính quyền địa phương trong việc phòng chống dịch COVID-19. "Đảm bảo nguyên tắc triển khai từng bước an toàn, an tâm thì học sinh mới đi học trở lại" - ông Phong nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .