Bảo đảm điều kiện triển khai - Ông có thể khái quát vài nét về tình hình giáo dục Lâm Đồng trước thềm triển khai CTGDPT 2018? - Tới nay quy mô trường lớp tiếp tục được điều chỉnh, đáp ứng nhu cầu học tập của các tầng lớp nhân dân. Tổng số trường mầm non (MN) và phổ thông có 710 đơn vị. Tổng số học sinh (HS) phổ thông và MN đạt 331.556, trong đó MN có: 70.553; TH: 128.223; THCS: 88342; THPT: 41.526; TTGDTX-GDNN: 1.346. Tổng số CBQL, GV, NV: 21.420. Công tác xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bảo đảm đúng tiến độ, kế hoạch. Tính đến tháng 4/2020, toàn tỉnh có 501/696 trường MN và phổ thông đạt chuẩn quốc gia (tỉ lệ 71,9%). Công tác phổ cập và xóa mù chữ đã có 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 11/12 huyện, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; huyện Đam Rông đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 1; 12/12 huyện, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2. - Chưa đầy 2 tháng nữa sẽ kết thúc năm học, việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ GV… để bước vào triển khai CTGDPT 2018 và thay SGK mới của ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã triển khai tới đâu, thưa ông? - Để bảo đảm các điều kiện triển khai SGK lớp 1 năm học 2020 - 2021, Sở GD&ĐT Lâm Đồng đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng. Trước hết, về cơ sở vật chất, ngành Giáo dục đã tiến hành rà soát trường lớp học, ưu tiên bố trí phòng học và bảo đảm cho lớp 1 được học 2 buổi/ngày. Về phía UBND cấp huyện cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia, trong đó có kế hoạch xây dựng thêm hệ thống các phòng học, khối phòng phục vụ học tập bảo đảm điều kiện dạy học 2 buổi/ngày, cho HS tiểu học những năm tiếp theo. Cùng đó, ngành cũng tiến hành rà soát trang thiết bị dạy học có thể sử dụng được đối với lớp 1, đồng thời phối hợp với Sở Kế hoạch Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu UBND tỉnh mua sắm trang thiết bị trong danh mục thiết bị theo Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT về việc ban hành danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 để bảo đảm cho nhu cầu dạy và học. Đội ngũ GV cũng là một trong những vấn đề quan tâm lớn của ngành khi triển khai CTGDPT 2018, vì vậy đã có bước tiến hành rà soát kĩ càng đồng thời có kế hoạch bồi dưỡng cụ thể. Đặc biệt sẽ ưu tiên bố trí GV có kinh nghiệm và chuyên môn nghiệp vụ tốt để dạy lớp 1 trong năm học tới. GV - “chìa khóa” thành công - Theo ông, đâu là thuận lợi của ngành GD-ĐT Lâm Đồng trong quá trình chuẩn bị triển khai CTGDPT 2018? Ông Trần Đức Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Lâm Đồng. Ảnh: NVCC - Ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân, chính quyền địa phương các cấp về việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018. Việc triển khai CTGDPT 2018 được Bộ GD&ĐT tổ chức tuyên truyền sâu rộng cho cộng đồng, cho người dân thông qua nhiều kênh. Từ đó đã tạo cơ hội cho người dân tiếp cận, hiểu biết về quan điểm, chủ trương của Đảng và Nhà nước về việc triển khai thực hiện CTGDPT 2018. Mặt khác, về cơ bản đội ngũ nhà giáo có ý thức chính trị, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp tốt, tận tụy với nghề, cần cù chịu khó, có tinh thần trách nhiệm cao, sáng tạo và quyết tâm tự bồi dưỡng nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Hầu hết đội ngũ nhà giáo có trình độ đào tạo đạt chuẩn và trên chuẩn, cụ thể: GV tiểu học đạt chuẩn 99,9%, trên chuẩn 88,2%; GV THCS đạt chuẩn 99,9%, trên chuẩn 68,6%; GV THPT đạt chuẩn 100%, trên chuẩn 10,4%; Hệ thống trường, lớp học cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của HS, đặc biệt cấp tiểu học, trong thời gian tới ưu tiên các nguồn vốn xây dựng thêm các phòng học văn hóa bảo đảm tỉ lệ 1 phòng/lớp... - Bên cạnh những yếu tố thuận lợi chắc chắn ngành cũng phải đối diện với nhiều thách thức? - Thẳng thắn nhìn nhận, một số CBQL và GV không đồng đều về độ tuổi, trình độ chuyên môn, năng lực công tác, thậm chí chậm đổi mới làm ảnh hưởng đến hiệu quả của việc triển khai CTGDPT 2018. Hiện ngành GD-ĐT Lâm Đồng vẫn chưa khắc phục được tình trạng thừa GV dạy tiểu học nhưng thiếu GV dạy các môn Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể dục, Hoạt động trải nghiệm... Đặc biệt, ở nhiều nơi cơ sở vật chất trường học xây dựng lâu năm đã xuống cấp, thiếu phòng chức năng và phòng bộ môn… - Đội ngũ GV được coi như “chìa khóa” để thực hiện thành công CTGDPT 2018. Từ thực tế, ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã có giải pháp gì để đáp ứng được yêu cầu? - Ngành GD-ĐT Lâm Đồng đã xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn đại trà cho đội ngũ CBQL giáo dục và GV về CTGDPT 2018 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Bảo đảm 100% CBQL và GD dạy lớp 1 được tập huấn đầy đủ về chuyên môn nghiệp vụ, nội dung phương pháp dạy học các môn học trước khi bước vào năm học mới 2020 - 2021. Công tác tập huấn cho đội ngũ CBQL và GV các cấp học về CTGDPT 2018 rất quan trọng, vì vậy từ nay đến năm 2025, Sở GD&ĐT phối hợp với Viettel tập huấn trực tuyến cho 100% GV về kiến thức chung, đồng thời theo lộ trình thay SGK hàng năm sẽ phối hợp với các NXB tập huấn chương trình thay sách. Trước mắt trong năm 2020 tập huấn cho gần 1.500 GV dạy lớp 1. Đối với đội ngũ GV chưa đạt chuẩn theo quy định tại Luật Giáo dục 2019, Sở GD&ĐT hướng dẫn các phòng GD&ĐT rà soát, lập kế hoạch và động viên GV tự học hoặc cử đi bồi dưỡng theo lộ trình đối với những người còn công tác trong ngành trên 5 năm… Năm học 2020 - 2021, toàn tỉnh bảo đảm số lượng GV với tỉ lệ 1,5 GV/lớp để tổ chức dạy học lớp 1 theo CTGDPT 2018. Các năm học tiếp theo, các đơn vị còn thiếu GV sẽ tuyển dụng bổ sung theo kế hoạch lộ trình đã được xây dựng hàng năm. Năm học 2020 - 2021 ngành GD-ĐT Lâm Đồng dự kiến có 26.564 HS vào học lớp 1 với 874 lớp (bình quân 31 học sinh/lớp) với 236 trường tiểu học và 17 trường tiểu học - THCS (giảm 12 trường so với năm học 2019 - 2020 do sáp nhập). Tổng số giáo viên dạy lớp 1 là 1.125. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .