Định hướng trước khi đăng ký PGS.TS Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (Trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hà Nội) chia sẻ: “Việc các trường mở chương trình mới, ngành đào tạo mới là xu hướng tích cực, tạo cơ hội cho thí sinh có thêm nhiều lựa chọn, nhất là trong điều kiện quyền đăng ký nguyện vọng xét tuyển của thí sinh được mở rộng. Đây là cơ hội tốt và xu hướng tích cực. Tuy nhiên, các em phải đọc kỹ xem các chương trình mới đó cụ thể là gì, có phù hợp với nguyện vọng, sở thích và điều kiện của cá nhân cũng như gia đình hay không”. Nhìn chung, các chương trình mới sẽ đề cao việc học ngoại ngữ, trong đó có tiếng Anh. Ngoài ra, một số chương trình có tính liên thông nên học phí sẽ cao hơn, cùng với đó là yêu cầu về chuẩn đầu ra cũng khắt khe hơn. Một vấn đề khác mà thí sinh cũng cần lưu ý đó là, cần quan tâm đến uy tín, thương hiệu của cơ sở giáo dục đại học; trong đó có vấn đề về đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất của trường như thế nào… Do đó, các em phải nghiên cứu kỹ tất cả các yếu tố trước khi đặt bút đăng ký, không nên chỉ nghe tên của chương trình đào tạo hay ngành đào tạo đó rồi đăng ký xét tuyển. PGS Bùi Đức Triệu Ngoài ra, PGS Bùi Đức Triệu cho biết thêm, để có cơ sở lựa chọn ngành nghề mới của các trường, thí sinh có thể tìm hiểu trên mạng về các ngành nghề đó, hoặc trực tiếp vào các trang web của trường quốc tế mà cơ sở giáo dục đại học Việt Nam liên kết đào tạo để tìm hiểu xem thực sự có chương trình đó hay không, nếu có thì họ đào tạo như thế nào?... Chẳng hạn, cơ sở giáo dục đại học Việt Nam nói là có tích hợp chứng chỉ quốc tế. Thí sinh nên tìm hiểu xem đó là chứng chỉ quốc tế nào, các trường đại học liên kết có thực sự hợp tác với cơ sở giáo dục Việt Nam hay không, uy tín của trường quốc tế đó như thế nào… Nói chung, các em phải tham khảo sâu hơn để có sự tin cậy về mặt pháp lý. Giả sử với chương trình quản trị khách sạn quốc tế, các em nên tìm hiểu xem thực sự có các môn học đáp ứng yêu cầu quốc tế hay không. Các môn đó có đáp ứng được mục tiêu đào tạo mà các trường đã công bố hay không. Nhìn chung các em nên có định hướng căn bản để có sự lựa chọn đúng và trúng. Thí sinh cần bình tĩnh lựa chọn ngành nghề phù hợp với bản thân. Ảnh: TG Không nên ngộ nhận ngành “hot” Trước vô số các ngành nghề đào tạo của các cơ sở đại học, nhiều trường đã công bố mở một số ngành đào tạo mới theo tiêu chí “hot” và đón đầu xu thế 4.0; Ban tư vấn tuyển sinh Trường THPT Thuận Thành số 1 (Bắc Ninh) chia sẻ: Thí sinh nên chọn nghề phù hợp với bản thân và thực hiện theo các bước: Xây dựng danh sách 10 công việc mà các em thích thú; sau đó chọn khoảng 5 công việc các em cho là phù hợp nhất với các tố chất, kỹ năng khả năng của mình từ danh sách trên. Tiếp đến là xác định những ngành nghề “hot” hoặc tiềm năng phát triển mạnh. Các em có thể nhờ chuyên gia tư vấn và nên chọn ngành nghề nào phù hợp với xu hướng phát triển trong tương lai của nền kinh tế, xã hội. Ngành nghề đó có được xã hội tạo điều kiện để dễ dàng đạt được những thành tựu nhất khi đầu tư phát triển hay không… Ngoài ra, các em nên chọn 3 ngành nghề để hỗ trợ nhau. Vì sau này khi các em tìm việc, có thể sẽ không được ngành này thì vẫn có nhiều cơ hội với 2 ngành nghề còn lại. Các em cần thực tế khi xác định công việc yêu thích của mình. Hãy tự hỏi mình thích làm việc gì nhất. Điều quan trọng là các em cần có thế mạnh và khả năng phù hợp với yêu cầu công việc này. Ví dụ: Nếu các em thích gặp gỡ nhiều người và khả năng giao tiếp tốt, thì các em có thể hướng mình phát triển ở lĩnh vực quan hệ công chúng. Hoặc nếu các em giỏi môn Toán và yêu thích công việc tính toán, thì có thể nghĩ đến nghề nghiệp trong lĩnh vực tài chính, đầu tư hay ngân hàng… Các em cũng nên cân nhắc những điều mà mình không thích, thậm chí là ghét nhất bởi vì nhiều công việc có vẻ rất thú vị nhưng lại có một số yếu tố không phù hợp với bản thân. Đặc biệt, các em không nên ngộ nhận ngành mới hoặc tên ngành “sang trọng” thì mới tìm được việc làm sau khi ra trường. Các em cũng không nên chạy theo thị hiếu để chọn ngành, cần bình tĩnh, cân nhắc để lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân. Vì vậy, ngay từ bây giờ các em cần có thái độ học tập nghiêm túc để đạt kết quả cao trong Kỳ thi THPT quốc gia sắp tới. Trước đi đăng ký, các em nên bình tĩnh, xác định đúng với năng lực, sở trường của mình. Các em có thể tuân thủ theo nguyên tắc 3 bậc: Cao hơn - ngang bằng - thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn. Ở thời điểm hiện tại, các em cần tập trung học tập thật tốt, nắm vững kiến thức để tự tin bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2020. PGS Bùi Đức Triệu MInh Phong Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .