TP.HCM ra công văn chống dịch, kêu gọi người dân khai báo y tế Chiều 26-7, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã ký Công văn số 2820/UBND-VX về tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Theo Công văn 2820, UBND TP yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận/huyện, phường/xã/thị trấn nghiêm túc thực hiện các nội dung sau: Đề nghị các ngành, các cấp chính quyền không được chủ quan, lơ là trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, tăng cường tuyên truyền để nhân dân thực hiện đúng và đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch COVID-19. Giao Sở Y tế phối hợp với UBND quận/huyện và Công an TP chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tổ chức rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư, đồng thời truyền thông vận động người dân tự giác thông báo kịp thời cho chính quyền và y tế địa phương về những người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7-2020 đang có mặt trên địa bàn TP.HCM để áp dụng biện pháp giám sát y tế theo hướng dẫn của Ban chỉ đạo quốc gia nhằm đảm bảo sức khỏe cho người dân và phòng ngừa lây lan dịch bệnh. Bệnh nhân đến BV Ung bướu TP.HCM phải đo thân nhiệt. Ảnh: TRẦN NGỌC UBND TP cũng giao Sở Du lịch phối hợp với Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị lữ hành, các cơ sở lưu trú trên địa bàn TP rà soát danh sách khách du lịch đang lưu trú, cung cấp thông tin người từng đến Đà Nẵng từ ngày 1-7 cho chính quyền và y tế địa phương để thực hiện các biện pháp đã nêu trên. Đồng thời, giao Công an TP tiếp tục chỉ đạo công an địa phương quản lý chặt công tác quản lý tạm trú, tạm vắng và cư trú trên địa bàn; vận động quần chúng nhân dân thông báo kịp thời cho chính quyền địa phương khi phát hiện các trường hợp nhập cảnh trái phép trong cộng đồng để có biện pháp xử lý. Xử lý nghiêm các đối tượng đưa người nhập cảnh trái phép vào TP (nếu có). Xử lý nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng, sai sự thật về dịch COVID-19 gây hoang mang trong dư luận. Giao Sở TT&TT phối hợp với Sở Y tế tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở người dân tự bảo vệ sức khỏe, tiếp tục tuân thủ đeo khẩu trang nơi công cộng và các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Giao Sở GD&ĐT phối hợp với Sở Y tế xây dựng kế hoạch đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong suốt thời gian tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trên địa bàn TP. Cùng ngày, bác sĩ (BS) Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC), đã ký công văn đề nghị tiếp tục tăng cường giám sát hội chứng cúm (ILI), viêm hô hấp cấp tính nặng (SARI) và viêm phổi nặng nghi do virus (SVP). Công văn được gửi tới các bệnh viện (BV) bộ, ngành; BV Bệnh nhiệt đới, Nhi đồng, Nhi đồng 1, Nhi đồng 2; BV đa khoa TP, khu vực, quận, huyện và BV ngoài công lập. HCDC đề nghị tất cả bệnh nhân hội chứng cúm (ILI), viêm hô hấp cấp tính nặng (SARI) và viêm phổi nặng nghi do virus (SVP) đến khám, điều trị tại các BV nói trên phải lập phiếu điều tra giám sát COVID-19 theo mẫu và gửi trước về email ncov2019tphcm@gmail.com. HCDC còn yêu cầu nếu BV đã có phòng xét nghiệm COVID-19 được Bộ Y tế công nhận thì tự thực hiện xét nghiệm và báo cáo kết quả về địa chỉ email nói trên. Trường hợp BV chưa có phòng xét nghiệm COVID-19 thì gửi mẫu xét nghiệm cùng phiếu điều tra về Khoa xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng thuộc HCDC trong vòng 24 giờ. HCDC cũng yêu cầu các BV dự trù môi trường xét nghiệm, hóa chất, vật tư… liên hệ HCDC qua các số điện thoại 0908877697 và 0965074140 để được hỗ trợ. BS TRƯƠNG HỮU KHANH, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, BV Nhi đồng 1, TP.HCM: Tiếp tục đồng lòng chống COVID-19 trong tình hình mới BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho rằng ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng là tất yếu, không tránh khỏi nếu không kiểm soát được nguồn lây bệnh COVID-19 ngoại lai. Thời gian qua, Việt Nam đã tiến hành chốt chặn kiểm soát từ sân bay rất tốt nhưng thực tế việc kiểm soát đường bộ, các đường biên giới với Campuchia, Lào, Trung Quốc vẫn chưa triệt để, thỉnh thoảng vẫn phát hiện có người trốn cách ly. Về trường hợp bệnh nhân 416 ở Đà Nẵng phát hiện mắc COVID-19 mới đây, BS Khanh cho rằng Việt Nam có 99 ngày không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, do vậy nguồn lây chỉ mới tồn tại vì nếu tồn tại lâu, chắc chắn đã kịp lây cho nhiều người. Không ai tự dưng đi xét nghiệm COVID-19 mà chỉ khi có dấu hiệu vào cơ quan y tế xét nghiệm mới phát hiện ra. Bên cạnh đó, thời gian qua các cơ quan y tế ở địa phương vẫn đang triển khai việc xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ, kể cả BV Nhi đồng 1 cũng có làm nhưng chưa phát hiện trường hợp dương tính. Theo BS Khanh, việc điều tra dịch tễ cần có thời gian, trước mắt ngoài khoanh vùng, xác định các ca bệnh mới thì phải kiểm soát chặt chẽ việc nhập cảnh. Người dân ở các địa phương không riêng tỉnh có đường biên giới cần có tư thế phòng thủ, kịp thời phối hợp, báo cáo các trường hợp nghi ngờ trốn nhập cảnh. BS Khanh cho rằng chống dịch COVID-19 trong tình hình mới đòi hỏi người dân tiếp tục đồng lòng, nâng cao các biện pháp giữ gìn vệ sinh, không nên rối không cần thiết. Theo BS Khanh, với điều kiện không khí thông thoáng, nắng nóng, người dân không cần quá lo lắng khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, nên chú ý đeo khẩu trang, rửa tay khi vào các không gian kín, không rõ người tiếp xúc như siêu thị, xe buýt, xe khách, máy bay... Đây là những nơi không khí lưu thông kém, tạo điều kiện cho virus lây bệnh. Sau thời gian Việt Nam không có ca mắc COVID-19 mới nên tâm lý người dân đang chủ quan trở lại, tại những nơi công cộng người dân bắt đầu lơ là việc đeo khẩu trang, kể cả trong môi trường bệnh viện. BS Khanh lưu ý những người có công việc phải tiếp xúc, nói chuyện trực tiếp phải quay lại việc tuân thủ mang khẩu trang, giữ khoảng cách, về nhà rửa tay. Những người có biểu hiện ho, sổ mũi phải mang khẩu trang cho đến khi hết bệnh để bảo vệ và phòng ngừa cho gia đình, người xung quanh. Người ở Đà Nẵng đến nơi khác cần hạn chế đi lại, ít nhất trong vòng 14 ngày. Bên cạnh đó, phải đeo khẩu trang, tự theo dõi sức khỏe để báo cơ quan y tế kịp thời. TS-BS LÊ QUỐC HÙNG, Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới, BV Chợ Rẫy (TP.HCM): Không lơ là, bình tĩnh khoanh vùng dập dịch TS-BS Lê Quốc Hùng cho rằng tình hình dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang diễn biến phức tạp và đã vượt xa con số 1 triệu người mắc. “Việt Nam không phải là ốc đảo, tách biệt với thế giới mà vẫn có sự giao lưu như người đi về từ nước ngoài, kể cả những con đường không chính thống” - BS Hùng lo ngại nguy cơ dịch bệnh xâm nhập từ bên ngoài. Theo BS Hùng, trước tình hình có ca mắc mới trong cộng đồng, cần sự bình tĩnh khoanh vùng dập dịch, hợp tác chống dịch của người dân như trước nay đã làm. BS Hùng cũng lo ngại sau khoảng thời gian không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, người dân lơ là phòng dịch, khả năng lây lan dịch sẽ mạnh hơn. Bên cạnh đó, với những người mang mầm bệnh nhưng không biểu hiện (hay còn gọi là người lành mang trùng), việc kiểm soát sẽ rất khó khăn. BS Hùng lưu ý tất cả cơ sở, người dân phải luôn cảnh giác, suy nghĩ nguồn bệnh có ở xung quanh mình và quay lại các biện pháp phòng dịch để bảo vệ bản thân và người xung quanh. Những người có biểu hiện, triệu chứng viêm đường hô hấp như cảm cúm, sốt, ho, tốt nhất nên liên lạc với tổng đài bệnh viện để được hướng dẫn cụ thể trước, tránh đi lung tung trong bệnh viện là nơi tụ tập rất đông người, khả năng lây bệnh và phát tán bệnh cho người khác rất cao. Người cao tuổi thường có nhiều bệnh lý nền, hệ thống miễn dịch suy yếu, sức đề kháng giảm nên dễ bị các bệnh do virus nhân cơ hội tấn công. Ngoài ra, khi mắc bệnh, họ dễ gặp biến chứng và nguy cơ tử vong cao. “Đối tượng này cần có sự cách ly tự nguyện, không đi ra ngoài, không tập trung nơi đông người bởi khả năng nhiễm bệnh cực kỳ cao” - BS Hùng cảnh báo. Ngoài các biện pháp bảo vệ thông thường theo khuyến cáo của Bộ Y tế, người cao tuổi cũng nên thực hiện chích ngừa đầy đủ. “Trong môi trường sống không chỉ có một loại bệnh mà cùng lúc có nhiều tác nhân gây bệnh. Nếu vì tình trạng lo nghĩ COVID-19 quá, chúng ta quên mất các bệnh khác thì chúng ta có thể mắc bệnh. Mỗi lần mắc bệnh, sức khỏe suy giảm xuống thì sẽ dễ dàng mắc virus SARS-CoV-2 này hơn” - BS Hùng phân tích. HOÀNG LAN Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .