TP.HCM đề xuất bốn trụ cột để tăng tốc phát triển Sáng 23-8, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc của Ban cán sự đảng Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM để góp ý dự thảo Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025. Đổi mới mô hình phát triển Tại hội nghị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nếu muốn TP tăng tốc trong thời gian tới thì phải đổi mới mô hình phát triển. Mô hình đó dựa trên bốn trụ cột (bốn đề án) là: 1. Hình thành một khu đô thị sáng tạo phía đông và thành lập TP Thủ Đức, đây là hạt nhân phát triển kinh tế TP; 2. Thực hiện chính quyền đô thị để quản lý TP trên dưới 10 triệu dân được hiệu quả, chặt chẽ; 3. Xây dựng TP.HCM trở thành trung tâm tài chính của khu vực và quốc tế; 4. Điều chỉnh tăng tỉ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Phát biểu kết luận, Thủ tướng bày tỏ ủng hộ bốn đề án trên của TP.HCM. Về đề án thành lập đô thị sáng tạo phía đông và TP Thủ Đức, Thủ tướng giao Bộ Nội vụ phối hợp chặt chẽ với TP.HCM, các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện đề án, chú ý các yếu tố quy hoạch, huy động nguồn lực, phương thức quản lý, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định. Với đề án phát triển trung tâm tài chính TP.HCM, Thủ tướng đề nghị TP.HCM và các bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu kỹ, đánh giá tác động ảnh hưởng, đặc biệt lưu ý các điều kiện cần thiết, công cụ, phương pháp tổ chức quản lý, huy động nguồn lực quốc tế và trong nước để phát triển trung tâm tài chính này. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Bí thư TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP Kỳ vọng của cả nước đối với TP.HCM là rất lớn Phát biểu tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nội dung dự thảo văn kiện của TP.HCM cho thấy sự kết tinh trí tuệ, công sức của Đảng bộ và nhân dân TP, thể hiện được những tư tưởng lớn, tầm nhìn, định hướng lớn cùng với hệ thống các giải pháp tương đối sâu sắc và toàn diện với 24 chỉ tiêu phát triển cụ thể. Theo Thủ tướng, bảy nhiệm vụ, giải pháp lớn chủ yếu, đặc biệt là bốn đề án phát triển bao quát sự tăng trưởng, phát triển, hội nhập quốc tế của TP.HCM trong giai đoạn mới. “Đây là sự vận dụng sáng tạo, là đặc thù của TP.HCM so với các địa phương khác và thể hiện vai trò trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước trên tinh thần “TP.HCM vì cả nước, cả nước vì TP.HCM”” - Thủ tướng nói và cho rằng trong bối cảnh khó khăn hiện nay, kỳ vọng của cả nước đối với sự phát triển của TP.HCM là rất lớn. Từ đó, Thủ tướng đề nghị TP rà soát kỹ, bổ sung một số nội dung về chủ đề đại hội. Chẳng hạn, về huy động sử dụng mọi nguồn lực, Thủ tướng cho rằng không chỉ huy động mà phải sử dụng có hiệu quả. TP.HCM cũng phải đặt vấn đề đổi mới sáng tạo gắn với cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Mục tiêu, định hướng phát triển TP trong 5-10 năm tới và tầm nhìn đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước là nội hàm đặc biệt quan trọng với TP. Cạnh đó, theo Thủ tướng, với vai trò là trung tâm, đầu tàu kinh tế của cả nước, có vị thế quan trọng ở khu vực Đông Nam Á và châu Á, TP.HCM phải áp dụng các tiêu chí về phát triển bền vững (SDGs) đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc. “Nếu TP cứ đi theo mô hình cũ thì khó có thể phát triển, nếu không đổi mới cách làm, không có sự tăng năng suất lao động cần thiết thì GRDP của các địa phương khác có thể bắt kịp và vượt TP.HCM” - Thủ tướng nói. Do đó, Thủ tướng mong muốn với vị thế của mình, TP.HCM cần dẫn đầu về vấn đề này. Cụ thể, môi trường đầu tư cần thông thoáng, cởi mở, thu hút hơn nữa. Một nguy cơ nữa là với cơ cấu dân số và tỉ lệ sinh hiện nay thì trong khoảng 15 năm nữa TP.HCM sẽ đối mặt tình trạng già hóa dân số, mất cân bằng giới tính. Đội ngũ cán bộ, năng lực quản trị một TP 15 triệu dân là điểm then chốt để TP.HCM có thể thành công. Cùng đó, việc lựa chọn cán bộ giỏi, vừa có đức vừa có tài để gánh vác sứ mệnh của TP là vô cùng quan trọng. Về mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2020-2025, Thủ tướng đề nghị TP phân tích, đánh giá rõ hơn yếu tố bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của TP, từ đó đề ra giải pháp, nhất là vấn đề khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực, hạ tầng, thách thức về biến đổi khí hậu… “Tôi đề nghị các đồng chí cân nhắc mục tiêu phấn đấu sớm trở thành TP công nghiệp thông minh, hiện đại, hội nhập, trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính có tầm khu vực và toàn cầu” - Thủ tướng nói. Chính phủ quyết liệt gỡ vướng, TP quyết tâm vượt khó Theo Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, thời gian qua Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt giúp TP khắc phục nhiều khó khăn. Thứ nhất, xung quanh vấn đề Thủ Thiêm, với sự vào cuộc quyết liệt của Thanh tra Chính phủ, các bộ, ngành, tình hình cơ bản đã được giải quyết. Thứ hai, xung quanh các dự án lớn của TP như dự án chống ngập, dự án đường sắt đô thị số 1, số 2… những dự án đầu tư công lớn đã được Chính phủ quan tâm tháo gỡ. Thứ ba, với sự đồng tâm và ủng hộ quyết liệt của Chính phủ, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP… “Có thể nói nhiều tháo gỡ từ trung ương, Chính phủ trong ba năm qua đã giúp cho TP rất nhiều trong việc phát triển và có được vị trí hôm nay. Đáp lại yêu cầu của Đảng, Chính phủ, TP đã phát huy khả năng, điều kiện của mình, khắc phục khó khăn, giữ vững được vai trò đầu tàu kinh tế, trung tâm kinh tế lớn nhất của cả nước, tỉ lệ đóng góp trên 23% kinh tế cả nước. Đặc biệt là ngân sách, giữ vững trách nhiệm là người đóng góp ngân sách lớn nhất cả nước, vào khoảng 27,5%, giữ vững được an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội” - Bí thư Thành ủy nói. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .