TP.HCM: Nhiều nơi gỡ bỏ kính ngăn giữa dân-cán bộ Nhiều UBND phường, quận trên địa bàn TP.HCM đã gỡ bỏ tấm kính ngăn cách ở khu vực tiếp nhận hồ sơ. Dù đây là một hành động nhỏ nhưng mang lại ý nghĩa lớn trong công tác phục vụ người dân của chính quyền. Phường Bến Thành không ngăn kính mấy chục năm nay Tại UBND phường Bến Thành (quận 1), không khí tiếp dân tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ bao năm qua luôn thân thiện, gần gũi. Người dân đến mở cửa phòng làm việc đi vào là ngồi ngay vào ghế đối diện cán bộ phường để nộp hồ sơ, trao đổi việc này việc nọ một cách dễ dàng. Đã rất lâu rồi, ở phường này, người dân không phải chồm cúi qua vài chiếc lỗ như tổ ong trên tấm kính có khi dài đến 2 m để trao đổi với cán bộ. Nhìn nhận về việc này, ông Đoàn Thái Vũ (58 tuổi) cho biết đi đến chính quyền nhiều nơi thấy vẫn còn đặt tấm kính ở giữa ngăn cách cán bộ và người dân. Nhưng phường Bến Thành từ lâu nay đã không có tấm kính này. “Dĩ nhiên không có tấm kính thì bà con chúng tôi thích hơn. Vì cán bộ là người phục vụ nhân dân thì phải làm sao để gần gũi, tôn trọng người dân chứ. Nếu để tấm kính ngăn cách thì rõ ràng có sự phân biệt nào đó, gây khó chịu cho dân lắm” - ông Vũ nhìn nhận. Còn bà Nguyễn Thị Thu Hồng (50 tuổi) chia sẻ: “Không có tấm kính thì mọi người nói chuyện với nhau mới thoải mái, chứ cứ chồm qua ô cửa nhỏ thấy xa cách gì đâu”. “Không hiểu sao bây giờ còn có những nơi lại cứng nhắc đến vậy. Tôi đi nhiều nơi, có nơi đã làm bục cao 1 m, còn làm tấm kính cao đến 2 m nữa. Rồi một là đục mấy cái lỗ y hệt tổ ong, hai là khoanh một ô vuông để chúng tôi chồm vô nói chuyện, chuyển hồ sơ. Kín cổng cao tường như vậy, như sợ chúng tôi làm gì cán bộ hay sao? Thậm chí có nơi cán bộ ngồi trong máy lạnh mát mẻ, chúng tôi ngồi ngoài nóng gì đâu. Cái này chính quyền phải thay đổi thôi” - bà Hồng nói thêm. Nhiều cán bộ phường Bến Thành cho biết từ khi thành lập (khoảng năm 1989) đến nay, phường Bến Thành vốn dĩ không hề đặt tấm kính ở khu vực tiếp nhận hồ sơ. Dù cũng nhiều lần sửa chữa trụ sở nhưng không thay đổi điều này. Thời kỳ đó, quan điểm của lãnh đạo phường là tạo sự gần gũi với người dân và cán bộ phường, vì vậy không nên dựng tấm kính để làm hai bên thêm xa cách. UBND quận Thủ Đức (TP.HCM) đã tháo bỏ tấm kính ngăn cách ở bộ phận tiếp dân. Ảnh: THANH TUYỀN Quận Thủ Đức: Dân thấy gần gũi, thoải mái hơn Tại quận Thủ Đức, vừa qua, lãnh đạo UBND phường Hiệp Bình Phước cũng đã cho tháo tấm kính. Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (ngụ khu phố 4) đến phường nhận kết quả hồ sơ đã nhanh chóng nhận ra sự thay đổi này. “Ủa, sao hôm nay tấm kính đã được tháo rồi, ai làm cái này mà hay vậy?” - chị bất giác quay sang nói với người ngồi kế bên. Rồi chị tiếp: “Như vầy được nè, nói chuyện với nhau thoải mái quá trời, không có gò bó như trước, không bị bí bách hay phải cúi khom người xuống. Vậy thì khỏe quá, dân với cán bộ ngồi nói chuyện với nhau một cách bình đẳng, chứ hồi còn tấm kính thấy hơi xa cách”. Cùng cảm nhận như chị Thủy, bà Đỗ Thị Thuần (60 tuổi, người dân sống ở phường Hiệp Bình Phước) nói: “Thanh niên tụi nó đến đây nói to, rõ ràng nhiều khi mấy anh cán bộ còn không nghe được vì tấm kính nó cản trở; người già như tôi thì còn khổ sở hơn vì yếu rồi, nói to không nổi nên phải cúi người xuống, nhắc đi nhắc lại nhiều lần cán bộ mới nghe. Tôi tới phường làm giấy tờ rất nhiều lần, giờ thấy phường làm như vậy tốt quá rồi. Cảm giác đã gần nhau hơn, nghe nhau nói được rõ hơn đấy”. Ghi nhận tại bộ phận một cửa của UBND quận Thủ Đức, tấm kính cũng đã được tháo. Chị Lê Thị Hồng Linh (đang làm việc ở một công ty luật) hứng khởi: “Tôi thấy đó là một động thái tốt của chính quyền quận Thủ Đức, bởi giao tiếp với nhau mà bị cản trở thì khó có thể hiểu được câu chuyện của nhau được”. Còn chị Nguyễn Thị Quê, một người làm kinh doanh thường đến UBND quận để làm giấy tờ, chia sẻ vì nhiều lần nói chuyện với cán bộ mà cán bộ ngồi trong không nghe, lại còn hỏi đi hỏi lại mấy lần khiến chị rất bực bội. “Lúc đó dù mình vốn không ghét bỏ gì họ nhưng giao tiếp với nhau mà mình nói rồi, người ta không nghe rõ cứ hỏi đi hỏi lại khiến mình cũng bực bội, rồi cũng hơi khó chịu với cán bộ. Còn bây giờ thì khỏe, nói cũng nói trực tiếp với nhau, không bị chắn bởi tấm kính nên nghe rõ hơn, giấy tờ được đưa qua đưa lại cũng tiện hơn rất nhiều” - chị Quê cho hay. Người dân có thể quan sát, giám sát cán bộ Ông Đoàn Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND phường Bến Thành, nhìn nhận việc đặt hay không đặt tấm kính vốn dĩ không có quy định bắt buộc mà tự các cơ quan đặt ra. “Dựng tấm kính lên rồi khoét vài cái lỗ như vậy gây khó cho cả cán bộ và người dân. Nhiều lúc nói chuyện sẽ không nghe được. Không gian thoáng đãng thì bà con ngồi đó nói chuyện dễ dàng, tạo sự gần gũi. Không phải e dè, rụt rè gì với cán bộ hết. Nhiều người có tâm lý ngại đến cơ quan chính quyền, sợ cán bộ hoạnh họe. Nếu có tấm kính càng làm người dân ác cảm, khúm núm, lom khom” - ông Vinh nói. Chưa kể không có tấm kính người dân có thể dễ quan sát, giám sát cán bộ. Một cử chỉ, hành động, lời nói của cán bộ nếu không đúng mực cũng sẽ bị nhân dân phát hiện ra ngay. Cán bộ cũng sẽ không dám ngồi chơi điện thoại, tám chuyện, ăn uống trong giờ làm việc; từ đó cán bộ sẽ hoàn thiện bản thân hơn. Đặc biệt, không gian thoáng như vậy cũng khó xảy ra các vấn đề tiêu cực vì bất cứ hành động gì cũng sẽ bị thấy rõ. Một lãnh đạo UBND quận Thủ Đức cho hay trước đây ở bộ phận tiếp nhận hồ sơ của UBND quận luôn có một tấm kính làm vách ngăn. “Nhiều lần đi dạo vòng quanh phòng tiếp dân, chúng tôi nhận thấy mặc dù có ghế ngồi nhưng nhiều người dân vẫn đứng để nói chuyện với cán bộ hoặc vì tấm kính ngăn ra nên dân nói cán bộ không nghe rõ, hai bên giao tiếp với nhau có sự xa cách, người dân phải khom hẳn người xuống để nói thì mới nghe rõ cán bộ đang nói gì” - đại diện lãnh đạo quận Thủ Đức chia sẻ. Vị lãnh đạo này cũng nói thêm rằng cán bộ, công chức là người phục vụ dân thì không có lý gì khi dân đến giải quyết thủ tục lại phải đứng còn cán bộ thì ngồi, nhiều người dân đã lớn tuổi thì phải cúi người xuống mới nói chuyện được. “Đó phải là mối quan hệ của sự bình đẳng, thân thiện và gần gũi chứ không phải là sự ngăn cách qua một tấm kính” - vị này nói thêm. Chính vì thế mà phía Thường trực UBND quận Thủ Đức đã bắt tay vào thay đổi từ những điều nhỏ nhất trong văn phòng tiếp công dân: Từ việc điều chỉnh chiều cao của chiếc ghế, sau đó là tháo luôn tấm kính. “Việc tháo tấm kính giúp cả hai bên có cảm giác nhẹ nhàng, bình đẳng và thoải mái hơn trong giao tiếp. Điều này cũng giúp cán bộ gần dân hơn, lắng nghe và sâu sát với tiếng nói của người dân, hai bên gần gũi với nhau hơn để giải quyết vấn đề. Cán bộ cũng sẽ hiểu được trách nhiệm, ý thức rõ rằng anh là người phục vụ dân” - đại diện lãnh đạo quận Thủ Đức nói. Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM PHAN THỊ BÌNH THUẬN: Bỏ vách kính ở quầy tiếp nhận hồ sơ là phù hợp Sở Tư pháp TP.HCM hiện đã tháo dỡ tấm kính này ở bục tiếp nhận hồ sơ. Trao đổi với chúng tôi về sự thay đổi này, cô Cao Thị Út Chính (ngụ quận 5) đến trích lục giấy khai sinh tại Sở Tư pháp cho hay: “Trước đây đến Sở Tư pháp tôi cứ tưởng đến Ngân hàng Nhà nước không à, cái bục gỗ hơi cao mà còn dựng thêm tấm kính nữa. Vừa rồi bỏ tấm kính tôi thấy thoải mái gì đâu. Tôi cũng dễ nói chuyện, dễ tiếp cận với cán bộ. Nhiều lúc hồ sơ còn được bày cả ra bàn, hai bên trao đổi thuận tiện hơn rất nhiều. Hiện nay đi đâu cũng nghe nói cán bộ muốn gần dân hơn, vậy mà đến làm hồ sơ dân muốn gần cán bộ thì lại bị ngăn cách bởi tấm kính, gần dân sao được”. Chú Lý Đồng Thắng (Việt kiều Mỹ) nhìn nhận: “Tôi rất thích không gian như thế này. Tuy bục còn hơi cao nhưng không bị vướng tấm kính nên tôi quan sát được sự làm việc của cán bộ. Thật là minh bạch. Sở Tư pháp đã làm thì các cơ quan hành chính khác sao không mạnh dạn thực hiện? Gỡ bỏ những lề lối làm việc cũ để mở rộng đường cho cán bộ và người dân tiến lại gần nhau hơn”. Vì không có tấm kính nên người dân dễ dàng chồm lên trao đổi hồ sơ với cán bộ Sở Tư pháp TP. Ảnh: LÊ THOA Bà Phan Thị Bình Thuận, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.HCM, cho hay trước đây tại nhiều cơ quan, tổ chức đều có vách kính ngăn ở quầy tiếp nhận và giải quyết hồ sơ mà không theo tiêu chuẩn, quy định cụ thể nào, tại Sở Tư pháp cũng vậy. “Qua thời gian thực hiện, chúng tôi nhận thấy việc đặt vách kính ngăn này có nhiều bất tiện trong quá trình tiếp nhận, hướng dẫn, giải thích thủ tục hành chính cho người dân, ví dụ như có những trường hợp cả người tiếp nhận và người nộp hồ sơ phải cúi sát xuống qua khoảng trống nhỏ để giao tiếp vì cả hai bên đều nghe không rõ, nhất là đối với khách hàng lớn tuổi” - bà Thuận phân tích. Để xử lý trở ngại trên, bà Phan Thị Bình Thuận cho rằng việc dỡ bỏ nó là việc làm phù hợp, nhằm tạo không gian thông thoáng, thân thiện và thuận tiện trong việc tiếp nhận và giải quyết hồ sơ hành chính cho người dân. Không chỉ Sở Tư pháp đã tháo bỏ vách kính ngăn tại quầy tiếp nhận, giải quyết hồ sơ hành chính mà một số cơ quan khác cũng đã mạnh dạn tháo bỏ vách kính này. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .