TP.HCM những ngày qua có nền nhiệt 35 độ C, thậm chí giữa trưa nhiệt độ lên tới 40 độ C cùng tia cực tím ở mức cao ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, nhất là các cháu nhỏ ở tuổi đi học. Trang bị hết mức cho con Những ngày này, để con gái ba tuổi đang học tại trường mầm non, quận Gò Vấp không thấy mệt mỏi khi gặp thời tiết bất thường, chị Nguyễn Hoan cho biết: “Khi ra đường tôi thường mặc áo khoác, đeo khẩu trang, quần dài cho con. Còn đối với đồ ăn, tôi cho bé ăn đồ lỏng, bổ sung thêm nhiều nước uống trái cây để tăng sức đề kháng”. Còn chị Lệ Hằng ở Thủ Đức cũng cho hay: “Con tôi tan học lúc 4 giờ chiều nhưng để tránh nắng, tôi để 4 giờ rưỡi mới đón, vậy mà vẫn còn nắng nóng khủng khiếp. Nếu tình hình nắng nóng những ngày tới chắc tôi cho con nghỉ học bơi lúc 3 giờ chiều”. Trước diễn biến thời tiết phức tạp, nắng kéo dài, các trường cũng có những phương án để đảm bảo sức khỏe cho học sinh (HS). Theo bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, đối với HS bán trú, vào buổi chiều các em được uống nước giải nhiệt như nước sâm, nước tắc. Còn trước giờ ra chơi nửa tiếng, bảo vệ và nhân viên phục vụ sẽ lấy vòi nước xịt khắp sân trường để giảm độ nóng. “Vào giờ ra chơi, thay vì chơi những trò chơi vận động, nhà trường mở tivi ngoài sân, kéo các mái hiên lại để các em ngồi trong hành lang xem” - bà Phượng nói. Tại Trường THCS Lữ Gia, quận 11, HS của trường đa phần học bán trú nhưng vẫn có một số em về buổi trưa. “Vì thế tôi có dặn HS đi học có áo khoác, có nón và khẩu trang tránh nắng. Khuyến khích các em uống nhiều nước, chơi những trò ít phải vận động. Bên cạnh đó, tôi cũng dặn phụ huynh, các em trong độ tuổi phát triển tâm sinh lý, thời tiết nắng nóng nên phụ huynh cần cho con ăn đồ mát, uống nhiều nước để cung cấp cho cơ thể. Đặc biệt, mùa này dễ phát sinh bệnh nên nếu em nào bị sốt từ hai ngày trở lên phải đưa đi khám và xét nghiệm” - cô Thu nhắn nhủ. Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp (TP.HCM) thích thú khi được uống nước giải nhiệt. Ảnh: HOÀNG LAN Kiệt sức, đột quỵ do nắng nóng Theo BS CKII Nguyễn Viết Hậu, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV ĐH Y Dược TP.HCM, cảm nắng là từ gọi chung trong dân gian cho tất cả bệnh lý do thời tiết nắng nóng gây ra. Đầu tiên phải kể đến là phù do nhiệt với biểu hiện phù mắt cá, bàn chân. “Nguyên nhân là do mạch máu giãn ra để thải nhiệt, gây phù. Sau khi cơ thể thích nghi trong thời gian vài giờ hay vài ngày thì triệu chứng sẽ mất đi. Nếu triệu chứng không mất, có thể khắc phục bằng cách kê cao chân khi ngủ để mạch máu lưu thông bình thường, không cần dùng thuốc” - BS Hậu cho hay. Với những người làm việc ngoài trời, tiếp xúc nhiều với ánh nắng, nếu không cẩn thận rất dễ bị phát ban, chuột rút, ngất xỉu, kiệt sức do cơ thể bị mất nước và muối qua mồ hôi. Thường gặp nhất trong mùa nóng là tình trạng ngất xỉu, kiệt sức do nhiệt. “Vai trò sơ cứu trong trường hợp này rất quan trọng. Cần cho người bị ngất xỉu nằm thấp đầu ở nơi thoáng mát, nới rộng áo quần, bù nước có muối khoáng. Theo dõi khoảng 30 phút, nếu ổn định thì không cần đến bệnh viện” - BS Hậu hướng dẫn. Cũng theo BS Hậu, sốc nhiệt (đột quỵ do nhiệt) là loại bệnh mùa nóng có tỉ lệ tử vong tương đương với đột quỵ do tim và não. Việc tăng thân nhiệt kéo dài sẽ làm tổn thương hệ tim mạch, hô hấp, gan, thận, đặc biệt là hệ thần kinh. Khi đó nhiệt độ cơ thể nạn nhân có thể lên đến trên 40 độ C kèm các triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, lơ mơ, rối loạn tri giác, co giật, thậm chí hôn mê… Sau khi sơ cứu ban đầu cần phải chuyển người bệnh đến bệnh viện ngay để được xử lý đúng cách, kịp thời. Đối với cơ thể người, nhiệt độ thích nghi nhất là khoảng 25 độ C. Trong khoảng 20-30 độ C, cơ thể điều chỉnh thích nghi tốt là do có trung tâm điều chỉnh nhiệt nằm ở não. Nhưng đến một ngưỡng nhiệt độ quá lạnh hay quá nóng cơ thể sẽ không thể điều chỉnh kịp. Khả năng điều chỉnh với thay đổi nhiệt độ thường kém ở trẻ nhỏ hơn bốn tuổi và người già trên 70 tuổi, người có nhiều bệnh lý đi kèm. Tùy theo mức độ tiếp xúc với nắng nóng ra sao mà các bệnh lý do ảnh hưởng của nhiệt độ sẽ xuất hiện theo các mức độ từ nhẹ đến nặng. BS CKII NGUYỄN VIẾT HẬU, Phó Trưởng khoa Cấp cứu, BV ĐH Y Dược TP.HCM Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .