Nhiều năm qua, LG không còn lọt top những thương hiệu smartphone hàng đầu nhất thế giới. Ngoại trừ thị trường Mỹ, LG không có chỗ đứng trong bảng thị phần smartphone bán chạy ở các quốc gia khác. Dù LG vẫn đứng thứ 3 trong danh sách hãng smartphone tại thị trường Mỹ vào quý III/2020, với 13% thị phần theo số liệu của Counterpoint Research, họ chỉ được xếp chung trong nhóm “thương hiệu khác” trên bảng xếp hạng toàn cầu trong cùng kỳ, theo số liệu của IDC. Trong 5 năm qua, mảng kinh doanh smartphone của LG đã lỗ tới 4,5 tỷ USD. Thực trạng này khiến CEO tập đoàn LG, ông Kwon Bong-seok đang cân nhắc bán hoặc thu hẹp mảng smartphone của công ty, theo Korea Herald. “Mảng kinh doanh smartphone của LG đã kém dần trong nhiều năm nay, nên cũng không có gì ngạc nhiên khi họ muốn rời khỏi thị trường”, ông Bob O’Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis viết trong email trao đổi với Zing. Mất thị phần, di động LG còn gì hấp dẫn? Kể cả ở Mỹ, một trong những thị trường mạnh nhất của LG, thì hãng điện thoại Hàn Quốc cũng đang bị lép vế trước Apple và người đồng hương Samsung. “Họ cũng không có sự hiện diện tại Trung Quốc. Số lượng smartphone có trên thị trường không đủ đa dạng ở các tầm giá, và LG cũng không tiêu nhiều tiền cho hoạt động marketing", bà Carolina Milanesi, trưởng nhóm phân tích của Creative Strategies chia sẻ qua email. “Không dễ để chỉ ra LG đã sai lầm ở đâu, nhưng quy mô là một vấn đề có thể thấy rõ. Chúng ta đều biết để thành công sẽ cần chi tiêu rộng rãi hoặc khả năng hoạt động ở quy mô lớn trong thời gian dài. Ngay khi thị phần của LG bắt đầu suy giảm, họ bắt buộc phải đưa ra những quyết định khó khăn. Sự cạnh tranh của Apple và Samsung khiến việc đánh vào phân khúc cao cấp trở thành bất khả thi, và họ cũng đánh mất khả năng cạnh tranh về giá với các công ty Trung Quốc ở tầm thấp và trung”, ông Ben Wood, trưởng nhóm phân tích của CCS Insight giải thích rõ hơn. Giống như Nokia 10 năm trước, LG đang phải đưa ra những quyết định khó khăn. Ben Wood, trưởng nhóm phân tích CCS Insight Tuy nhiên, các chuyên gia chia sẻ với Zing đều cho rằng LG không hề thua kém về mặt công nghệ. Những smartphone sáng tạo của công ty này gần đây như chiếc LG Wing màn hình xoay, hay mẫu màn hình thu gọn vừa giới thiệu tại CES 2021 chứng tỏ hãng điện thoại Hàn Quốc vẫn có khả năng tạo ra sự khác biệt. “Họ không hề thiếu những tài năng và ý tưởng sáng tạo. Những smartphone gần đây mà LG công bố đều rất mới lạ, đặc biệt là chiếc có màn hình rút gọn được, bởi nó là một làn gió mới cho những người đã chán những mẫu smartphone giống nhau được ra mắt liên tục", ông Ben Wood nói. "Đã có lúc LG cho người dùng hy vọng, nhưng hy vọng thôi là không đủ. Kể cả có bán ra thị trường, mẫu smartphone màn hình rút này cũng sẽ có giá rất cao và số lượng hạn chế. Ở chiều ngược lại, LG Electronics vẫn là nhà cung cấp nhiều linh kiện quan trọng cho các hãng smartphone, đồng thời là thương hiệu hàng đầu về TV cao cấp và đồ gia dụng. Nói cách khác, thương hiệu LG vẫn rất có giá trị”, ông Ben Wood kết luận. Cùng với thông tin LG muốn bán lại mảng smartphone, Business Korea và Korea Times đều đưa tin VinSmart, công ty thuộc Vingroup là một trong những cái tên đang đàm phán. Trong khi Business Korea chỉ đưa tin Vingroup muốn mua lại bộ phận di động của LG Electronics, nguồn tin của Korea Times khẳng định tập đoàn Việt Nam muốn mua nhà máy sản xuất của LG tại Việt Nam, Trung Quốc và Brazil. Rất khó biết chính xác trong một thương vụ, những thành phần nào sẽ được chuyển nhượng. Vì thế, sẽ khó có thể kết luận vào lúc này bên mua hưởng lợi gì. Bob O'Donnell, Chủ tịch kiêm nhà phân tích chính của công ty TECHnalysis Khi được hỏi về tin này, đại diện VinSmart chưa đưa ra bình luận. Đại diện của LG Electronics tại Việt Nam cho biết chưa nắm được thông tin. Cùng với công nghệ như đã nói ở trên, các nhà phân tích cho rằng bộ phận di động của LG còn một “tài sản” rất đáng chú ý: con người. “Tôi cho rằng chúng ta có thể sẽ thấy một thương vụ giống như khi Google mua HTC, trong đó Google tiếp cận nhân lực của HTC thay vì phải mua lại bộ phận di động”, bà Carolina Milanesi nhận định. “Thực tế, rất khó biết chính xác trong một thương vụ, những thành phần nào sẽ được chuyển nhượng. Vì thế, sẽ khó có thể kết luận vào lúc này bên mua hưởng lợi gì”, ông Bob O’Donnell thận trọng hơn khi nhận xét về thương vụ này. Tháng 6/2018, VinSmart từng mua bản quyền trí tuệ của công ty BQ (Tây Ban Nha) khi mới bước chân vào thị trường smartphone. Khi đó, VinSmart tiết lộ BQ đã bán quyền sở hữu trí tuệ để phát triển 2 dòng smartphone. Đồng thời, VinSmart cũng hợp tác với BQ trong quá trình nghiên cứu, phát triển. Chỉ 6 tháng sau, VinSmart công bố đã sở hữu 51% cổ phần của BQ, có thể tận dụng cả công nghệ và nhân lực của công ty này. Tháng 10/2020, đại diện của VinSmart công bố đã ký kết thỏa thuận để bán smartphone tại thị trường Mỹ. Theo những hình ảnh rò rỉ trên mạng, có thể công ty Việt Nam sẽ đóng vai trò là nhà sản xuất điện thoại cho nhà mạng AT&T. Chúng ta có thể sẽ thấy một thương vụ giống như khi Google mua HTC để lấy nhân lực thay vì phải mua lại toàn bộ bộ phận di động. Carolina Milanesi, trưởng nhóm phân tích của Creative Strategies Các chuyên gia tin rằng nếu có thể mua lại mảng di động của LG Electronics, đây cũng là một bước tiến để VinSmart bước vào Mỹ, thị trường smartphone khó tính nhất thế giới. “Rất có thể họ sẽ mua lại những quyền sở hữu trí tuệ quốc tế. VinSmart có thể chưa có nhiều bằng sáng chế quốc tế, một trong những yếu tố khó khăn nhất khi muốn vào thị trường Mỹ. Nhiều hãng Trung Quốc cũng phải dừng bước ở thử thách này”, bà Carolina Milanesi nhận xét. “Tôi cho rằng VinSmart khó có thể tạo dựng được thành công dưới thương hiệu của chính họ tại thị trường Mỹ. Kể cả khi có sở hữu được thương hiệu LG, một việc chưa chắc chắn, họ cũng không thể đảm bảo thành công tại đây", ông Bob O’Donnell nhấn mạnh. "Điều tôi có thể kết luận chắc chắn là thị trường Mỹ rất khó nhằn. Phần lớn thương hiệu nhỏ khó có thể tồn tại, vì Apple, Samsung đã thống trị, và phần nhỏ còn lại chỉ dành cho những cái tên như Motorola hay Google”, ông Bob O’Donnell nhắc lại về sự khốc liệt của thị trường smartphone tại Mỹ. “Việc hợp tác với nhà mạng cũng có lợi, bởi thị trường Mỹ đã đóng cửa với Huawei và Xiaomi, khiến nhà mạng không có nhiều lựa chọn ngoài các mẫu máy của Apple và Samsung. Thị trường Mỹ khó khăn bởi nhà mạng đòi hỏi rất nhiều, và việc cấp phép cũng rất khắt khe”, bà Milanesi giải thích rõ hơn với phóng viên Zing, khi được hỏi về lý do một nhà sản xuất như VinSmart muốn hợp tác với AT&T. sửa máy tính tại nhà quận bình tân sửa máy tính tại nhà huyện bình chánh sửa máy tính tại nhà huyện nhà bè