Trạm T2 chiều 25-5 đã thông thoáng sau khi có quyết định tạm dừng thu phí từ Bộ GTVT - Ảnh: B.ĐẤU Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã quyết định tạm dừng trạm thu phí T2 trên quốc lộ 91 để tìm phương án mới... Lắp đặt hệ thống camera giám sát Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật xác nhận với Tuổi Trẻ rằng Bộ GTVT đã quyết định tạm dừng thu phí tại trạm thu phí T2, quốc lộ 91 từ trưa 25-5. Lý do là để Tổng cục Đường bộ Việt Nam và đơn vị khảo sát, kiểm đếm lưu lượng xe, phối hợp với các địa phương đề xuất các phương án thu phí, giảm giá cho xe qua trạm thu phí T2 như kiến nghị của các tài xế. Ông Nguyễn Văn Huyện - tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ - giải thích thêm: việc tạm dừng thu phí để lắp đặt hệ thống camera giám sát từ trạm T2 đến cầu Vàm Cống và đoạn trạm T2 đến khu vực Kiên Giang để xem lưu lượng phương tiện qua lại bao nhiêu khi xe từ An Giang đi 2 hướng trên nhằm có hướng giải quyết miễn giảm. "Do nhiều tài xế phản ứng thu phí bất hợp lý nên chúng tôi tạm dừng thu phí để rà soát, kiểm đếm lưu lượng xe để trình phương án lên Bộ GTVT giải quyết ổn thỏa" - ông Huyện nói. Thu phí phải hợp lý Ông Nguyễn Việt Trí - giám đốc Sở GTVT An Giang - cho biết việc tạm dừng để giám sát lưu lượng "là quá tốt", nhưng sắp tới cần thêm việc thu phí tự động không dừng. "Nếu làm được thu phí không dừng thì đi qua trạm T2 "tít" một cái 35.000 đồng, qua bên quốc lộ 80 "tít" thêm cái nữa 33.000 đồng thì trừ lại được rồi. Việc thu phí tự động không dừng được bộ đẩy mạnh thực hiện. Chỉ có doanh nghiệp thu phí là chậm trễ thực hiện thôi. Nếu quốc lộ 80 đặt trạm nữa thì việc đi qua trạm T2 sòng phẳng như vậy sẽ hay hơn" - ông Trí nói. Ông Nguyễn Ngọc Xuân - chủ tịch Hiệp hội Ôtô An Giang - cho rằng điều quan trọng là việc thu phí phải hợp lý, chứ "không nên "ép" doanh nghiệp thu như hiện nay". "Anh em phản đối rất nhiều lần, bộ phải nhận thấy bất hợp lý và lắng nghe ý kiến người dân. Vì hiện các doanh nghiệp kinh doanh vận tải ở An Giang thiệt hại nặng khi qua lại trạm này tốn phí rất nhiều" - ông Xuân nói. Ông Xuân cho rằng cần làm theo quy luật thị trường "đi bao nhiêu trả bấy nhiêu". "Chủ đầu tư nên thu theo quãng đường chúng tôi đi. Tôi sẵn sàng trả cho 1km đường đi dù tôi chỉ đi vài trăm mét. Phải sòng phẳng cho doanh nghiệp đỡ hơn chứ không thể trả 50% quãng đường được" - ông Xuân nói. Đại tá Phan Quang Điểm - nguyên phó giám đốc Công an tỉnh An Giang - cho rằng Bộ GTVT nên di dời trạm T2 về đúng vị trí "chứ không nên để phi lý vậy". Theo ông Điểm, trước đây, vị trí trạm này ở chỗ khác nhưng không hiểu vì sao lại đặt trạm ở vị trí bất hợp lý như hiện nay". Ngày 24-5, Tổng cục Đường bộ đã đề nghị các địa phương liên quan xem xét thực hiện phương án giảm giá cho xe qua trạm thu phí T2, quốc lộ 91. Đồng thời, giao Cục Quản lý đường bộ IV chủ trì, tổ chức thực hiện kiểm tra để xác định cụ thể chủng loại phương tiện, lưu lượng phương tiện đi qua trong ngày tại các vị trí: nút giao quốc lộ 80 với quốc lộ 91 và nút giao quốc lộ 80 lên cầu Vàm Cống. Thời gian kiểm tra thực hiện trong 3 ngày liên tục từ ngày 25 đến 27-5-2019; mỗi ngày tổ chức kiểm tra, đếm xe 24/24 giờ và báo cáo kết quả trong ngày 28-5-2019. Phà Vàm Cống vẫn hoạt động Dù cầu Vàm Cống đã thông xe được 10 ngày, phà Vàm Cống vẫn chạy cầm chừng 2-3 chiếc/ngày để chờ dừng theo quyết định chính thức từ Bộ GTVT, dự kiến là từ ngày 1-6. Ông Nguyễn Phúc Nguyên - bến trưởng phà Vàm Cống - cho biết từ khi cầu Vàm Cống khánh thành ngày 19-5, phà vẫn hoạt động cầm chừng để chờ ngày... đóng cửa. Nếu như trước khi có cầu, phà hoạt động hết công suất là 10 chiếc/ngày mà vẫn ùn ứ khách thì hiện tại phà chỉ hoạt động 2-3 chiếc/ngày. Tổng số nhân viên trực phà chỉ còn lại 6-8 người/ngày. Vì sao có cầu Vàm Cống mà phà vẫn chạy? "Hiện tại chúng tôi không quyết định đóng cửa phà được mà phải chạy cầm chừng để chờ quyết định cuối cùng từ Bộ GTVT. Bộ cho ngày nào nghỉ thì chúng tôi nghỉ và đóng cửa phà" - ông Nguyên giải thích. Cùng lúc đó, theo ông Nguyên, do các tài xế ôtô phản ứng gay gắt trạm BOT T2 đặt bất hợp lý nên gây kẹt xe kéo dài nhiều ngày qua, khiến một số tài xế đợi không được đã quyết định chuyển sang đi phà Vàm Cống. Trả lời Tuổi Trẻ qua điện thoại ngày 25-5, ông Nguyễn Văn Thành - cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) - cho biết cơ quan này đã kiến nghị cho dừng hoạt động phà Vàm Cống vào lúc 0h ngày 1-6 nhưng do chưa nhận được trả lời nên "vẫn hoạt động cầm chừng chờ bộ quyết định". Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .