Nhóm tác giả chia sẻ với Báo GD&TĐ về vấn đề tự chủ ĐH: “Hiện nay, cả hệ thống GD&ĐT đang tích cực thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện. Trong đó, GD ĐH không nằm ngoài sự chuyển động đổi mới đó. Để đổi mới thì vấn đề tháo gỡ các vướng mắc, thực hiện tự chủ rộng rãi trong GD ĐH là cần thiết, phù hợp với đòi hỏi thực tế GD ĐH nước ta cũng như xu hướng quản trị đại học tiên tiến trên thế giới. Mặc dù, từ nhiều năm trước đã có các chủ trương được cụ thể hóa qua hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, nhưng năm 2019, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật GD ĐH chính thức có hiệu lực thì vấn đề tự chủ trong GD ĐH trở nên cần thiết hơn bao giờ hết”. Theo nhà báo Xuân Kỳ (một trong các tác giả đoạt giải), thực tế nhiều cơ sở GD ĐH đã từng bước thực hiện tự chủ theo các quy định khác nhau, thu được những thành tựu nhất định. Nhất là từ khi Nghị quyết 77NQ-CP năm 2014 về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở GD ĐH công lập ra đời tạo nên sự chuyển mình rõ rệt về tự chủ ĐH. Tuy nhiên, tự chủ đại học đến đâu? Vai trò quản lý Nhà nước, của bộ chủ quản trong tự chủ đại học ra sao? Quản lý, quản trị trong các cơ sở GD ĐH khi tự chủ sẽ như thế nào? Tự chủ liệu có phải là các trường tự do trong các hoạt động đào tạo, nghiên cứu? Tự chủ cả về nhân sự, học thuật, đào tạo, tài chính… hay chỉ tự chủ từng phần thì hợp lý? Hành lang pháp lý để gỡ vướng trong tự chủ GD ĐH đến đâu? Tư duy của chính các trường ĐH không tự “cởi trói” thì khó có thể tự chủ thành công và hiệu quả… Tất cả những vấn đề nêu trên đặt ra bài toán không chỉ đối với những người làm trong ngành GD mà với toàn xã hội. Đó cũng là lý do thôi thúc những nhà báo gắn bó với GD gồm: Nhà báo Hương Sen, Tuấn Anh, Thu Phương, Xuân Kỳ thực hiện loạt bài “Tự chủ trong giáo dục đại học - Xu hướng cần nhân rộng”. “Khi thực hiện loạt bài, chúng tôi cũng không kỳ vọng sẽ lý giải, phân tích, kiến nghị… được hết các vấn đề liên quan nhưng cũng mong muốn mang đến những thông tin, những phân tích, giải pháp, kiến nghị hữu ích từ thực tế ghi nhận, nắm bắt thông tin từ phái các chuyên gia, nhà quản lý về vấn đề tự chủ ĐH. Chúng tôi mong muốn có một đóng góp nhỏ bé nhất nhưng thiết thực nhất, hiệu quả nhất đối với quá trình đổi mới GD nói chung, GD ĐH nói riêng. Bởi rõ ràng, đổi mới GD ĐH những năm qua đã đạt được những thành tựu đáng kể. Nhiều trường ĐH được xếp hạng thế giới và khu vực châu Á, nhiều chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế,những công trình nghiên cứu của các trường ĐH được công bố trên hệ thống ISI. Tuy nhiên, những góc khuất, rào cản trong GD ĐH không phải không có. Vì vậy, cần có những góc nhìn đa chiều, thiết thực”- Nhà báo Xuân Kỳ chia sẻ. Nhóm tác giả cho biết, sau khi loạt bài viết “Tự chủ đại học- Xu thế cần nhân rộng” đăng trên báo Nhân Dân, đã có tác động nhất định đến dư luận xã hội, đặc biệt là những người làm GD. Nhà báo Xuân Kỳ bày tỏ: “Có lẽ đó cũng là “nhân duyên” để chúng tôi tham dự giải báo chí “Vì sự nghiệp giáo dục Việt Nam” 2019. Đây là giải báo chí uy tín về lĩnh vực GD&ĐT với các quy định chặt chẽ; quy tụ những nhà báo tâm huyết, phát hiện, thông tin về những cá nhân, tập thể điển hình trong đổi mới GD; đồng thời nêu lên những vấn đề để từ đó phân tích, chỉ ra những khía cạnh khác nhau mà dư luận xã hội quan tâm giúp ngành giáo dục đổi mới GD&ĐT thành công. Đáng chú ý, giải báo chí Vì sự nghiệp GD có sự phối hợp giữa Bộ GD&ĐT cùng Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin - Truyền thông, đã tạo niềm tin về tính chuyên môn, chặt chẽ đối với các nhà báo khi tham dự giải…”. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .