Chọn nghề trước, chọn trường sau PGS.TS Đậu Xuân Cảnh – Giám đốc Học viện Y Dược học Cổ truyền Việt Nam (Hà Nội) cho biết: Học viện đang có lộ trình mở ngành cử nhân tiếng Trung. “Quan điểm của tôi là phải xây dựng trường đại học đa ngành để đáp ứng nhu cầu của xã hội. Hiện, học viện có khoảng 30 cán bộ thuộc bộ môn Ngoại ngữ. Nếu chúng tôi mở mã ngành này sẽ đáp ứng nhu cầu học tập cho khoảng 5.000 sinh viên và 600 cán bộ của nhà trường” - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh trao đổi. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cho hay: Về cơ bản, phương án tuyển sinh năm nay của học viện vẫn giữ nguyên như năm trước. Vì thế, thí sinh nên bình tĩnh, tự tin tham dự Kỳ thi THPT quốc gia để đạt kết quả thật tốt, làm cơ sở xét tuyển vào đại học nói chung và Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam nói riêng. “Các em nên lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực, sở trường của mình, tránh chọn theo thị hiếu đám đông. Nên chọn ngành nghề trước, rồi chọn trường học sau” - PGS.TS Đậu Xuân Cảnh khuyến cáo. Theo TS Lê Xuân Thành - Trưởng phòng Công tác sinh viên (Trường ĐH Mỏ - Địa chất, Hà Nội), trường đang đào tạo khoảng 20 ngành lớn và gần 50 chuyên ngành nhỏ. Năm nay, nhà trường bắt đầu tuyển sinh hai ngành mới là: Quản lý tài nguyên môi trường và Tài chính ngân hàng. “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, kế hoạch tuyển sinh của nhà trường có điều chỉnh để phù hợp với thực tiễn. Hiện, nhà trường đang tổ chức chuỗi hoạt động tư vấn tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến như: Livestream trên Facebook, mở riêng kênh YouTube. Ngoài ra, Twitter, fanpage, website của nhà trường luôn sẵn sàng tương tác, trả lời các câu hỏi của thí sinh và phụ huynh 24/24 giờ” - TS Lê Xuân Thành cho biết. Chia sẻ về xu hướng lựa chọn ngành nghề của thí sinh, TS Lê Xuân Thành trao đổi: Nhìn chung, xu hướng chọn ngành nghề của thí sinh vẫn bị ảnh hưởng bởi truyền thông. Những ngành được truyền thông nhắc đến nhiều như: Công nghệ 4.0, trí tuệ nhân tạo… đang là xu hướng lựa chọn của nhiều thí sinh. Những ngành ít được nhắc đến như: Điện công nghiệp, điện - điện tử… không phải là ưu tiên số 1 để thí sinh lựa chọn, mặc dù cơ hội việc làm của những ngành này sau khi ra trường “đắt như tôm tươi”. TS Lê Xuân Thành viện dẫn: Theo số liệu của Tổng cục Dạy nghề, khối ASEAN đang thiếu khoảng 4 triệu việc làm từ phía Việt Nam, trong đó có gần 40% thuộc lĩnh vực cơ khí, điện và chế tạo máy. Như vậy, công nghệ thông tin không phải là lĩnh vực mà ASEAN cần Việt Nam cung cấp nhân lực. “Khi lựa chọn ngành nghề, thí sinh nên xếp theo thứ tự ưu tiên sau: Đầu tiên phải căn cứ vào năng lực. Tiếp đến là là xu thế xã hội; Sau đó là kinh nghiệm của bố mẹ và cuối cùng mới là chi phối của truyền thông” - TS Lê Xuân Thành chốt lại. Vẫn còn chọn nghề theo thị hiếu Trực tiếp tham gia tư vấn tuyển sinh, PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Phó Chủ nhiệm Khoa các khoa học Giáo dục, Trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận được nhiều câu hỏi của các bạn trẻ với đại ý: Học ngành nào, trường nào để ra trường dễ xin việc làm và có thu nhập cao. “Thực tế, nhiều người vẫn nghĩ, nghề nghiệp là phương tiện để kiếm sống, tạo ra thu nhập chứ không nghĩ rằng, nghề nghiệp là phương tiện để phát triển con người, phát triển bản thân và đem lại hạnh phúc cho chính mình. Chính vì chọn nghề theo thu nhập nên mới tạo ra tâm lý chung là: Chọn nghề theo thị hiếu, theo trào lưu. Ngành nào nhiều người chọn, nhiều người nhắc đến chắc chắn sẽ “hot” - PGS Phạm Mạnh Hà dẫn giải. Cũng theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, nhiều bạn trẻ băn khoăn, muốn được tư vấn về sự mâu thuẫn giữa bố mẹ với con cái trong lựa chọn nghề nghiệp. Thực ra, việc bố mẹ có định hướng nghề nghiệp cho con là điều tích cực. Nếu thực sự để tâm, bố mẹ sẽ là nhà tư vấn chuẩn nhất cho con cái. Tuy nhiên, không phải bạn trẻ nào cũng chấp nhận những lời tư vấn của bố mẹ. Nhiều bạn trẻ cho rằng, những lời khuyên của bố mẹ không đúng, không chính xác và từ chối lắng nghe. Trong nhiều trường hợp, các bạn trẻ sai lầm khi phản ứng cực đoan và không nghe lời khuyên của bố mẹ, nhất là những lời khuyên có cơ sở. Vì thế, các bạn hết sức thận trọng khi từ chối sự hỗ trợ, giúp đỡ của người thân, đặc biệt là những người hiểu biết. Tuy nhiên, theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, ở khía cạnh khác, phụ huynh có những tính toán riêng về “đường đi” cho con mình. Tất nhiên, tính toán đó có thể đúng ở thời điểm này nhưng sẽ là sai lầm cho những giai đoạn tiếp theo. “Chẳng hạn, khi định hướng nghề nghiệp cho con, bố mẹ thường chú ý đến cơ hội việc làm sau khi ra trường, mà ít quan tâm đến năng lực thực tế của con. Đó cũng là sai lầm” - PGS.TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ. Chúng ta nên lắng nghe, để tham khảo, sàng lọc những điều hợp lý trước khi đưa ra những quyết định cuối cùng. Và quyết định cuối cùng vẫn là các bạn. Các bạn cần thiết lập kế hoạch nghề nghiệp cho cuộc đời của mình thì việc lựa chọn sẽ rất nhẹ nhàng. - PGS.TS Phạm Mạnh Hà Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .