Mới đây, UBND quận Ba Đình (TP Hà Nội) đã đề xuất với thành phố và Bộ Xây dựng về nâng tầng trường học để nâng diện tích sàn lớp học, giải bài toán quá tải trường lớp… Quận trung tâm muốn “gỡ khó” Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến thông tin, do thiếu quỹ đất để xây dựng trường học nên quận có nghiên cứu đề xuất điều chỉnh theo hướng cho phép nâng tầng trường học để giảm bớt các thủ tục hành chính và phù hợp với thực tế hơn. “Việc nâng tầng tại một số công trình trường học trên địa bàn quận Ba Đình là để tăng diện tích sàn. Tuy nhiên, dù nâng cao tầng thì vẫn phải đặt yếu tố bảo đảm công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC), thuận tiện cho học sinh lên hàng đầu…”, ông Tạ Nam Chiến cho biết. Chủ tịch quận Ba Đình khẳng định: Phương án quận đưa ra trong thiết kế trường học là học sinh vẫn học các lớp tầng thấp, khu hiệu bộ, phòng chuyên môn của các thầy cô giáo được đưa lên các tầng trên. Như vậy, không vi phạm PCCC, vẫn đảm bảo được diện tích sàn cho học sinh học trong điều kiện đất đai chật hẹp. “Về lâu dài, quận Ba Đình chắc chắn phải có phương án, báo cáo TP, Bộ Xây dựng để có hướng mở hơn…”, ông Tạ Nam Chiến nói thêm. Ông Chiến đồng thời khẳng định: “Đối với từng dự án đề xuất nâng tầng trường học, quận thông qua Cục Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ của Bộ Công an. Sau khi được chấp thuận, chúng tôi mới quay lại lập hồ sơ thiết kế. Hồ sơ thiết kế đó phải được Bộ Xây dựng chấp thuận. Do đó, đường đi của một dự án xây dựng trường học khá dài. Nếu Bộ Xây dựng chấp thuận có sự điều chỉnh theo hướng mở hơn quy chuẩn an toàn phòng cháy, việc thực hiện dự án sẽ được rút ngắn hơn…”. Chuyên gia hiến kế Liên quan đến những khó khăn về quỹ đất xây trường học và đề xuất phương án nâng tầng trường học, ông Lê Như Tiến - Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (Nguyên đại biểu Quốc hội khóa 12, 13) cho rằng: “Hiện nay công nghệ về xây dựng rất tiên tiến, các lan can vững chắc, vật liệu xây dựng tốt hơn, không nhất thiết lên tầng 5, tầng 6 mà có thể xây ngầm, phát triển cả tầng ngầm và tầng nổi. Chúng ta hoàn toàn có giải pháp như đưa tất cả các phòng thí nghiệm, ban giám hiệu, phòng chức năng, bộ môn lên tầng 5 tầng 6, để nhường cho học sinh từ tầng 1 đến tầng 4…”. Cùng quan điểm trên, PGS.TS Bùi Thị An, nguyên Đại biểu Quốc hội khóa XIII phân tích thêm: Cơ quan chức năng cần rà soát số học sinh tại quận nội thành Hà Nội sau khi quyết định cho trường nào lên thêm tầng. Đại diện lãnh đạo Trường Liên cấp Newton (Hà Nội) đồng tình các quan điểm trên. Bởi trường học trước đây không có tiêu chuẩn nghiệm thu PCCC và thang máy. Với đặc điểm đó, bố trí tiểu học 3 tầng, THCS - THPT 4 tầng là hợp lý. Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Phạm Tất Thắng - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết: Về nguyên tắc, các trường từ THCS trở xuống gắn với địa bàn dân cư để bảo đảm thuận tiện và nhu cầu học tập của các em học sinh… “Lượng học sinh hiện nay tăng cao so với trước đây. Trong khi đó, diện tích đất nhà trường không thay đổi mà vẫn phải bảo đảm diện tích sử dụng cho các hoạt động trong nhà trường như: Sân tập, vườn thực hành, thư viện… Từ thực tế đó, các trường học trong nội thành, đặc biệt những quận trong nội thành cũ Hà Nội thiếu diện tích phòng học. Việc đề xuất tăng hệ số sử dụng đất bằng cách nâng tầng, chuyển diện tích sử dụng của các thầy cô, phòng họp, hiệu bộ lên trên để đảm bảo an toàn cho học sinh là một đề nghị khả thi, phù hợp thực tế…”, ông Phạm Tất Thắng bày tỏ. Những lớp có sĩ số cao phải báo cáo công khai minh bạch. Trong trường hợp địa phương không còn quỹ đất để xây dựng có thể cấp phép xây dựng thêm khoảng 2 tầng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh này phải trong một thời gian nhất định và tùy vào từng địa phương, không áp dụng đại trà… - PGS.TS Bùi Thị An Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .