TP.HCM sớm giải quyết cơ bản những vấn đề của Thủ Thiêm Chiều 4-6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chủ trì cuộc họp về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, thu chi ngân sách tháng 5 và năm tháng đầu năm, phương hướng nhiệm vụ tháng 6-2020. Giúp doanh nghiệp tồn tại, ngăn chặn sự phá sản Phát biểu chỉ đạo, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, TP đã kiểm soát được dịch COVID-19. “Kết quả đó nói lên sự phấn đấu miệt mài của đội ngũ y bác sĩ, chiến sĩ mặc áo trắng trên mặt trận chống dịch và lực lượng quân đội TP. Các thành viên Ban chỉ đạo họp hằng ngày, hằng tuần..., không để xảy ra tình huống khó khăn nào” - ông Phong nói. Theo ông Phong, TP đã chuyển sang trạng thái bình thường mới nhưng luôn đề cao cảnh giác và không chủ quan. Ông đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt là Sở Y tế luôn kiên trì những giải pháp để giữ vững những thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch. “Có nhiều bệnh nhân khỏi bệnh đã rất cảm động và khâm phục sự chăm sóc của các y bác sĩ chúng ta, đó là niềm tự hào. Qua sự nỗ lực này, nhân dân Việt Nam càng có niềm tin với Đảng và Nhà nước” - ông Phong khẳng định. Về các giải pháp để phục hồi kinh tế sau dịch, ông Phong cho biết có hai giai đoạn: Giai đoạn 1 là những giải pháp mang tính tình thế giúp các doanh nghiệp tồn tại, bám thị trường và phục hồi sản xuất, kinh doanh. Giai đoạn 2 gắn với tăng trưởng, tái cơ cấu theo chiều rộng, chiều sâu. Để làm được điều đó, người đứng đầu chính quyền TP.HCM giao Viện Nghiên cứu và phát triển cùng Sở KH&ĐT trước mắt tập trung vào năm nhóm giải pháp. Trong đó, ông nhấn mạnh đến việc duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh và ngăn chặn được sự phá sản của các doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Về dài hạn, ông Phong đề nghị tập trung vào bốn giải pháp. Trong đó cần tối ưu hóa đầu tư công thông qua biện pháp tài khóa, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ngăn chặn sự mất việc của người lao động. “Nếu thực hiện tốt an sinh xã hội, triển khai hiệu quả đầu tư công sẽ góp phần kích cầu, thúc đẩy kinh tế phát triển. Theo tính toán của Ngân hàng Thế giới, ở Việt Nam nếu giải ngân đầu tư công tăng 10% thì GDP tăng 0,6%” - ông Phong nói và đề nghị trong thời gian tới các sở, ngành, quận, huyện đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công. Ngoài ra cũng cần khai thác được chương trình chuyển đổi số, bởi hiện nay thương mại điện tử phát triển rất mạnh, xuất hiện những hình thức mua bán thanh toán qua mạng, không dùng tiền mặt. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong (giữa) và các lãnh đạo TP tại cuộc họp chiều 4-6. Ảnh: TTBC Chuẩn bị 198 nền đất để bồi thường Một vấn đề khác mà ông Phong đề nghị các cơ quan liên quan tập trung giải quyết có hiệu quả và quyết liệt trong tháng 6 là việc khiếu nại ở khu đô thị mới Thủ Thiêm ở quận 2 và Khu Công nghệ cao ở quận 9. “Những công việc còn tồn đọng ở Thủ Thiêm, TP.HCM sẽ báo cáo Chính phủ xin ý kiến một số việc. Một số việc mà TP chủ động được, TP sẽ báo cáo Thường vụ Thành ủy, cố gắng sẽ giải quyết cơ bản những vấn đề theo Kết luận 1037 của Thanh tra Chính phủ” - ông Phong khẳng định. Tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội chiều cùng ngày, ông Lê Phước Tài, Phó Trưởng ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm, cho biết trong tháng 5 UBND TP đã ban hành quyết định phê duyệt điều chỉnh quy hoạch cục bộ 1/2.000 tại ba khu đất ở phường Bình Khánh để phục vụ công tác bồi thường. Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cũng phê duyệt quy hoạch tỉ lệ 1/500 ba khu đất trên. “UBND quận 2 và Ban quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm đã chuẩn bị 198 nền đất tại Bình Khánh để phục vụ bồi thường cho người dân tại khu 4,3 ha. Cơ quan chức năng đã bước đầu thực hiện hiệp thương và để người dân nhận nền” - ông Tài nói. Về thời gian đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ và người dân Thủ Thiêm, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Phước Thắng cho biết Ban chỉ đạo khu đô thị mới Thủ Thiêm đã tham mưu cho TP tổng hợp những vấn đề còn tồn đọng tại khu đô thị mới Thủ Thiêm. Cuộc đối thoại này sẽ được diễn ra trong tháng 6-2020. CSGT bị tố vòi tiền không thừa nhận Cũng tại cuộc họp báo tình hình kinh tế - xã hội, liên quan đến phản ánh của báo chí về cảnh sát giao thông (CSGT) ở Đội Tân Sơn Nhất trấn lột tiền, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, khẳng định qua xác minh có vụ việc xử lý vi phạm hành chính. Cụ thể, ngày 12-5, CSGT HTM thuộc Đội CSGT Tân Sơn Nhất có lập biên bản lỗi vi phạm điều khiển mô tô không gắn biển số và tạm giữ một giấy phép lái xe. Còn liên quan đến tố cáo nhận tiền, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm cho biết người tố cáo đã cung cấp một số đoạn clip ghi âm, số điện thoại gọi đòi tiền. “Xác minh ban đầu, đồng chí CSGT chưa nhận cái này. Đồng thời, khi cho anh Thái Đăng Phú (người tố cáo) nhận dạng thì anh Phú cũng không nhớ mặt CSGT” - ông Lâm nói. Để làm rõ vụ việc, Thượng tá Nguyễn Thế Lâm cho biết giám đốc Công an TP.HCM đã ra quyết định thanh tra, lập tổ thanh tra vụ việc. Hiện Công an TP vẫn chưa thể kết luận vụ việc này. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .