Các doanh nghiệp bất động sản cho biết nhu cầu nhà ở giá rẻ, nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp tại TP.HCM đang rất lớn. Hiện doanh nghiệp đủ năng lực, đủ điều kiện về quỹ đất để làm NƠXH nhưng cần sự hỗ trợ từ Nhà nước về chính sách, thủ tục hành chính nhanh, gọn, lẹ. Căn hộ giá 300 triệu đồng trong tầm tay Ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại xây dựng Lê Thành, cho biết cách đây khoảng năm năm Bình Dương đã làm được nhà ở giá rẻ trên 100 triệu đồng/căn với diện tích sử dụng khoảng 30 m2. Để làm được điều này, Bình Dương đã lên đề án đến cả chục năm. Muốn xây được những dự án căn hộ giá rẻ như vậy tại TP.HCM thì mức giá phải trên 300 triệu đồng/căn. Tuy nhiên, theo ông Nghĩa, nhà giá rẻ hay NƠXH rất khó làm được tại TP.HCM. Lý do là doanh nghiệp tự mua đất, tự xây dựng, tự làm được hết nhưng vấn đề là cơ chế, chính sách khó khăn khiến việc làm dự án nhà giá rẻ khó triển khai. Hiện tại doanh nghiệp không thấy có cơ chế nào hỗ trợ cho nhà giá rẻ. Ông Nghĩa dẫn chứng dự án NƠXH Lê Thành Tân Kiên ở huyện Bình Chánh. Doanh nghiệp nộp hồ sơ dự án xin chủ trương chấp thuận đầu tư cơ bản từ tháng 3-2019 nhưng đến nay vẫn chưa “nhúc nhích”. Chưa kể xong công đoạn này còn các thủ tục duyệt quy hoạch, qua Sở Xây dựng…, không biết bao lâu mới xong được hồ sơ pháp lý để thi công. “Giá NƠXH của chúng tôi là dạng căn hộ cho thuê 50 năm, dao động khoảng 500 triệu đồng/căn có diện tích hơn 40 m2. Nếu TP.HCM có chính sách phát triển nhà ở giá rẻ diện tích khoảng 20-25 m2/căn thì có thể giá bán cho người dân chỉ khoảng 300-350 triệu đồng/căn ở thời điểm này” - ông Nghĩa nói. Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), cho biết năm 2016 HoREA đã có báo cáo kiến nghị gửi TP.HCM, các bộ, ngành, Chính phủ về vấn đề NƠXH cho người thu nhập thấp. Theo đó, TP.HCM hoàn toàn có thể làm được 10.000 căn NƠXH giá vài trăm triệu đồng như ở Bình Dương khi mà quỹ đất công, đất tại các khu công nghiệp, khu chế xuất… đã được đầu tư đầy đủ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. TP có thể làm được nhà ở giá rẻ diện tích 30 m2 (20 m2 sàn và 10 m2 gác lửng) giá 300 triệu đồng nếu khu vực đó có các điều kiện tương đồng như tỉnh Bình Dương. Các điều kiện này là có sẵn hệ thống hạ tầng giao thông; ở cạnh các khu công nghiệp, nơi làm việc; đã có các tiện ích, dịch vụ cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ… “Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao cần phát triển nhiều NƠXH cho thuê có diện tích 25-50 m2 để phù hợp với nhu cầu thực tế của người lao động. Với đặc thù của TP, HoREA đề nghị tập trung phát triển chủ yếu là loại căn hộ 1-2 phòng ngủ, diện tích 25-77 m2, giá 300 triệu đồng đến dưới một tỉ đồng” - ông Châu đề xuất. Khách hàng đang tham quan một mẫu nhà giá rẻ dành cho người thu nhập thấp ở TP.HCM. Ảnh: HTD Muốn giảm giá nhà phải giảm nhiều thứ Ông Châu cho rằng việc làm nhà ở giá rẻ còn gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất, tiền sử dụng đất hiện nay chiếm trên dưới 10% giá nhà nếu là dự án căn hộ chung cư bình dân. Đối với nhà phố, tiền sử dụng đất chiếm tới 30% giá, còn biệt thự là hơn 50%. “Giảm tiền sử dụng đất thì giá nhà mới có thể giảm. Hiện nay tiền sử dụng đất được thu theo kiểu tận thu, như vậy rất khó có nhà giá rẻ. Thứ hai, quá nhiều loại thuế phải giảm bớt, rà soát lại để tránh thuế chồng thuế. Vấn đề thứ ba, thủ tục hành chính kéo dài khiến chi phí dự án tăng lên. Rút ngắn thủ tục mới mong giảm được giá thành” - ông Châu chỉ rõ. Ngoài ra, Nhà nước cần kiểm soát quản lý được giá cả thị trường, giá vật liệu xây dựng “sốt” sẽ đẩy giá nhà, đất tăng. Phân tích thêm, giám đốc Công ty Lê Thành cũng cho biết cơ cấu giá thành căn hộ bao gồm: Tiền bồi thường đất, tiền sử dụng đất, cơ sở hạ tầng, san lấp đường sá, điện nước, chi phí thiết kế, xây dựng, khoản vay và nhiều chi phí khác. Muốn giảm giá căn hộ phải tìm cách giảm giá các thành tố trên. Tuy nhiên, cái khó hiện nay là thủ tục về đầu tư, xây dựng quá lâu, tốn quá nhiều thời gian, chi phí. Doanh nghiệp rất cần Nhà nước hỗ trợ để khâu giấy tờ có thể nhanh nhất. Ông Nghĩa góp ý có thể trong quá trình quy hoạch khu công nghiệp sẽ quy hoạch sẵn dự án nhà ở cho công nhân. Đất đó được cho không để doanh nghiệp làm nhà ở cho công nhân và được xây dựng cơ sở hạ tầng. Doanh nghiệp không phải đổ chi phí cho tiền đất và hạ tầng, giá xây dựng thấp thì giá căn hộ sẽ giảm xuống mức thấp nhất. Theo ông Lê Hoàng Châu, một chuyện phi lý là giá nhà tại Việt Nam đang cao hơn 20-25 lần so với thu nhập bình quân của xã hội. Trong khi ở các nước phát triển, giá nhà chỉ cao hơn khoảng 5-7 lần thu nhập bình quân của người dân. Ngoài ra, chi phí lãi vay mua nhà ở các nước phát triển rất thấp, đều dưới 3%/năm, có nước chưa tới 1%. Còn ở Việt Nam, lãi vay mua NƠXH được ưu đãi nhất cũng 4,8%-5% mà vẫn khó tiếp cận được. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .