Dãy nhà công vụ cho GV tại Trường PTDTBT TH Tả Gia Khâu (Mường Khương, Lào Cai) GD&TĐ - Với 2/3 cơ sở giáo dục, giáo viên ở vùng cao, trên 70% học sinh là người dân tộc thiểu số, quy mô giáo dục tăng nhanh nhưng còn thiếu về đội ngũ và cơ sở vật chất… giáo dục Lào Cai còn nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên, đứng trước yêu cầu đổi mới giáo dục, Lào Cai đã thể hiện quyết tâm cao, có nhiều sáng tạo, đổi mới và quyết sách. Triển khai xây dựng nhà công vụ giáo viên, nhà ở cho học sinh bán trú là một trong những quyết sách đúng đắn cho toàn ngành Giáo dục, thể hiện sự quan tâm chăm lo cho đời sống giáo viên, học sinh thiết thực, hiệu quả. Cú hích cho giáo dục Quyết định số 2570/QĐ-UBND ngày 10/8/2016 của UBND tỉnh Lào Cai về việc giao Kế hoạch đầu tư xây dựng nhà công vụ giáo viên, nhà ở học sinh bán trú đã được triển khai từ năm học 2016 - 2017. Đây được xác định là nhiệm vụ quan trọng của tỉnh với tổng nguồn lực đầu tư 205 tỷ đồng. Quy mô đầu tư nhà bán trú gồm 135 công trình, 738 phòng ở học sinh bán trú; Nhà công vụ giáo viên với 266 công trình với 1.140 phòng. Tới nay đã có trên 30 nghìn học sinh bán trú, trên 7 nghìn giáo viên, nhân viên được đảm bảo chỗ ăn, ở tại trường… Có thể nói, chính sách đầu tư xây dựng nhà ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên là chủ trương lớn của tỉnh Lào Cai. Trước hết là sự phát triển mạnh các trường PTDTNT, PTDTBT (năm học 2018 - 2019 toàn tỉnh có 8 trường PTDTNT THCS&THPT, 1 trường THPT DTNT tỉnh; 127 trường PTDTBT (PTDTBT TH 47 trường, PTDTBT THCS 80 trường) đáp ứng cơ bản nhu cầu học tập của con em các dân tộc trong tỉnh Lào Cai, cùng đó tác động mạnh mẽ đến chất lượng giáo dục dân tộc. Mặt khác, đầu tư xây dựng nhà ở học sinh bán trú, nhà công vụ giáo viên cũng đáp ứng được mong mỏi của PHHS, HS, các thầy cô giáo công tác ở vùng cao. Việc đầu tư này không chỉ đơn thuần cho cơ sở vật chất, hỗ trợ tài chính cho học sinh, mà còn nâng cao nhận thức cho học sinh, nhân dân, chính quyền địa phương về sự quan tâm của Nhà nước về chính sách an sinh xã hội đối với nhân dân... Đối với ngành Giáo dục, khi có nhà công vụ không những giúp cho các thầy cô giáo ở vùng cao có được chỗ ở tiện nghi để các thầy cô yên tâm công tác, mà còn là chỗ làm việc, quản lý học sinh, một tổ ấm của nhà giáo vùng cao. Khu tập thể giáo viên ở đây sẽ là kiểu mẫu về sự đoàn kết, tương thân tương ái, tập thể văn minh. Đó cũng là nguồn động lực to lớn động viên, chăm sóc đội ngũ giáo viên vùng cao vượt lên khó khăn, gian khổ để hoàn thành nhiệm vụ cao cả “trồng người”… Công trình nhà bán trú, nhà công vụ giáo viên của Trường THPT số 1 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng, Lào Cai) Niềm vui trong ngôi nhà mới Thầy Đỗ Quang Tám – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Bảo Thắng (huyện Bảo Thắng) - cho biết: Những năm trước đây khi chưa được đầu tư, hầu hết nhà công vụ cho giáo viên của trường trong tình trạng nhà tạm, bằng gỗ. Số và chất lượng nhà công vụ chưa đảm bảo sinh hoạt hàng ngày của giáo viên nên tâm lý và đời sống thiếu ổn định, vất vả phải tự khắc phục để điều kiện sinh hoạt bớt tạm bợ. Từ khi công trình 3 tầng nhà ở HS bán trú, nhà công vụ giáo viên với tổng cộng 15 phòng (10 phòng bán trú HS; 5 phòng công vụ cho giáo viên) hoàn thiện đã đáp ứng cơ bản nhu cầu sinh hoạt của GV, HS. Giáo viên phấn khởi và yên tâm công tác. Nhiều giáo viên nhà cách xa trường 10 - 15km đã có chỗ để ở lại đến cuối tuần, không còn cảnh giáo viên phải hàng ngày đi sớm về muộn. Hiện nay, nhà trường đã bố trí 3 phòng cho 3 hộ gia đình thầy cô giáo; 2 phòng còn lại là chỗ ở thường xuyên cho thầy cô giáo nhà xa trường nghỉ lại đến cuối tuần. Dự tính đến cuối năm 2018, tỉnh Lào Cai sẽ hoàn thành xây dựng đủ nhà vệ sinh, nhà tắm cho các trường PTDTBT (đợt 1); nhà vệ sinh cho tất cả các cơ sở giáo dục còn lại (đợt 2) với 872 công trình, trong đó xây mới 524 công trình, kinh phí 106 tỷ đồng. Hiện nay, tỉnh Lào Cai cũng đã có Kế hoạch tiếp tục đầu tư xây dựng phòng học (xóa phòng học tạm) và xây dựng nhà ăn + bếp nấu cho tất cả các trường có học sinh bán trú, giai đoạn 2019 – 2020 với quy mô 742 phòng học, 156 nhà ăn + bếp nấu, với tổng kinh phí gần 400 tỷ đồng, phấn đấu hoàn thành trước tháng 8/2020. Theo nhận xét của thầy Đỗ Quang Tám, nhà bán trú HS và nhà công vụ giáo viên không những góp phần chăm sóc đời sống giáo viên ngày càng tốt hơn, mà còn tác động tốt đến chất lượng giáo dục bởi giáo viên yên tâm, ổn định cuộc sống hàng ngày sẽ có thêm thời gian, điều kiện để đầu tư hết nhiệt huyết cho nghề. Cũng trong tâm trạng phấn khởi, thầy giáo Thền Văn Quang – Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Si Ma Cai (huyện Si Ma Cai) - chia sẻ: Nhiều năm trước đây giáo viên khá vất vả, tốn kém thuê nhà trọ gần trường. Hiện nay 7 phòng công vụ giáo viên mới giúp giáo viên của trường, (đặc biệt với những giáo viên nhà xa trường) không còn bận tâm lo lắng về chuyện ăn ở sau giờ lên lớp, đồng thời đỡ được một khoản trong số tiền lương còn hạn hẹp của giáo viên cho việc thuê phòng trọ... Rõ ràng, việc hoàn thiện nhà ở cho HS bán trú, nhà công vụ giáo viên tại tỉnh Lào Cai (với 738 phòng ở HS bán trú, 1.140 phòng công vụ GV) không chỉ thể hiện sự quan tâm tới giáo dục vùng khó, tạo ra cú hích để chất lượng giáo dục ngày càng phát triển, mà còn là sự hỗ trợ, quan tâm, chăm sóc hàng ngày đối với đội ngũ thầy cô giáo công tác tại vùng cao. Sự ổn định về tinh thần, điều kiện sinh hoạt, vật chất tăng lên sẽ trở thành động lực để các thầy cô yên tâm công tác, cống hiến hết mình vì học sinh, cũng như những đòi hỏi của đổi mới giáo dục. Với Lào Cai – một tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn thì đây thực sự là một chủ trương, quyết sách đúng đắn, hiệu quả mà các địa phương khác có thể nghiên cứu và nhân rộng để GD nói chung, đời sống giáo viên nói riêng được chăm sóc toàn diện hơn, giúp GD thêm phát triển hoàn thành những mục tiêu cao hơn đã đặt ra từ điều kiện cơ sở vật chất. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .