Tranh luận việc bán rượu, bia trên mạng Sáng 16-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Các đại biểu (ĐB) đã đóng góp nhiều ý kiến cho dự luật, xoay quanh nội dung giữa lợi nhuận và tác hại của nó với xã hội. Chọn 50.000 tỉ hay sức khỏe nhân dân “Chọn sức khỏe của dân hay chọn con số lợi nhuận 50.000 tỉ?” - ĐB Phạm Trọng Nhân (Bình Dương) đặt câu hỏi. Ông lấy hình ảnh Thủ tướng thân chinh đến các đơn vị chỉ đạo và giao kế hoạch tăng trưởng để GDP 2017 cán mốc 6,7% trong khi bia, rượu gây tổn thất ít nhất 1,3% GDP của quốc gia để nêu tác hại của loại thức uống này. Ông Nhân cho rằng dù biện minh là rượu, bia mang đến sự phát triển kinh tế, giải quyết việc làm nhưng nhìn đến những hậu quả nặng nề kéo dài cho xã hội không gì có thể bù đắp được thì khó chấp nhận. “Chúng ta thấy rõ tác hại của rượu, bia như gây nhiều bệnh tật, con người luẩn quẩn trong thói bạo lực, bạo hành. Sản xuất đồ uống có cồn đe dọa việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng khí thải nhà kính… Vậy chúng ta bảo vệ sức khỏe của nhân dân hay chọn khoản thu 50.000 tỉ đồng mỗi năm? Và đừng quên là phải bù tổn thất do nó để lại lên đến 65.000 tỉ đồng. Như thế có khác gì kéo lùi sự phát triển của đất nước, vậy mà không ít người lại cổ súy cho “văn hóa uống”” - ông Nhân nói. Còn bà Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) lại cho rằng để hạn chế tiếp cận và giảm tiêu thụ rượu, bia cần thống nhất việc tăng thuế rượu, bia để hạn chế việc tiêu thụ. Bên cạnh đó, cần đồng bộ với việc kiểm soát nghiêm ngặt và giảm việc sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ rượu thủ công, rượu giả, rượu lậu. “Nếu không chúng ta vừa thất thu thuế, doanh nghiệp bị thiệt hại mà vẫn không giảm tiêu thụ. Tôi đề nghị rút kinh nghiệm từ Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, phải xác định là phạt thật nặng, tiêu hủy rượu giả, rượu lậu chứ không tái xuất như thuốc lá lậu” - bà Lan ý kiến. ĐBQH TP.HCM Phạm Khánh Phong Lan (trái) và ĐBQH tỉnh An Giang Nguyễn Lân Hiếu phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN Tranh cãi cấm bán bia, rượu trên Internet Về quy định cấm bán rượu, bia, ĐB Nguyễn Lân Hiếu (An Giang) đưa ra ý kiến: Thái Lan có ba quy định mà bất cứ ai cũng phải tuân theo là không được bán rượu ở nơi công cộng từ 12 giờ đêm đến 11 giờ trưa, từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều; không bán rượu trong các ngày lễ, Phật đản hoặc ngày bầu cử; không được uống rượu ở một số vị trí như đền, chùa… Vì vậy ông cho là Chính phủ hoàn toàn có thể ban hành một quy định để ngay lập tức hạn chế tác hại của rượu, bia như trước đây Chính phủ đã thành công khi ban hành nghị định, nghị quyết về cấm pháo nổ, bắt buộc đội mũ bảo hiểm. Về cấm bán rượu, bia trên Internet, ĐB Phạm Trọng Nhân cho rằng việc quảng cáo bia, rượu phải cấm trên tất cả loại hình báo chí, mạng xã hội chứ không chỉ riêng ở các chương trình thể thao, văn hóa, sân khấu, điện ảnh dành cho thiếu nhi được quy định tại dự luật. Tuy nhiên, ĐB Trần Quang Chiểu (Nam Định) cho rằng rượu và bia là hai mặt hàng hoàn toàn khác nhau, không thể đưa ra một bộ khung pháp lý để chế tài giống nhau. Theo ĐB Chiểu, rượu là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, còn bia thì không. Việc cấm bán bia, rượu trên Internet là trái luật, trái với chủ trương của Chính phủ về việc tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp trong thời đại 4.0. “Quy định cấm bán bia trên Internet sẽ tạo sự phản ứng ngược từ các doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh đồ uống có cồn. Các doanh nghiệp sẽ nhận định rằng Việt Nam là đất nước không nhất quán trong chính sách, ảnh hưởng đến chỉ số niềm tin và chỉ số cạnh tranh” - ông nói. ĐB Phạm Khánh Phong Lan cho rằng nếu sợ Internet ảnh hưởng đến các đối tượng đã hạn chế, cũng như sợ sự ảnh hưởng rộng của Internet thì tại sao không cấm quảng cáo rượu, bia trên mạng Internet? “Tại sao không cấm bán thuốc lá trên Internet luôn cho đồng bộ? Trên thực tế, việc cấm bán này cũng không khả thi và đi ngược với xu thế kinh doanh điện tử hiện nay” - bà nói. Sau một buổi tiếp thu ý kiến các ĐB, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng kết luận: Mọi người mong muốn ở Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia là phù hợp với các quy định trong chiến lược toàn cầu của Liên Hiệp Quốc nhằm giảm tác hại của việc sử dụng rượu, bia. Đồng thời phù hợp với thông lệ của quốc tế, phù hợp trong việc giao tiếp giữa con người với con người. Do vậy, ban soạn thảo cần làm rõ thêm các hành vi cấm được điều chỉnh trong luật, kể cả việc cấm đối với việc sử dụng lao động trẻ em sản xuất rượu, bia; nghiên cứu thêm quy định quảng cáo... Điều chỉnh theo hướng bảo vệ sức khỏe Theo Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, từ tháng 5-2010 Đại hội đồng Y tế Thế giới đã nhất trí thông qua nghị quyết về chiến lược toàn cầu nhằm giảm tác hại việc sử dụng đồ uống có cồn ở mức có hại. Đây là hành lang pháp lý rất quan trọng để các quốc gia vận dụng xây dựng các luật phù hợp với thông lệ quốc tế và quy định. Đến nay nhiều nước có phạm vi điều chỉnh khác nhau nhưng hướng tới là nhằm bảo vệ sức khỏe con người, vì sức khỏe của nhân dân. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .