Từ 12-3, thí điểm nộp phạt giao thông qua mạng Ngày 20-2, Cục CSGT (C08, Bộ Công an) cho biết bắt đầu từ ngày 12-3 tới đây sẽ triển khai thí điểm nộp phạt vi phạm giao thông trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thí điểm tại 5 tỉnh, TP Thiếu tướng Lê Xuân Đức, Phó Cục trưởng C08, cho hay việc nộp tiền phạt qua cổng dịch vụ công được thực hiện hai giai đoạn. Giai đoạn một kể từ ngày 12-3, thí điểm tại năm tỉnh, TP: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP.HCM và Bình Thuận. Giai đoạn hai từ tháng 6-2020, triển khai trên toàn quốc. Giải thích về việc chọn năm địa phương nêu trên để thí điểm, ông Đức thông tin đây là những tỉnh có tỉ lệ xử phạt vi phạm hành chính lớn nhất, chiếm một nửa của cả nước. Trước đó, hồi đầu tháng 2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Bộ Công an sớm cung cấp dịch vụ thu tiền nộp phạt vi phạm giao thông đường bộ trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Thiếu tướng Đức cho rằng Cục CSGT và Bộ Công an đều nhận thức được điều này nên đã rất quyết tâm. Vì vậy, Cục đã tích cực phối hợp với Văn phòng Chính phủ, đến nay cơ bản hoàn thành về quy trình nghiệp vụ. Phó cục trưởng C08 cho hay đơn vị cũng đã tham mưu cho Bộ Công an ban hành văn bản chỉ đạo, thực hiện sử dụng biên lai điện tử như biên lai giấy hiện nay. Thông tin thêm, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ, cho hay các bên về cơ bản đã thống nhất quy trình nghiệp vụ; nội dung thông tin tích hợp, chia sẻ dữ liệu hai chiều giữa cơ sở dữ liệu xử lý vi phạm hành chính của Bộ Công an với Cổng dịch vụ công quốc gia để phục vụ cho việc nộp phạt trực tuyến vi phạm giao thông thuộc thẩm quyền xử phạt của CSGT. CSGT kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm. Ảnh: PHAN TUYẾN Vẫn duy trì cả hai hình thức nộp phạt Thiếu tá Vương Ngọc Bắc, Phó Trưởng phòng Tham mưu, Cục CSGT, cho biết khi thực hiện thí điểm nộp phạt qua cổng dịch vụ công cùng với hình thức đến kho bạc nộp phạt như từ trước tới nay, người dân có thể nộp phạt trực tuyến trên mạng Internet. Cục CSGT sẽ cập nhật dữ liệu người vi phạm lên hệ thống cơ sở dữ liệu của đơn vị và tích hợp với hệ thống dịch vụ công. Bằng sự tích hợp này, người dân có thể tìm lỗi vi phạm, quyết định xử phạt đối với mình và thực hiện các bước nộp phạt trên mạng thông qua tài khoản ngân hàng. Sau khi nộp phạt trực tuyến, người dân cũng có hai hình thức để nhận lại giấy đăng ký, giấy phép lái xe bị tạm giữ, gồm thông qua bưu điện hoặc trực tiếp tới trụ sở lực lượng CSGT. Với hình thức trung gian qua bưu điện, người dân có thể ngồi tại nhà mà vẫn nhận được giấy tờ. Cụ thể, theo thỏa thuận hợp tác giữa Cục CSGT và Tổng công ty Bưu điện Việt Nam vào năm 2016, người vi phạm có thể lựa chọn phương thức nộp tiền phạt vi phạm giao thông tại các bưu cục trên cả nước và nhận lại giấy tờ bị tạm giữ tại nhà. Nếu muốn sử dụng hình thức này, người vi phạm sẽ đăng ký với cơ quan công an bằng việc ghi và ký vào mặt sau biên bản vi phạm (bản cơ quan công an lưu) để chuyển tới bưu điện. Tiếp đó, người vi phạm đến bưu cục gần nhất để đăng ký và nộp tiền (bao gồm tiền phạt và phí dịch vụ bưu điện). Khi nhận được tiền nộp phạt, CSGT sẽ chuyển phát giấy tờ tạm giữ cho người vi phạm theo phương thức ưu tiên. Bưu điện sẽ chuyển phát tới tận tay người nhận. Dù vậy, với hình thức này, người dân vẫn phải đến bưu điện để làm các thủ tục. CSGT Đà Nẵng: Nộp phạt qua mạng là có lợi cho dân Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng Phòng CSGT, Công an TP Đà Nẵng, cho biết đã nắm được thông tin tới đây người vi phạm giao thông sẽ nộp phạt qua mạng. Theo Đại tá Truyền, hiện tại đơn vị này cũng đã liên kết với bưu điện để cho người dân đóng phạt sau khi nhận quyết định xử phạt. Bước tiếp theo tới đây là nộp phạt qua mạng, tài khoản điện tử thì quá tiện lợi cho người dân. “Quan điểm của tôi, nếu ứng dụng công nghệ thông tin vào thực tiễn và người dân được hưởng lợi là tôi ủng hộ. Việc này cũng góp phần giảm công việc cho cán bộ xử lý” - Đại tá Truyền nói. Đại tá Truyền cho biết dự thảo này rất có lợi cho người hiểu biết và sử dụng được công nghệ thông tin. Nhưng phải thực hiện song song với cách làm cũ vì không phải người nào cũng cài app, sử dụng được phần mềm ứng dụng. “Do đó, cần phải có lộ trình, thời gian từ thí điểm đến mở rộng việc nộp phạt qua mạng” - Đại tá Truyền nói. Các ngành phải phối hợp thông suốt Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, đại diện Phòng CSGT (PC08, Công an TP.HCM), cho biết đến nay vẫn chưa chính thức nhận được chỉ đạo triển khai từ các cơ quan cấp trên về việc thu tiền phạt giao thông qua mạng. Các đơn vị, đội, trạm CSGT trên địa bàn TP cũng cho biết chưa nắm được thông tin về vấn đề này. Tuy nhiên, với tư cách cá nhân, đội trưởng một đội CSGT ở TP.HCM nêu quan điểm ủng hộ việc điện tử hóa công tác xử lý, thu nộp phạt trong lĩnh vực giao thông, làm sao để giảm bớt việc lưu trữ tài liệu, hồ sơ bằng giấy. Từ đó tiết kiệm tiền bạc của Nhà nước và thời gian, công sức của người dân và lực lượng CSGT. Nhưng về khâu thu tiền phạt qua mạng thì vị này bày tỏ nhiều băn khoăn, làm sao để phối hợp các ngành với nhau. Vì việc nộp phạt giao thông qua mạng không chỉ liên quan đến ngành công an mà còn liên quan đến ngân hàng, kho bạc… “Các đơn vị này phải phối hợp với nhau như thế nào từ khâu tạo, quản lý được tài khoản của người vi phạm, không để lọt các loại tài khoản ảo” - vị sĩ quan nêu băn khoăn. Điều đáng băn khoăn khác ở các đơn vị, đội, trạm CSGT là với các hình thức xử phạt bổ sung như tước bằng lái xe, tạm giữ xe… thì người dân nộp phạt qua mạng nhưng vẫn phải đến cơ quan CSGT để lấy lại giấy tờ xe và phương tiện của mình. Theo các đơn vị, quy trình xử lý, lưu trữ, tiêu hủy biên bản xử phạt hiện nay phải tuân theo quy định của ngành là rất chặt chẽ nhưng rất cực và đã lỗi thời. Nếu nộp phạt qua mạng thì hồ sơ được xử lý trên máy tính, việc lưu trữ cũng sẽ thực hiện trên mạng sẽ giúp điện tử hóa công tác xử phạt vi phạm giao thông. Tuy nhiên, đòi hỏi ai cũng phải có tài khoản là khó vì hiện nay với người dân lao động phổ thông, buôn bán, nội trợ… ít quan tâm hoặc chưa quen với các giao dịch điện tử. Tóm tắt quy trình nộp phạt cũ, mới Quy trình hiện nộp phạt thủ công A. Nếu mức phạt dưới 400.000 đồng => CSGT lập biên bản, ra quyết định xử phạt tại chỗ => người vi phạm nộp tiền tại chỗ (cho CSGT) hoặc ra kho bạc, không bị giữ giấy tờ. B. Nếu mức phạt từ trên 400.000 đồng => CSGT lập biên bản tại chỗ, người vi phạm để lại giấy tờ rồi đi => sau 7-10 ngày hoặc trên 30 ngày, đội, trạm, phòng CSGT ra quyết định xử phạt, người vi phạm đến nhận => người vi phạm cầm biên bản đi đóng phạt tại kho bạc => người vi phạm cầm biên lai nộp phạt quay lại đội, trạm, phòng CSGT trình, lấy lại giấy tờ, phương tiện. Quy trình sẽ nộp phạt điện tử A. Nếu mức phạt dưới 400.000 đồng => CSGT lập biên bản, ra quyết định xử phạt tại chỗ, người vi phạm nộp tiền tại chỗ (tiền tươi) hoặc ra kho bạc hoặc nộp qua mạng theo quy trình B. B. Nếu mức phạt từ trên 400.000 đồng => CSGT tuần tra trên đường lập biên bản => sau 7-10 hoặc trên 30 ngày, đội trưởng ra quyết định xử phạt, dân đến nhận => dân cầm biên bản, truy cập vào cổng dịch vụ công, vào mục nộp phạt, nhập các thông tin cá nhân theo biên bản, đóng phạt qua tài khoản ngân hàng, kiểm tra chứng từ => tại đội, trạm, phòng CSGT lấy lại giấy tờ, phương tiện hoặc lựa chọn thông qua trung gian là bưu điện. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .