Sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu do đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà đầu tư quyết định dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các khu vực khác. Với vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương quốc tế, nằm trong khu vực kinh tế năng động và có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, Việt Nam được đánh giá có nhiều cơ hội đón làn sóng nhà đầu tư ngoại hậu dịch. Tăng tốc xây khu công nghiệp Nửa đầu tháng 5, tỉnh Long An đã khởi công liên tiếp hai khu công nghiệp (KCN) có quy mô lớn để đón các nhà đầu tư. Với diện tích hơn 1.800 ha, KCN Việt Phát được xem là một trong những KCN lớn nhất tại phía Nam vừa được chính thức khởi công. Trong đó, diện tích đất dành cho KCN là hơn 1.200 ha và đất dành cho khu đô thị là hơn 625 ha. Dự án được chủ đầu tư kỳ vọng tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Long An nói riêng và góp phần đón đầu làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hậu COVID-19 của Việt Nam nói chung. KCN Việt Phát sẽ ưu tiêu phát triển mảng xanh, ứng dụng những thành tựu khoa học, kỹ thuật mới nhất trong quản lý, vận hành, xử lý rác thải, bảo vệ nguồn nước và tài nguyên thiên nhiên. Ông Lê Thành, Chủ tịch Công ty cổ phần Đầu tư Tân Thành Long An, chủ đầu tư KCN Việt Phát cho biết phần lớn diện tích KCN sẽ dành cho ngành chế biến nông sản. Lý do là sau dịch bệnh, xu hướng tiêu thụ thực phẩm của thế giới sẽ gia tăng. KCN lại nằm ở trung tâm của một vùng nguyên liệu nông sản nên cần dành diện tích lớn để đáp ứng nhu cầu này. Phần còn lại ưu tiên những ngành sản xuất công nghệ cao để thúc đẩy kinh tế vùng phát triển. “Bên cạnh đó, chủ đầu tư sẽ tập trung phát triển hạ tầng để vừa kết nối KCN với các tỉnh, thành, cảng biển…, vừa giúp phát triển kinh tế địa phương, người dân khu vực hưởng lợi” - ông Thành nói. Các chủ đầu tư đang đẩy nhanh tiến độ thi công các KCN để đón nhà đầu tư ngoại. Ảnh minh họa: QUANG HUY Trước đó, dự án KCN Đức Hòa III - SLICO có tổng diện tích hơn 195 ha cũng được khởi công tại Long An. Đây là KCN lớn thứ ba trong cụm 13 KCN của Đức Hòa III. Chủ đầu tư định vị đây là khu đô thị dịch vụ đáp ứng nhu cầu đặc thù cho ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ và chế biến. Đầu năm 2020, KCN Becamex Bình Định cũng được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án. KCN này sẽ có quy mô 1.000 ha tại huyện Vân Canh, Bình Định với tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỉ đồng. Ngoài diện tích 1.000 ha phục vụ công nghiệp, dịch vụ, Becamex Bình Định còn có hơn 400 ha để làm đô thị, dịch vụ và các tiện ích công cộng. KCN Becamex Bình Định được kỳ vọng trở thành đầu mối giao thương, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, thương mại đặc biệt cho các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên và các tỉnh Nam - Trung Lào, Thái Lan. KCN phải tổ chức bài bản, quản trị thông minh về môi trường sạch, phát huy tất cả không gian. Ví dụ, không gian trên mặt đất dành cho sản xuất thì trên cao là không gian cho năng lượng tái tạo áp mái. KCN phải đảm bảo quy trình kinh tế tuần hoàn từ rác thải, năng lượng đến hệ thống quản trị, đáp ứng các tiêu chuẩn của mọi nhà đầu tư. Ông LÊ THÀNH, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thành Long An Thu hút nhưng không dễ dãi Bà Trang Bùi, Giám đốc cấp cao của Jones Lang LaSalle Việt Nam (JLL), cho biết bất động sản công nghiệp Việt Nam có thể phát triển ở cả ba khu vực Bắc, Trung, Nam. Đối với các tỉnh phía Nam, Long An có vị trí chiến lược, là cửa ngõ của TP.HCM với 12 tỉnh, thành ĐBSCL nên nhiều nhà đầu tư tập trung phát triển các KCN tại đây. Việt Nam có thể là điểm mở rộng của các nhà đầu tư đang đầu tư tại thị trường rộng lớn Trung Quốc. Thế mạnh của các KCN hiện nay ngoài vị trí còn phải có diện tích lớn để đáp ứng những cơ sở hạ tầng tiêu chuẩn quốc tế. Theo ông Lê Thành, Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Thành Long An, các chủ đầu tư cần mời những tập đoàn hàng đầu thế giới tư vấn, tham gia để KCN có thể định vị được các tiêu chuẩn quốc tế. Để tạo sự khác biệt, ông Thành cho rằng phải tạo lập được những điều kiện thuận lợi, nhà đầu tư an tâm về môi trường khi tổ chức sản xuất, quản trị mà không phải tốn nhiều thời gian để lo về công nghệ, rác thải, môi trường hay năng lượng tái tạo, phát triển nguồn nhân lực. “Chúng tôi đã tiếp cận các nhà đầu tư lớn tại Hàn Quốc, Singapore…, họ cũng đã sang Việt Nam khảo sát. Tuy nhiên, chủ đầu tư không nên dễ dãi, nóng lòng lấp đầy KCN mà cần chọn lựa các nhà đầu tư có đủ các tiêu chí phát triển bền vững, giải quyết vấn đề lợi nhuận lâu dài và đồng hành với chủ đầu tư” - ông Thành tư vấn. Bất động sản KCN tăng giá thuê Theo báo cáo quý I-2020 của đơn vị tư vấn bất động sản JLL Việt Nam, KCN miền Bắc với nền tảng cơ sở hạ tầng phát triển khá tốt, vị trí cận kề với Trung Quốc nên thu hút các tập đoàn lớn muốn đa dạng hóa danh mục sản xuất bên cạnh cơ sở tại Trung Quốc. Giá đất trung bình đạt 99 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 6,5% so với cùng kỳ năm 2019. Nhà xưởng xây sẵn là lựa chọn yêu thích của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, đều đã được lấp đầy. Tại khu vực miền Nam, số lượng yêu cầu thuê đất tăng cao. Các chủ đầu tư đã trở nên tự tin hơn trong việc tăng giá thuê đất. Giá đất trung bình trong quý 1-2020 đạt 101 USD/m2/chu kỳ thuê, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhà xưởng xây sẵn ở miền Nam có giá thuê dao động 3,5-5 USD/m2/tháng, tăng nhẹ ở Bình Dương, TP.HCM, Long An và giữ mức ổn định ở các tỉnh còn lại. Diễn đàn SEO HAUIOnline.edu.vn .