Người dân loay hoay với chiếc xe tắt máy trên đường Nguyễn Hữu Cảnh, Q.Bình Thạnh, TP.HCM trong cơn mưa chiều 10-5 - Ảnh: CHÂU TUẤN Nhiều dự án, công trình chống ngập hàng chục ngàn tỉ đồng giờ ra sao, phát huy hiệu quả thế nào... là những câu hỏi mà người dân nóng lòng chờ các cơ quan chức năng trả lời. Những điểm... tái ngập Cơn mưa chiều qua (11-5) không lớn nhưng khiến nhiều đường như Quốc Hương, đường 41, 44 phường Thảo Điền, Q.2 bị ngập nước. Nhiều người dân ở khu được mệnh danh "khu nhà giàu" này lần thứ 3 liên tiếp phải sống trong cảnh ngập nước bởi những trận mưa đầu mùa. Một ngày trước đó, trận mưa khoảng 50mm cũng khiến người dân ở đây bì bõm lội nước, dắt bộ vào chiều cuối tuần. Tại đường Quốc Hương có hai điểm ngập kéo dài khoảng 1km, mỗi khi mưa nước gây ngập hơn 50cm khiến các phương tiện qua lại bị chết máy hoặc mất lái té ngã. Sáng 11-5, khi trở lại ghi nhận tình trạng cống thoát nước tại tuyến đường này, chúng tôi nhận thấy nước vẫn chưa rút hết thì chiều nước mưa lại tiếp tục "giội" xuống. Đường Quốc Hương không chỉ là điểm "nóng" ngập nước do mưa mà mỗi khi triều cường cũng trở nên mênh mông nước. Anh Thiên, nhà trên đường Quốc Hương giao hẻm 76, phường Thảo Điền, cho biết cơn mưa chiều 10-5 là đỉnh điểm ngập tại khu vực này từ đầu năm đến nay. Nước ngập sâu tràn cả vào nhà gây ướt, hư hỏng đồ đạc. Ngoài đường kẹt xe kéo dài do xung quanh đều ngập, người dân không biết thoát ra hướng nào. Dù dứt mưa nhưng nước rút rất chậm, đến tối nước mới rút dần nhưng vẫn chảy trên mặt đường. Trong hai ngày 10 và 11-5, khu vực phường Thảo Điền, Q.2, TP.HCM đều ngập nước sau mưa. Ảnh lớn: Các loại xe lội nước ngập ở khu vực này ngày 11-5 - Ảnh: MINH TRẦN Cũng trong ngày 10-5, cơn mưa nặng hạt kéo dài khoảng 30 phút đã làm đường Nguyễn Hữu Cảnh ngập nhiều đoạn. Đoạn ngập nặng nhất nằm ngay chân cầu vượt Nguyễn Hữu Cảnh kéo dài hơn 100m hướng về cầu Sài Gòn. Một số đoạn ở chiều ngược lại cũng ngập gần nửa bánh xe chiếm hết phần đường di chuyển của các phương tiện và tràn cả vào nhà người dân. Đây là khu vực trũng nên nước từ đường Nguyễn Văn Thương (D1 cũ) nối dài và đường Điện Biên Phủ sẽ đổ dồn về đây gây ngập nặng. Người đi đường nếu lọt vào khu vực ngập này chỉ cần có xe tải, ôtô chạy qua tạo sóng dễ bị mất lái, ngã sóng soài. Không chỉ vậy, khu vực trước tòa nhà The Manor cũng bị ngập. Điều đáng nói, để giải quyết tình trạng ngập trên đường Nguyễn Hữu Cảnh 2 năm nay, UBND TP.HCM đã thuê dịch vụ "siêu máy bơm" chống ngập của Công ty tập đoàn công nghiệp Quang Trung nhưng thời gian qua đường này không ít lần bị ngập. Tình trạng ngập nước trên đường Nguyễn Hữu Cảnh còn lan sang các tuyến đường, hẻm lân cận như đường Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Thương, nước ngập kéo dài trong nhiều giờ liền mới rút. Trong khi đó, cơn mưa ngày 11-5, nhiều khu vực khác như đường Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân), quốc lộ 1 đoạn qua ấp 3, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh cũng lênh láng nước, hàng loạt phương tiện di chuyển qua đây hết sức khó khăn. Một thầy giáo người nước ngoài phải tháo giày, đạp xe lội nước ngày 10-5 - Ảnh: MINH TRẦN HĐND TP.HCM sẽ giám sát hiệu quả chống ngập Nội dung này được Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ phát biểu tại kỳ họp thứ 14 HĐND TP khóa IX diễn ra ngày 11-5. Phát biểu bế mạc kỳ họp, bà Nguyễn Thị Lệ cho biết sau kỳ họp, thường trực và các ban HĐND TP sẽ triển khai giám sát chuyên đề theo nghị quyết chương trình giám sát 2019, trong đó tập trung giám sát công tác đầu tư các dự án đường vành đai 2, vành đai 3; công bố và thực hiện quy trình rút gọn về công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư, bàn giao mặt bằng, giảm thời gian thực hiện dự án; việc thực hiện phân cấp ủy quyền; giám sát chuyên đề về tiến độ và hiệu quả triển khai các dự án chống ngập; tình hình triển khai Luật trẻ em, công tác phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em... (MAI HOA - TIẾN LONG) Nhiều dự án giậm chân "Mùa mưa này, TP.HCM khó thoát khỏi cảnh ngập nước bởi nhiều dự án chống ngập còn lẻ mẻ và chưa hoàn thành kịp tiến độ" - PGS.TS Nguyễn Minh Hòa, nguyên trưởng khoa đô thị học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhận định như vậy. Theo chương trình chống ngập giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM tập trung giải quyết 40 điểm ngập tại khu vực trung tâm (nội thành hiện hữu) và 179 tuyến hẻm. Hoàn thành các hạng mục kiểm soát triều của dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu" giai đoạn 1. Ông Đỗ Tấn Long - phó giám đốc Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật (thuộc Sở Xây dựng) - cho biết đến nay TP.HCM đã giải quyết được 22/40 điểm ngập. Trong giai đoạn 2019 - 2020, TP.HCM đặt mục tiêu sẽ giải quyết 15 điểm ngập gồm: Tân Quý, Lê Đức Thọ, Phan Anh, Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Ba Vân, Mai Thị Lựu, Bàu Cát, Trương Công Định, Nguyễn Hữu Cảnh, Thảo Điền, Quang Trung, Kha Vạn Cân, Đặng Thị Rành và Dương Văn Cam. Riêng 3 điểm ngập quốc lộ 13, quốc lộ 1 (quận Thủ Đức) và đường Hồ Học Lãm (quận Bình Tân) được giải quyết ngập sau năm 2020 vì trùng với các dự án lớn khác mà TP đang kêu gọi đầu tư như dự án mở rộng quốc lộ 13, dự án đường vành đai 2... Như vậy hiện trên địa bàn TP.HCM chỉ còn 18 điểm ngập như trên? Theo ông Long, đó chỉ là những điểm ngập khu vực nội thành hiện hữu, không tính đến những điểm ngập khu vực ngoại thành. "Quy hoạch cần tới 6.000km cống thoát nước, hiện nay mới chỉ đạt khoảng một nửa, nhiều tuyến đường trên địa bàn TP chưa có cống thoát nước" - ông Long cho hay. Vì lẽ đó, tổng số điểm ngập hiện tại trên địa bàn TP.HCM vẫn còn là ẩn số. Đồ họa: VĨ CƯỜNG Đề cập đến giải pháp "giải cứu" mưa ngập cho đường Nguyễn Hữu Cảnh, ông Nguyễn Vĩnh Ninh - phó giám đốc Ban quản lý đầu tư xây dựng các công trình giao thông - cho biết hiện Sở Giao thông vận tải đã phê duyệt thiết kế dự án. Theo đó, toàn tuyến đường Nguyễn Hữu Cảnh dài khoảng 3,2km, ngoài cải tạo mặt đường, cao độ còn xây dựng, bổ sung hệ thống thoát nước, hệ thống chiếu sáng, cây xanh, thảm cỏ... Tổng dự toán công trình có vốn đầu tư 473 tỉ đồng này chuẩn bị đưa ra đấu thầu có thể thi công sau 2 tháng tới và dự kiến hoàn thành sau khoảng 14 tháng thi công. Trong khi đó, một cán bộ thuộc Ban quản lý các công trình hạ tầng kỹ thuật cho hay đã có dự án cải tạo hệ thống thoát nước đường Nguyễn Văn Hưởng, còn đường Quốc Hương vẫn chưa có dự án gì cụ thể. Tuy nhiên, hiện dự án trên đường Nguyễn Văn Hưởng cũng đang phải điều chỉnh thiết kế do còn chưa thống nhất cao độ mặt đường giữa địa phương và đơn vị đầu tư. Dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng "hồi hộp" chờ bàn giao mặt bằng Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Tâm Tiến - giám đốc Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 (thuộc Trung Nam Group), đơn vị thực hiện dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét tới biến đổi khí hậu" giai đoạn 1 - cho hay hiện nay ngoài UBND quận 1 bàn giao hết mặt bằng, các quận huyện còn lại như quận 4, 7, 8, huyện Nhà Bè, Bình Chánh chưa bàn giao hết mặt bằng cho đơn vị thi công. Tại buổi kiểm tra công trình ngày 12-3, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã yêu cầu các quận huyện trên cam kết bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công trước ngày 30-6. Theo ông Tiến, nếu các đơn vị kịp bàn giao mặt bằng như cam kết thì tiến độ dự án mới hoàn thành kịp trong năm nay. Đây là một trong những dự án chống ngập quy mô nhất triển khai trên địa bàn TP.HCM thời gian gần đây. Dự án được cho giúp chống ngập do triều trong lưu vực 550km2 với 6,5 triệu người được hưởng lợi. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .