Hai tuần gần đây, nhiều người nhập BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM điều trị nhiễm trùng uốn ván. Số liệu ghi nhận tại khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới (TP.HCM), trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận 2,3 trường hợp bị uốn ván. Trong số 30 ca nằm viện tại khoa thì có hơn 70% trường hợp mắc uốn ván. Phần lớn các bệnh nhân có bệnh cảnh rất nặng, co giật và co thắt cơ - triệu chứng điển hình của bệnh uốn ván, gây rối loạn hô hấp, cần điều trị tích cực tại khoa. Từ vết xước cây quẹt dẫn đến hôn mê Chờ vào thăm cha là ông TVN (65 tuổi, ngụ Long An) đang điều trị tại khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn, anh Trần Văn Tiến cho hay hơn 10 ngày trước, ông N. phát quang bụi cây xung quanh nhà thì bị một cành cây gãy gây xước, chảy máu bên tay trái. Nghĩ vết thương không có gì nghiêm trọng nên ông N. chỉ rửa sơ vết thương và để cho tự lành. Tuy nhiên, hơn một tuần sau, ông N. cảm thấy cứng hàm, nhai nuốt khó và khó thở nên được người nhà đưa vào BV địa phương điều trị, tuy nhiên tình hình không cải thiện nên ông được chuyển vào BV Bệnh nhiệt đới tiếp tục điều trị. Ông N. đã được mở khí quản và trợ thở bằng máy, hiện vẫn đang hôn mê. Anh Tiến thở dài: “Nghe bệnh uốn ván chỉ tưởng là trẻ em mới mắc thôi, ai ngờ người lớn cũng bị. Nếu có kiến thức về bệnh sớm hơn thì tôi đã đưa cha đi chích ngừa rồi, không phải chạy đôn chạy đáo lo cho ông nằm viện như thế này”. Hay chỉ từ vết thương phỏng ống pô xe máy đơn thuần, bà NTC (50 tuổi, ngụ quận 7, TP.HCM) cứ nghĩ bôi thuốc vài ngày vết phỏng sẽ lành. Tuy nhiên, một tuần sau, vết phỏng càng lan rộng, mưng mủ, sưng tấy. Bà C. nghĩ là vết thương nhiễm trùng nên mua kháng sinh về uống. Sau đó, bà C. bắt đầu sốt cao, cứng cơ hàm, há hàm khó. Bà C. được người nhà đưa vào BV gần nhà điều trị và được chuyển đến BV Bệnh nhiệt đới với tình trạng khó thở tăng dần. Người bệnh uốn ván đang điều trị tại khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM. Ảnh: HL Chích ngừa chủ động khi bị gà mổ, heo cạp Theo BS Dương Bích Thủy, Phó khoa Cấp cứu, hồi sức tích cực chống độc người lớn, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân uốn ván thường có vết thương “ngõ vào”, đây là con đường cho vi khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể. Khoa hay tiếp nhận các bệnh nhân uốn ván phổ biến nhất là giẫm đinh hoặc gặp tai nạn lao động, tai nạn giao thông, thậm chí là các tai nạn sinh hoạt như vết dao cắt, gà mổ, bò đạp, heo cạp… Có một số trường hợp khác mắc uốn ván do liên quan đến bệnh lý nội khoa như vết thương viêm tai giữa, chảy mủ tai, chàm da mạn tính, sâu răng, vết thương lâu lành, vết loét lâu lành như bàn chân tiểu đường, vết loét ung thư vú. Người đã từng tiêm ngừa uốn ván thì nên tiêm nhắc lại 5-10 năm trước khi có vết thương để bảo vệ triệt để. Tuy nhiên, khi đã chích ngừa đầy đủ mà có vết thương, người dân vẫn cần đến cơ sở y tế để bác sĩ đánh giá vết thương để xem xét chích huyết thanh uốn ván tạm thời và tư vấn chích ngừa vaccine uốn ván Theo BS Thủy, quá trình điều trị bệnh uốn ván khá tốn kém và mất thời gian, tùy theo mức độ nặng, nhẹ của bệnh có thể từ hai tuần đến ba, bốn tháng điều trị. Theo thống kê tại BV, các trường hợp uốn ván nhẹ chưa cần can thiệp thở máy chi phí 20-50 triệu đồng, còn trường hợp thở máy và biến chứng liên quan bệnh lý tiềm ẩn như tim mạch, gan, thận, chi phí có thể lên đến 200-300 triệu đồng. BS Thủy khuyến cáo người dân khi gặp vết thương có “ngõ vào” liên quan mủ máu nhiều, có nhiều dị vật làm mô dập nát cần đến cơ sở y tế để tiêm ngừa uốn ván và chăm sóc vết thương. Từng có nhiều trường hợp chủ quan vết thương nhỏ như gà mổ, heo cạp, bò đạp… mà bệnh nhân thường chỉ tự chăm sóc tại nhà, thậm chí một số người còn sử dụng thuốc lá cây, cỏ đắp vào vết thương. “Với cách chăm sóc vết thương không đảm bảo vệ sinh thì càng rất dễ dẫn đến uốn ván. Hoặc khi bệnh nhân có ổ sâu răng nhưng nghĩ là không cần nhổ lấy ra hoặc vết thương chàm da mạn tính nên không tập trung xử lý vết thương cũng rất dễ dẫn đến uốn ván. Do đó, khi có vết thương, không nên tự đánh giá mà nên đến cơ sở y tế để được bác sĩ tư vấn có cần chích ngừa uốn ván” - BS Thủy nêu. Đặc biệt, theo BS Thủy, 30% số ca mắc uốn ván nhập viện không tìm thấy “ngõ vào”, có thể bệnh nhân bị vết thương nhỏ nhưng không để ý và vết thương đã tự lành. Do đó, để phòng ngừa uốn ván, tất cả người dân nên chủ động tiêm ngừa uốn ván. Đối với người không nhớ lịch sử tiêm chủng ngừa uốn ván thì cần tiêm ngừa lại từ đầu theo phác đồ tiêm chủng mở rộng. Nhập viện ngay khi bị cứng hàm Triệu chứng dễ nhận biết nhất của bệnh uốn ván là cứng hàm. Khởi đầu, người bệnh thường mỏi hàm, sau đó tiến tới cứng hàm, há khó, ăn uống khó khăn, dễ bị nhầm lẫn với bệnh lý về tai biến hoặc sái khớp hàm. Bệnh chuyển nặng khi người bệnh cứng cơ toàn thân (cứng lưng, cứng bụng, cứng tay chân), lên cơn co giật tại nhà, khó thở, thở rít. Do đó, người bệnh có triệu chứng cứng hàm không biết rõ nguyên nhân nên đến cơ sở y tế để bác sĩ nhận định bệnh cảnh. Với phương pháp điều trị hồi sức tích cực bệnh uốn ván hiện nay, tỉ lệ tử vong của bệnh đã giảm đáng kể, chỉ 2%-5% tử vong. Tuy nhiên, các đối tượng có bệnh lý nền như thiếu máu cơ tim cục bộ, suy tim, suy gan, suy thận, các bệnh lý nhiễm trùng khác… thì quá trình điều trị sẽ kéo dài và tỉ lệ tử vong cao hơn nhiều. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .